Giáo sư Trần Văn Khê qua đời

Giáo sư, tiến sĩ âm nhạc dân tộc cổ truyền Trần Văn Khê đã qua đời vào khoảng 2h sáng nay, 24.6, tại phòng hồi sức đặc biệt ở Bệnh viên Nhân dân Gia Định, TP HCM sau gần một tháng chữa trị.  

Giáo sư Trần Văn Khê qua đời - 1
Giáo sư Trần Văn Khê đã giã từ cõi trần

Giáo sư Trần Văn Khê trở bệnh nặng vào ngày 27.5 và được đưa vào bệnh viện Nhân Dân Gia Định, TP HCM vì suy tim, viêm phổi nặng, thận hư. Ông bị suy hô hấp khiến không thể tự thở và tim bị rối loạn nhịp chậm. Trước tình huống nguy kịch, ông được các bác sĩ đặt nội khí quản cho thở máy và tiến hành đặt máy tạo nhịp tim.

Theo PGS.TS Hoàng Quốc Hòa, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định: GS-TS Trần Văn Khê tuổi cao lại mang trong người nhiều chứng bệnh nội khoa phối hợp về tim, phổi, thận trong đó nặng nhất là viêm phổi.

“Trước đây, thầy Khê đã nhiều lần ra vào bệnh viện để điều trị nhưng đây là lần nặng nhất. Và lần này thầy đã không qua khỏi”, ông Hoà nói.

Ngoài việc tuổi cao sức yếu, giáo sư Trần Văn Khê vốn đã mắc nhiều căn bệnh mãn tính như: tim, phổi, tiểu đường… từ khá lâu và phải di chuyển bằng xe lăn. Trước khi sức khoẻ của giáo sư có phần hồi phục, ông đều nhận lời giảng dạy, chia sẻ về tinh hoa của nền âm nhạc truyền thống đến với các du học sinh, nhà nghiên cứu cũng như tham gia các sự kiện âm nhạc văn hoá trong nước.  Trong vài năm trở lại đây, giáo sư Trần Văn Khê chỉ có thể dành sức cho việc nghiên cứu, sắp xếp, hệ thống hoá tư liệu suốt 50 năm học tập và làm việc ở nước ngoài của mình để lại cho thế hệ sau.

Theo đúng ý nguyện của giáo sư được lập ra trên giường bệnh vào ngày 5.6, thi hài ông được quàn, tang lễ tại tư gia theo nghi thức Phật giáo ở số 32 đường Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh, TP. HCM.

Con trai trưởng của giáo sư Trần Văn Khê – giáo sư Trần Quang Hải vì có việc phải quay về Pháp cách đây vài ngày nên đã không kịp có mặt để ở bên cạnh giáo sư Trần Văn Khê vào những giây phút cuối đời cũng như làm chủ tang lễ lo hậu sự cho cha.

Tiểu ban tang lễ được lập ra gồm những người thân thiết với Giáo sư: Nhà văn - nhà báo Nguyễn Đắc Xuân, ông Trần Bá Thùy (chồng của nữ thi sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương)... Và các thành viên trong gia đình, môn sinh và bạn bè cùng chung lo hậu sự cho giáo sư.

Tại tang lễ, sẽ có một ban nhạc đờn ca tài tử gồm những người bạn thân và môn sinh của ông hòa tấu một buổi đặc biệt. Về khoản tiền phúng điếu cho tang lễ, giáo sư bày tỏ mong muốn ban tang lễ dùng số tiền này lập một quỹ học bổng hoặc giải thưởng mang tên ông để hàng năm trao cho người được giải về nghiên cứu âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Giáo sư Trần Văn Khê sinh ngày 24.7.1921 tại Tiền Giang trong một gia đình có bốn đời làm nhạc sĩ nên ngay từ nhỏ đã làm quen với nhạc cổ tryền. Năm lên 6 tuổi, ông đã được cô và cậu dạy đàm kìm, đàn cò, đàn tranh. Ông mồ côi mẹ và cha từ khi lên 9 tuổi nên ông và hai em, “quái kiệt” Trần Văn Trạch và Trần Ngọc Sương được người cô nuôi nấng, chăm sóc.

Năm 1941, Trần Văn Khê thi đậu thủ khoa tú tài. Năm 1942, ông ra Hà Nội học y khoa và sang pháp du học vào năm 1949. Năm 1951, ông thi đậu vào trường Chính trị khoa giao dịch quốc tế.  Năm 1958, ông là người Việt đầu tiên đậu tiến sĩ Văn khoa của đại học Sorbonne với đề tài luận án “La Musique vietnamienne traditionnelle” (Âm nhạc truyền thống Việt Nam).”

Năm 1963, ông dạy trong Trung tâm nghiên cứu nhạc Đông phương, dưới sự bảo trợ của Viện nhạc học Paris. Ông là thành viên của Viện khoa học Pháp, viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm Châu Âu về khoa học, văn chương và nghệ thuật cũng như nhiều hội nghiên cứu âm nhạc quốc tế khác. Giáo sư Trần Văn Khê cũng đã nhận rất nhiều giải thưởng lớn, danh giá trong nước và quốc tế.

Sau hơn 50 năm ở nước ngoài, ông về sống tại 32 Huỳnh Đình Hai (Bình Thạnh, TP.HCM), nơi này cũng là nơi lưu giữ sách và các loại nhạc cụ dân tộc của Giáo sư khi ông đi xa.

Giáo sư Trần Văn Khê đã từng chia sẻ, ông tiếc nuối nhất là không được góp sức của mình để xây dựng, hoàn thiện Hồ sơ Quốc gia Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại trước đây.

 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bồng Sơn - Quốc Hải ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN