Giờ nào đẹp nhất để tiễn ông Táo chầu trời?

Quan niệm dân gian cho rằng, phải cúng ông Công, ông Táo giữa trưa 23 tháng Chạp. Tuy nhiên, theo chuyên gia phong thủy gia chủ có thể cúng vào bất kỳ giờ nào trong ngày này.

Giờ đẹp tiễn Táo quân

Nhà nghiên cứu văn hóa Vũ Hồng Thuật (Bảo tàng dân tộc Việt Nam) cho biết, quan niệm dân gian cho rằng giờ Ngọ (từ 11 – 13h) – tức là giờ Long Mã, giờ Ngọ hóa Rồng.

“Con Long (rồng) tượng trưng cho trục tung, Mã tượng trưng cho trục hoành. Long Mã có đặc điểm là đầu rồng, thân ngựa, đuôi rồng. Như vậy, giờ Ngọ là giờ tối linh thiêng trong ngày 23 tháng Chạp để đưa ông Công, ông Táo về chầu trời”, ông Thuật giải thích.

Nhà nghiên cứu phong thủy Nguyễn Hồng Hải lại cho rằng, tuy giờ Ngọ là giờ đẹp nhất nhưng thực tế, nhiều người không có đủ điều kiện thời gian để cúng, thả cá vào giờ này. Chính vì vậy, không nhất thiết phải cúng ông Công, ông Táo vào lúc giữa trưa. Thay vào đó, người ta có thể cúng bắt đầu từ 23h đêm ngày 22 cho đến trước giờ Hợi (21h -23h) ngày 23 tháng Chạp.

Giờ nào đẹp nhất để tiễn ông Táo chầu trời? - 1
 

Nên thả bằng cách thả từ từ nhẹ nhàng xuống sông hồ để cá chép có cơ hội sống

Chuẩn bị đồ lễ, cách thức cúng

Hàng năm, ngày 23 tháng chạp (Âm lịch) các gia đình thường làm cơm cúng, tiễn ông Táo về trời. Người Việt tin rằng vào ngày này, 3 vị Táo Quân cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng.

Theo nhà nghiên cứu phong thủy Nguyễn Hồng Hải, thông thường lễ vật cúng ông Công, ông Táo gồm 3 bộ áo mũ, trong đó hai bộ của “Táo ông”, một bộ của “Táo bà” .

Mâm cỗ cúng không cần quá cầu kỳ, tùy theo điều kiện thời gian, kinh tế của từng gia đình. Nhưng nhất thiết phải đủ đồ mặn là xôi, thịt, rượu, đồ chay gồm gạo, hoa quả, bánh kẹo, trầu cau.

Bên cạnh đó, để ông Táo có “phương tiện” chầu trời, gia chủ mua 3 con cá chép thả vào chậu nước sạch đặt ngay cạnh mâm cỗ. Cá chép mang ý nghĩa tượng trưng “cá chép hóa rồng” đưa ông Táo chầu trời. Cá chỉ cần to vừa phải, màu đỏ hoặc màu trắng.

Gia chủ không đặt mâm cúng và cá lên bàn thờ mà nên đặt ở bàn nhỏ ngay trước bàn thờ tổ tiên. Sau khi đặt đồ cúng, gia chủ tự khấn theo bài khấn cổ truyền. Khi hương cháy đến 2/3 là có thể mang vàng mã ra hóa, hóa xong đổ ba chén rượu vào đống tro. Cá chép mang ra ao hồ phóng sinh.

Nhà nghiên cứu phong thủy lưu ý người dân khi thả cá chép, không nên thả ở nơi nước bẩn hoặc từ cầu cao xuống mà phải thả từ từ, sao cho cá xuống nước vẫn sống.

Bài khấn phổ biến trong ngày cúng Táo quân, theo theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam - (NXB Văn hóa Thông tin)

Hôm nay là ngày... tháng... năm.

Tên tôi (hoặc con là)..., cùng toàn gia ở...

Kính lạy đức "Đông Trù tư mệnh Táo phủ Thần Quân:

(Có thể khấn thêm: Thổ địa Long Mạch Tôn Thần. Ngũ phương ngũ thổ Phúc Đức chính Thần)

Hàng năm gặp tiết hết năm, tháng vừa cuối Chạp. Gia đình sửa lễ bạc dâng lên. Cảm tạ phúc dày nhờ Thần phù hộ. Kính mong thần tâu bẩm giúp cho:

Bếp trong nếp sống rất hòa, ngoài mặt dám rằng cũng đẹp. Cảm thông xin tấu thực thà. Cầu mong giúp đỡ lợi lạc. Người người lo ấm, cả nhà thêm tiếng tốt lẫy lừng. Việc việc thành công, một cửa ngút khí lành man mác. Muôn trông ơn đức vô cùng.

Cẩn cốc (vái 4 vái)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tất Định – Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN