Giáo sư người Đức "gỡ rối" giao thông Hà Nội
Khi người dân thành phố đã bắt đầu làm quen với việc được đối xử tôn trọng khi ra đường, tôi sẽ quan tâm đến vận tải công cộng" - Giáo sư Manfred Breithaupt làm việc cho Tổ chức Hợp tác quốc tế CHLB Đức (GIZ) nói.
Giáo sư Manfred Breithaupt làm việc cho Tổ chức Hợp tác quốc tế CHLB Đức (GIZ), người có nhiều năm gắn bó với Hà Nội, đã giả dụ nếu ông là Chủ tịch thành phố, ông chỉ cần 2 năm để tạo ra bước chuyển biến trong cung cách đi lại của người dân. PV Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Manfred Breithaupt về câu chuyện thú vị này.
Giáo sư Manfred Breithaupt
Theo Giáo sư, điều gì cần làm để giải quyết những vấn đề cấp bách của giao thông tại các đô thị như Hà Nội hiện nay?
Giả dụ tôi là Chủ tịch TP Hà Nội, việc đầu tiên của tôi là dành không gian cho con người, chứ không phải phương tiện. Để mọi người bắt đầu có sự tin cậy ở tôi, tôi sẽ cho bỏ hết đống xe cộ trên vỉa hè hiện nay trả lại toàn bộ vỉa hè cho người đi bộ. Ô tô đang đậu trên lòng đường cũng không là ngoại lệ. Điều đó thể hiện sự tôn trọng của Chủ tịch với người dân thành phố.
Sau khi làm thế được nửa năm, tôi sẽ quan tâm đến đường ngang cho người đi bộ qua đường. Khi người dân thành phố đã bắt đầu làm quen với việc được đối xử tôn trọng khi ra đường, tôi sẽ quan tâm đến vận tải công cộng. Điều đầu tiên cần làm rõ đâu là những tuyến hành lang có nhu cầu đi lại cao nhất. Tôi sẽ cho phân tách làn đường riêng cho xe buýt trên các tuyến có lưu lượng trên 3.000 phương tiện/chiều mỗi ngày. Phương tiện sẽ không được đi vào Quảng trường Nhà hát Lớn nữa, để dành không gian cho người đi bộ. Mất khoảng 2 năm cho những cải thiện đầu tiên này.
Người dân Hà Nội đã quen với việc đi lại bằng xe máy, một tỉ lệ không nhỏ đang chuyển sang xe hơi, nay muốn thu hút họ dùng phương tiện giao thông công cộng và cả xe đạp nữa, chúng ta phải làm gì, thưa ông?
Xe máy có rất nhiều ưu điểm, song cũng gây ra quá nhiều tác hại đối với người dân VN. Cần có chiến lược rõ ràng để giảm sự phụ thuộc vào loại phương tiện cá nhân này. Tất nhiên việc đầu tiên là phải cung cấp cho người dân các lựa chọn khác như: Xe buýt, tàu điện, xe đạp... với nhiều tiện ích. Đi kèm với đó là những quy định nghiêm ngặt, nếu không sẽ không thể nào chuyển biến được.
Cần phải làm cho việc sử dụng xe máy và cả xe hơi trở nên khó khăn hơn. Nâng mức chi phí đi lại bằng xe máy và ô tô lên 200% hoặc bao nhiêu đó tùy theo nghiên cứu để người dân bắt đầu thấy rằng khó chấp nhận được. Cũng cần thiết lập những tuyến phố cấm hoặc hạn chế xe máy, xe hơi cá nhân vào những giờ nhất định trong ngày, những ngày nhất định trong tuần hoặc trong tháng. Hạn chế diện tích đường cho xe cá nhân. Hạn chế cấp phép cho bãi đỗ xe cá nhân tại các khu vực trung tâm.
Giao thông Hà Nội lộn xộn do quá nhiều xe máy
Bất cập ở Hà Nội hiện nay là dân số đông, quỹ đất dành cho giao thông hạn hẹp, đâu là chìa khóa cho vấn đề này?
Có 2 giải pháp cần được song song tiến hành: Giảm nhu cầu đi lại và tăng năng lực phục vụ của vận tải công cộng, dựa trên nguyên tắc là người dân chỉ muốn được tiện lợi, chi phí hợp lý.
Việc quản lý quy hoạch không gian đô thị được tiến hành tại các thành phố lớn trên thế giới. Người dân được đáp ứng tương đối đầy đủ các tiện nghi cho cuộc sống ngay trong nội khu phố của mình: Trường học, bệnh viện, siêu thị, khu vui chơi giải trí. Nhu cầu ra khỏi khu phố chỉ còn rất ít và sự lựa chọn là đi bộ, xe đạp hoặc xe buýt có tính kết nối cao.
Việc gây ra các khó khăn cho phương tiện cá nhân như thuế phương tiện, phí giao thông, phí đỗ xe cao, không có chỗ gửi xe hoặc bị hạn chế giờ, hạn chế đi vào khu vực trung tâm... cũng làm giảm lưu lượng đi lại.
Với thành phố lớn, có mật độ dân cư cao như Hà Nội, dự án xe buýt nhanh đã để quá lâu trên giấy, cần có giải pháp để xe buýt nhanh sớm hoạt động. Bố trí làn đường riêng và các biện pháp tăng khả năng tiếp cận của hành khách với loại hình này không hề khó. Bên cạnh đó, cần cải thiện cơ sở hạ tầng cho xe đạp, người đi bộ, xây dựng nhà ga với các khu vực trông giữ xe đạp, là một nội dung cần được quan tâm để tăng tính thu hút của vận tải công cộng.
Còn việc Hà Nội có nên đầu tư làm tàu điện ngầm hay không, cần phải được nghiên cứu, tính toán xem có bao nhiêu dân cư có nhu cầu đi lại bằng loại hình này.
Cảm ơn Giáo sư!