Giật mình 441 trường hợp nhiễm HIV ở một xã
Việc có tới 42 người nhiễm HIV tại một xã ở tỉnh Phú Thọ đang gây xôn xao dư luận cả nước, song con số này chỉ chưa bằng 1/10 số người nhiễm HIV tại xã thuộc tỉnh Nghệ An giữ kỷ lục không mong muốn khi có tới 441 ca mắc "căn bệnh thế kỷ".
Nhiều người dân ở xã miền núi Kim Thượng bất ngờ khi bị nhiễm HIV
Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, với con số 42 trường hợp mắc HIV trên tổng số 6.000 người tại xã vùng núi Kim Thượng (huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ), đoàn kiểm tra cũng như tỉnh Phú Thọ đánh giá ở mức cao. Thế nhưng nhìn vào bức tranh chung về những địa phương có nhiều người mắc HIV/AIDS thì xã Kim Thượng vẫn chưa phải là nơi đạt con số cao nhất.
Từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1990 là một phụ nữ sống tại TP HCM, tính đến thời điểm này, Việt Nam hiện có hơn 208.000 người nhiễm HIV còn sống, hơn 93.000 bệnh nhân AIDS và hơn 97.700 người đã tử vong.
Theo thống của Bộ Y tế, một xã ở huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, có số người nhiễm HIV được phát hiện cao nhất nước là 441 người, kế đến là TP HCM với nhiều xã thuộc các huyện: Bình Tân, Bình Chánh, Hoc Môn, Tân Phú, Củ Chi có số người nhiễm HIV được phát hiện từ 164 người đến 358 người/xã. Có 2 xã ở huyện Bình Tân và Bình Chánh có số ca nhiễm HIV trên 300 người.
Trước vụ việc phát hiện "ổ dịch" HIV tại xã Kim Thượng với 42 người nhiễm HIV/AIDS các chuyên gia y tế cho rằng do kiến thức về căn bệnh này tại nhiều vùng núi còn hạn chế nên đã xảy ra tình trạng người mắc không biết bệnh, không có biện pháp chữa bệnh và ngăn ngừa lây nhiễm ra cộng đồng.
Đoàn chuyên gia của Bộ Y tế đến thị sát tại "ổ dịch" xã Kim Thượng
Tuy nhiên, theo PGS-TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, hiện cả nước chỉ có 123.000 người (khoảng 60% số người nhiễm HIV) đang điều trị thuốc kháng virus ARV. Khoảng 40% không điều trị, nguyên nhân chủ yếu do lo sợ bị kỳ thị. Ông Long khẳng định việc điều trị bằng thuốc ARV cho người bị nhiễm HIV có ý nghĩa rất quan trọng. Khi người bệnh uống thuốc ARV hàng ngày theo chỉ định, đạt được và duy trì tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện sẽ không có nguy cơ làm lây truyền HIV cho người khác.
"Trước đây, bệnh nhân mắc HIV/AIDS được cho là "án tử" nhưng nay HIV là bệnh mãn tính, người bệnh có thể kiểm soát bằng thuốc. Khi bị nhiễm HIV, bệnh nhân tuân thủ điều trị đầy đủ, nghiêm túc, có thể hoàn toàn sống chung với HIV, sinh hoạt và quan hệ tình dục như bình thường. Đặc biệt, họ có thể sinh con không bị nhiễm bệnh. Để kiểm soát tải lượng virus, khi điều trị bằng ARV, người bệnh cần xét nghiệm 6 tháng/lần ở năm đầu tiên. Từ năm thứ 2, cần xét nghiệm một năm/lần"- PGS Long nhấn mạnh.
Theo Cục Y tế dự phòng, ngay cả người mẹ mang thai có HIV nếu bà mẹ được chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả thì tỉ lệ lây truyền từ mẹ sang con chỉ dưới 3%, thậm chí là 0%. Tại Việt Nam, trường hợp mắc HIV đầu tiên cách đây 28 năm hiện vẫn sống khỏe mạnh và vẫn đang công tác ổn định nhờ được tiếp cận với y tế sớm và được sử dụng thuốc theo đúng phác đồ điều trị.
Phú Thọ có số người nhiễm HIV/AIDS xếp thứ 21/63 tỉnh, thành với hơn 4.300 người nhiễm và hơn 1.500 ca tử vong.