Giáo hoàng ra đi và cơn khủng hoảng ở Vatican

Sự kiện Giáo hoàng Benedict XVI sẽ rời cương vị vào ngày 28/2 tới đã tạo nên tác động lớn đối với thế giới.

Việc từ nhiệm của ông để lại một giáo hội Công giáo La Mã đang vật lộn với những khủng hoảng từ các vụ bê bối xâm hại trẻ em liên quan tới nhiều linh mục, cho tới việc đối phó với đạo Hồi cực đoan và tìm kiếm chỗ đứng ở một thế giới phương Tây ngày càng trở nên trần tục.

Hồng y người Đức Joseph Ratzinger được bầu làm giáo hoàng ngày 19/4/2005 khi sự giận dữ với những vụ xâm hại trẻ em liên quan tới các linh mục đang ở đỉnh điểm ở châu Âu và Bắc Mỹ, làm lay chuyển lòng tin của nhiều người Công giáo bình thường.

Năm 2008, ông trở thành giáo hoàng đầu tiên bày tỏ “sự hổ thẹn” vì những vụ xâm hại và đã gặp các nạn nhân. Nhưng ông bị chỉ trích vì không thừa nhận quy mô của vụ việc trong suốt 24 năm trước đó làm người đứng đầu Giáo đoàn tín nghĩa đức tin, cơ quan lý luận nòng cốt của tòa thánh.

Được coi là một người có đầu óc bảo thủ, vị giáo hoàng người Đức đầu tiên trong lịch sử đã cho thấy thực ra ông linh động và hiện đại hơn so với người tiền nhiệm người Ba Lan. Ông là giáo hoàng đầu tiên nói về khả năng sử dụng bao cao su, dù chỉ trong những trường hợp cụ thể như với một người bị nhiễm AIDS.

Giáo hoàng ra đi và cơn khủng hoảng ở Vatican - 1

Vị giáo hoàng người Đức đầu tiên trong lịch sử đã cho thấy thực ra ông linh động và hiện đại hơn so với người tiền nhiệm

Trong một cuốn sách với các bài phỏng vấn xuất bản năm 2010 với tựa đề Light of the World (Ánh sáng của thế giới), ông nói đây có thể là bước đầu tiên tiến tới một “mối quan hệ giới tính nhân bản hơn”.

Ông cũng tránh đưa ra những rao giảng về đạo đức và nói nhiều hơn, thường là theo cách rất cá nhân, về vấn đề đức tin. Benedict tập trung nhiệm kỳ giáo hoàng của mình vào việc tái lập bản sắc của giáo hội Công giáo La Mã, tăng cường sự cố kết cho thông điệp của giáo hội và thúc đẩy một cuộc đối thoại tôn trọng với các đức tin khác và với những người vô thần.

Ông tự coi mình là nguồn gốc của sự ổn định giữa những bất ổn sau thời kỳ Hội đồng Vatican thứ hai vào những năm 1960 và nhiệm kỳ giáo hoàng của John Paul II, một người hay đau ốm và có quan điểm hết sức bảo thủ.

“Người canh giữ của Chúa”

Được đặt biệt danh “Người canh giữ của Chúa” tại Đức vì sự cứng rắn của ông khi còn làm việc tại Giáo đoàn tín nghĩa đức tin, Benedict đã có nhiều ảnh hưởng với giáo hội trước khi trở thành giáo hoàng.

Giáo hoàng ra đi và cơn khủng hoảng ở Vatican - 2

Giáo hoàng Benedict trong chuyến thăm Mexico hồi năm ngoái (Nguồn: AFP)

Trong vụ bê bối “Vatileaks” khi hàng trăm bản ghi nhớ mật của giáo hoàng bị tiết lộ cho báo chí từ người trợ lý trung thành của ông Paolo Gabriele cho thấy những căng thẳng nghiêm trọng ở Vatican, đặc biệt là giữa những người bảo thủ và cấp tiến, những người ủng hộ sự minh bạch và những người muốn giữ bí mật cho tòa thánh.

Những người đã được gặp ông đều nói Benedict là một người thân thiện và chu đáo. Ông cũng chấp nhận giao tiếp thông qua các phương tiện truyền thông mới và là Giáo hoàng đầu tiên mở tài khoản Twitter. Ông nói ông tin rằng giáo hội sẽ bị bỏ lại phía sau nếu không bắt kịp thời đại. Cùng lúc, ông cũng nói Thiên Chúa giáo chỉ tiếp tục khả tín trong thế giới hiện đại nếu giữ được những yêu cầu của mình.

Giáo hoàng cũng đã tăng cường đối thoại với Chính thống giáo và những người Tin lành. Với Hồi giáo, ông đã nhiều lần kêu gọi sự cùng tồn tại hòa bình giữa hai tôn giáo độc thần vào loại lớn nhất thế giới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Trọng (Vietnam+)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN