Giây phút bất tử ở Gạc Ma
Lúc ấy Thiếu úy Trần Văn Phương, người sau đó hy sinh trong khi bảo vệ cờ Tổ quốc cắm trên đảo Gạc Ma, còn động viên anh em rằng: “Vợ mình sắp sinh nhưng mình vẫn sát cánh cùng anh em, vì đây là máu thịt Việt Nam!”.
Không ai được lãng quên!
Hôm nay (14/3), những cựu binh và thân nhân của các liệt sĩ hy sinh trong trận hải chiến Trường Sa năm 1988 tổ chức gặp mặt tại Đà Nẵng để ôn lại những ký ức hào hùng trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trước ngày gặp mặt, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Lanh, người có mặt trong trận chiến sinh tử với hải quân Trung Quốc, chia sẻ với đồng đội câu chuyện bi hùng của 25 năm trước trên vùng biển Cô Lin - Len Đao - Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Chiều 12/3, Anh hùng Nguyễn Văn Lanh (47 tuổi, xã Vạn Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) đã đến Đà Nẵng. Anh là cựu binh của Trung đoàn E83 Công binh Hải quân năm xưa được phong tặng anh hùng năm 23 tuổi. Sau trận hải chiến ngày 14/3/1988 ở Gạc Ma, anh mang thương tật 71%.
Câu chuyện riêng gắn liền với lịch sử
Sau buổi ráp thử chương trình tại trường quay của Đài Truyền hình Đà Nẵng, trời đã tối. Biết tin anh Lanh ra Đà Nẵng, các đồng đội cũ đã chuẩn bị trước một buổi gặp mặt thân tình. Cuộc hội ngộ tràn đầy xúc cảm của những cái ôm, siết tay thật chặt và cả những nụ hôn trên các đôi má sạm đen vì lam lũ. Đây là lần đầu tiên sau 25 năm anh Lanh hội ngộ bên đồng đội.
Câu chuyện giữa các anh là những kỷ niệm thời quân ngũ và khoảnh khắc sinh tử khi giao chiến với quân Trung Quốc trên vùng biển Cô Lin - Len Đao - Gạc Ma 25 năm trước. Nhưng đó là lúc sau này, còn khi mới gặp, anh Lanh không quên hỏi chuyện đời tư từng người: “Thảo, mày vẫn chưa chịu lấy vợ hả mày. Già rồi còn gì!”; “Bình, cuộc sống mày giờ sao?”; “Hải, tao nghe bảo mày giờ chạy xe ôm hả? Con cái học hành thế nào?”… Những câu hỏi ân cần cứ dồn dập, người nghe không kịp trả lời. 25 năm rồi còn gì!
Trong ngày vui hội ngộ, các cựu binh cho phép mình được nâng ly chúc mừng. Nhưng thay vì hô “một, hai, ba… dzô!” như mọi người, các cựu chiến sĩ hải quân đã đồng loạt hô to “một, hai, ba… Đánh!”. Tiếng “đánh” nghe hùng hồn như quyết tâm sắt đá của người lính khi ra trận.
Anh Lanh nói: “Mình có thể quên chuyện gì nhưng riêng ngày nhập ngũ và trận đánh năm xưa thì không bao giờ quên”. Rồi anh kể chuyện riêng của mình nhưng câu chuyện ấy lại gắn liền với một phần lịch sử.
Ngày 11/3/1988, anh Lanh cùng đồng đội được lệnh lên tàu HQ-604 ra Gạc Ma xây đảo. Chiều tối 13/3/1988, tàu đến vùng biển Gạc Ma (còn tàu HQ-505 có mặt ở Cô Lin, tàu HQ-605 thẳng tiến Len Đao). “Trước khi đi, mình nghĩ chắc chắn sẽ có chiến sự, vì trước đó, khi các tàu vận tải của mình chuẩn bị ra Gạc Ma đã bị tàu chiến của Trung Quốc ngăn lại. Đúng như linh cảm, sáng 14/3, tiếng súng của kẻ thù đã nổ” - anh Lanh kể.
Giây phút hội ngộ của Anh hùng Nguyễn Văn Lanh (trái) với đồng đội từng tham gia trận hải chiến ở Gạc Ma ngày 14/3/1988. Ảnh: LÊ PHI
Ngã xuống giữa tiền tiêu Tổ quốc
Theo anh Lanh, từ chiều 13/3, tình hình đã rất căng thẳng. “Khi tàu của ta có mặt tại Gạc Ma, tàu Trung Quốc xuất hiện, dùng loa đuổi tàu HQ-604. Chúng ta bật loa dõng dạc: Đây là lãnh thổ thuộc chủ quyền nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Yêu cầu tàu Trung Quốc không xâm phạm vùng biển, đảo của Việt Nam! Yêu cầu các tàu Trung Quốc rời khỏi lãnh thổ của Việt Nam! Sau những lời tuyên bố đanh thép như thế, tàu chiến Trung Quốc thả thuyền nhỏ chạy quanh tàu của ta khiêu khích, chĩa súng, chĩa loa ầm ĩ”.
Suốt đêm đó, các chiến sĩ của ta không ngủ. Hừng đông, các chiến sĩ rời tàu bơi vào Gạc Ma. Anh Lanh nói: Lúc ấy Thiếu úy Trần Văn Phương còn động viên anh em rằng vợ mình sắp sinh nhưng mình vẫn sát cánh cùng anh em, vì đây là máu thịt Việt Nam. Chưa ai kịp ăn sáng, chừng 6 giờ ngày 14/3 thì chiến sự nổ ra.
Anh Lanh kể tiếp: “Lúc đó mình là lính công binh trên tàu vận tải nên anh em không có súng mà chỉ có cuốc, xẻng. Trên tàu chỉ có một vài người có súng AK. Anh em đang đưa vật liệu lên đảo thì tàu chiến Trung Quốc áp sát và cho lính tràn lên hòng nhổ cờ Tổ quốc mà anh Trần Văn Phương cùng đồng đội đã cắm trước đó. Anh Phương và các chiến sĩ trên đảo đã lập một “vòng tròn bất tử” vây quanh để bảo vệ cờ Tổ quốc.
Lúc này tôi đang ở trên tàu, anh Thông (Trung tá - Lữ đoàn phó Trần Đức Thông - PV) ra lệnh anh em nào biết bơi thì nhảy xuống bơi vào đảo tiếp ứng cho đồng đội. Tôi cùng đồng đội bơi vào đảo tiếp tục bảo vệ cờ. Lính Trung Quốc và mình đánh “tay bo” với nhau. Bất ngờ lính Trung Quốc dạt ra và nã đạn vào anh Phương. Sau khi anh Phương bị bắn, lính Trung Quốc định cướp lá cờ nhưng tôi giằng lại được. Một tay tôi cầm cờ, một tay cầm xà beng đánh lại...”. Rồi anh Lanh bị đâm từ phía sau và bị bắn thẳng vào người...
Diễn tiến tiếp theo sau đó anh Lanh không còn đủ sức chứng kiến nữa. Chỉ biết rằng sau đó các tàu chiến Trung Quốc đã lùi ra xa để nã pháo 100 ly, 37 ly dồn dập vào tàu HQ-604. Rồi tàu bị bốc cháy, chìm dần xuống biển, mang theo nhiều chiến sĩ và thuyền trưởng Vũ Phi Trừ cùng lữ đoàn phó Trần Đức Thông. Tiếp đó, tàu HQ-605 cũng bị bắn cháy nhưng được thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn ra lệnh cho mọi người rời khỏi tàu. Riêng tàu HQ-505 sau khi trúng đạn pháo một phần tàu bốc cháy, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ đã quyết định cho tàu lao thẳng lên rạn san hô Cô Lin. Tàu gối một nửa thân trước lên cạn, nửa sau nằm dưới nước và biến thành công sự bảo vệ được chủ quyền của đảo…
* * *
Giữa câu chuyện của mình, anh Lanh bỗng nhiên bật hỏi: “Tụi bay có nhớ tấm ảnh anh em mình chụp chung ở Hội An hôm nhập ngũ không? Thằng nào cũng đẹp quá, hồn nhiên quá. Mà giờ thì thằng Trần Tài, Nguyễn Hữu Lộc, Nguyễn Phú Đoàn… đã mãi mãi nằm lại với Gạc Ma. Anh em mình hy sinh khi còn trẻ quá, đứa nào cũng mới 17-18 tuổi, chưa một lần cầm tay con gái, chưa biết yêu là gì…”.
Bảo vệ vững chắc 11 đảo mới Ngày 14/3/1988, khi các tàu vận tải cùng bộ đội của ta đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ các đảo Cô Lin, Gạc Ma và Len Đao thì các tàu chiến của đối phương lao đến ngang ngược. Bất chấp luật pháp quốc tế, chúng đã dùng pháo lớn bắn vào các tàu HQ-604 ở đảo Gạc Ma, HQ-605 ở đảo Len Đao và HQ-505 ở đảo Cô Lin. Chúng cho quân đổ bộ lên đảo Gạc Ma nhổ cờ Tổ quốc, nổ súng vào bộ đội gây cho chúng ta nhiều tổn thất, 3 cán bộ hy sinh, 11 cán bộ, chiến sĩ bị thương, 70 người mất tích… (sau đó Trung Quốc trao trả lại 9 người mà chúng đã bắt giữ). Bị tổn thất và hy sinh nhưng bộ đội ta với tinh thần kiên cường, kiên quyết đấu tranh bảo vệ giữ vững chủ quyền đảo Cô Lin và Len Đao, tiếp tục triển khai đóng giữ bảo vệ thắng lợi Đá Nam và Đá Thị ở phía bắc quần đảo (ngày 15 và 16/3/1988)… Trải qua hơn năm tháng, quân chủng (hải quân) đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ CQ88, đóng giữ và bảo vệ thắng lợi 11 đảo mới với 32 điểm đóng quân. (Trích Lịch sử Hải quân vùng III 1975-2005 |