Giáp Tết, nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm

Những ngày giáp tết, tại Tỉnh Tây Ninh đã xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm, nguy cơ bùng phát dịch rất lớn khi gia cầm lậu tràn vào nước ta.

Đã xuất hiện ổ dịch

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch cúm gia cầm (chiều 5/2), ông Phan Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN & PTNT) cho hay, Việt Nam đã xuất hiện ổ cúm gia cầm. Cụ thể, cuối tháng 1/2013, đã phát hiện hai hộ chăn nuôi có dịch cúm gia cầm tại tỉnh Tây Ninh. Số gia cầm mắc bệnh và chết là hơn 1.200 con và tổng số phải tiêu hủy là hơn 2.200 con.

Ông Phan Văn Đông cũng cung cấp thêm thông tin ở Campuchia đã xuất hiện 5 trường hợp cúm A(H5N1), trong đó đã có 4 ca tử vong. Kết quả điều tra dịch tễ cho thấy, tất cả các bệnh nhân đều có tiền sử tiếp xúc với gia cầm. Tỉnh Takeo (Campuchia), nơi có bệnh nhân tử vong chỉ cách biên giới Việt Nam khoảng 30 km. Bộ NN & PTNT cũng nhận định, nguy cơ dịch cúm gia cầm ở Campuchia lây lan sang đàn gia cầm và người Việt Nam rất cao.

Một trong những nguyên nhân của dịch cúm gia cầm được các thành viên Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch cúm gia cầm mổ xẻ chiều 5/2 là vấn đề vận chuyển gà lậu. Theo Cục Thú Y, việc vận chuyển gia cầm trái phép trong nước và qua biên giới chưa được kiểm soát triệt để có thể là một kênh đưa vi rút vào trong nước.

Ông Nguyễn Đức Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cũng cho rằng, những tháng giáp tết thường tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Công tác phòng chống gà lậu được làm mạnh những tháng trước, nhưng hiện nay không còn được chặt chẽ. “Tôi được nghe báo cáo, gà lậu ở chợ Hà Vỹ (Thường Tín) hiện nay đi từ đường Lạng Sơn về. Gà không trực tiếp đưa vào chợ ngay mà đưa vào trong thôn, xóm, sau đó đưa ra chợ bằng xe máy. Điều này rất khó cho việc kiểm soát”.

Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch cúm gia cầm còn chỉ ra các nguyên nhân khác như vi rút gây bệnh đã có những biến đổi nhất định và chưa có vắc xin phù hợp để tiêm phòng. Ngoài ra, ý thức người chăn nuôi chưa cao, vẫn còn hiện tượng không khai báo ổ dịch, vứt xác gia cầm bừa bãi...

Giáp Tết, nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm - 1

Cúm gia cầm đã xuất hiện ở Tây Ninh

Không nên ăn tiết canh

Món tiết canh gia cầm, trong đó có món tiết canh vịt là món khoái khẩu của nhiều người Việt. Tuy nhiên, Cục trưởng Phan Văn Đông đưa ra khuyến cáo người dân không ăn tiết canh gia cầm và trứng chưa nấu chín. Bởi thời điểm hiện nay, nguy cơ lây bệnh là rất lớn. Bên cạnh đó, nếu ăn đúng vào gia cầm lậu, không có nguồn gốc càng nguy hiểm.

Theo Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch cúm gia cầm, các bộ ngành chức năng như: công an, quản lý thị trường, biên phòng, hải quan sẽ phối hợp với ngành thú y phòng chống dịch. Đặc biệt kiểm soát triệt để việc vận chuyển lậu gia cầm giống, gà trứng loại thải vào trong nước.

Viện trưởng Viện chăn nuôi quốc gia Nguyễn Thanh Sơn cũng đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra thực trạng vận chuyển gà lậu vào chợ Hà Vỹ. Theo ông Sơn, cần phải ngăn chặn việc vận chuyển gà lậu để tránh làm lây lan dịch gia cầm đang có nguy cơ bùng phát.

Chiều ngày 5/2, Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Cao Đức Phát đã có công điện khẩn gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành và các Bộ, ngành thành viên ban chỉ đạo quốc gia phòng chống cúm gia cầm. Bộ trưởng đề nghị khống chế khẩn cấp các ổ dịch, không để lây lan từ các ổ dịch mới và từ Camphuchia vào Việt Nam. Bộ trưởng đề nghị tăng cường kiểm dịch tại gốc, kiên quyết xử lý cán bộ thú ý không thực hiện kiểm dịch nhưng vẫn cấp giấy chứng nhận.

Bộ Y tế đã có công điện đề nghị các tỉnh, thành phố tăng cường các hoạt động kiểm dịch y tế quốc tế, sớm phát hiện các trường hợp có biểu hiện sốt cao và viêm đường hô hấp cấp, cách ly, điều trị để giảm thiểu lây nhiễm cúm A (H5N1) vào nước ta; thông báo kịp thời cho trung tâm y tế dự phòng để điều tra, xử lý khi có ổ dịch. Các cơ sở y tế có kế hoạch trực dịch 24/24 giờ, các đội cơ động phòng chống dịch, đội cấp cứu cơ động của các bệnh viện sẵn sàng thu dung khi có bệnh nhân nhiễm cúm gia cầm.

Ngày 29/1, Tổ chức Lương Nông của Liên hợp quốc (FAO) cảnh báo thế giới vẫn đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm A/H5N1. FAO cảnh báo nhiều "ổ" virus A/H5N1 vẫn tồn tại ở châu Á và Trung Đông. Nếu không được kiểm soát chặt chẽ, chủng virus này có thể dễ dàng lây lan trên toàn cầu như đã từng xảy ra hồi năm 2006, thời điểm có tới 63 nước chịu ảnh hưởng.

FAO cho rằng, suy thoái kinh tế thế giới đồng nghĩa sẽ có ít tiền hơn dành cho việc phòng ngừa virus A/H5N1, chủng virus từng cướp đi 300 sinh mạng trong thời gian từ năm 2003-2011 và buộc thế giới phải tiêu hủy 400 triệu con gà, vịt, gây thiệt hại khoảng 20 tỷ USD.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN