Giỗ tổ Hùng Vương 2020, người lao động được nghỉ mấy ngày?
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều lao động sẽ quan tâm tới ngày nghỉ kế tiếp là ngày Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch).
Giỗ tổ Hùng Vương mỗi năm thu hút rất đông du khách thập phương về dự hội.
Theo quy định tại Bộ luật Lao động 2012, ngày Giỗ tổ Hùng Vương người lao động sẽ được nghỉ 1 ngày, nếu ngày nghỉ này trùng vào ngày nghỉ hằng tuần thì được nghỉ bù vào ngày kế tiếp. Ngoài được nghỉ làm việc, người lao động còn được hưởng nguyên lương (quy định tại Điều 115 Bộ luật Lao động 2012).
Giỗ tổ Hùng Vương năm Canh Tý 2020 (10/3 Âm lịch) rơi vào ngày 2/4, tức thứ Năm. Do vậy, người lao động chỉ được nghỉ 1 ngày duy nhất mà không được hoán đổi ngày nghỉ hay nghỉ kèm ngày cuối tuần.
Đối với những người đi làm vào ngày này được nhận lương gấp 4 lần (quy định tại Khoản 1 Điều 97 Bộ luật Lao động 2012).
Cụ thể, người lao động làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
Điều này đồng nghĩa với việc, nếu phải làm việc vào ngày Giỗ tổ Hùng Vương thì người lao động sẽ được trả lương tối thiểu bằng 400% tiền lương của ngày làm việc bình thường.
Giỗ tổ Hùng Vương năm 2020, người lao động chỉ được nghỉ 1 ngày.
Đặc biệt, nếu làm việc vào ban đêm, người lao động được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường. Nếu làm thêm thì ngoài tiền lương nêu trên, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày (khoản 2 Điều 97 Bộ luật Lao động).
Bộ luật Lao động 2012 cũng quy định, người sử dụng lao động không được ép người lao động đi làm vào ngày này mà chỉ bố trí người lao động đi làm khi được sự đồng ý của họ.
Giỗ Tổ Hùng Vương được coi là Quốc giỗ của nước Việt Nam, tổ chức vào ngày 10/3 Âm lịch hằng năm tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng (núi Nghĩa Lĩnh, thành phố Việt Trì, Phú Thọ). Lễ hội nhằm tưởng nhớ công lao của vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước; thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Ngày 6/12/2012, Lễ hội Đền Hùng đã được cả thế giới biết đến khi UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là một Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. |
Nguồn: [Link nguồn]
Đêm 13.4, tại trung tâm Đền Hùng (Phú Thọ), hàng trăm người dân từ người lớn đến trẻ nhỏ vạ vật ngủ ngoài trời...