Giáo dục TQ trước nguy cơ sụp đổ vì gian lận

Quan niệm "gian lận mới là công bằng" trong hệ thống thi cử ở Trung Quốc đang đẩy nền giáo dục nước này đến chỗ vô phương cứu chữa.

Từ một địa phương nổi tiếng với thành tích thi cử nổi bật, đặc biệt là trong kỳ thi quốc gia vào đại học hay còn gọi là gaokao ở Trung Quốc, thành phố Chung Tường tỉnh Hà Bắc gần đây lại được dư luận biết đến với cái tên không lấy gì làm đẹp đẽ: “thành phố gian lận”.

Với việc có đến 99 bài thi bị đánh dấu trong một môn thi hồi năm ngoái, năm nay các bậc phụ huynh ở Chung Tường đã quyết định gánh vác lấy tương lai của con em mình bằng cách bao vây các giám thị tại trường Trung học số 3.

Giáo dục TQ trước nguy cơ sụp đổ vì gian lận - 1

Đám đông phụ huynh nổi loạn bao vây trường học vì con không được gian lận

Đám đông phụ huynh giận dữ ném đồ đạch, gạch đá vào giám thị bởi vì họ đã làm quá tốt nhiệm vụ ngăn chặn học sinh gian lận trong thi cử. Phụ huynh muốn công bằng, và họ tuyên bố rằng sẽ không có công bằng nếu con em họ không được gian lận.

Tuy điều này nghe có vẻ khôi hài, nhưng không phải vô cớ mà các bậc phụ huynh này tức giận đến mức nổi loạn như vậy.

Theo thông tin gần đây của tờ Tin tức Buổi tối thành phố Côn Minh, gian lận trong thi cử đã trở thành một “đường dây công nghiệp” ở thành phố Chung Tường với sự tham gia của mọi thành phần, từ giáo viên biến chất cho tới phụ huynh và cả học sinh. Nhiều giáo viên còn trực tiếp giúp đỡ học trò trở thành người đại diện hoặc lập ra các công ty có liên quan đến đường dây gian lận thi cử này.

Trung Quốc hiện là thị trường điện thoại di động lớn nhất thế giới, và từ năm 2011, nhà chức trách Trung Quốc đã phải bắt đầu áp dụng các biện pháp chống gian lận bằng điện thoại di động và các thiết bị vô tuyến khác trong thi cử.

Giáo dục TQ trước nguy cơ sụp đổ vì gian lận - 2

Giám thị sử dụng máy dò kim loại kiểm tra thí sinh

Trong bối cảnh đó, lập luận “không gian lận là không công bằng” nghe có vẻ hợp lý. Nhưng xét cho cùng, chính lập luận đó lại không thể đứng vững được bởi chính kiểu quan niệm sai lầm này càng dẫn đến tình trạng bất công ngày càng lớn hơn.

Sau khi công bố kết quả thi đại học năm nay ở Trung Quốc, một nữ sinh 20 tuổi ở tỉnh Tứ Xuyên và một nam sinh 19 tuổi ở Liêu Ninh đã tự kết liễu đời mình vì kết quả thi không được như mong muốn.

Trong thực tế, các em đã có thể có cơ hội được đặt chân vào ngôi trường đại học mơ ước nếu được hưởng một môi trường thi cử công bằng hơn, nhưng giờ đây gia đình các em biết đòi hỏi công bằng nơi ai?

Giáo dục TQ trước nguy cơ sụp đổ vì gian lận - 3

Một học sinh Trung Quốc ôn thi đại học bên núi sách vở

Kỳ thi gaokao được coi là một bước ngoặt cuộc đời quyết định tương lai của các học sinh trẻ tuổi ở Trung Quốc, tuy nhiên người ta không thể đòi hỏi tính công bằng tuyệt đối ở một kỳ thi quá quan trọng như thế này, mặc dù các trường đại học đã cố gắng đặt ra điểm chuẩn khác nhau đối với thí sinh ở từng vùng miền khác nhau để bù đắp chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa thành phố và nông thôn.

Trong một thời kỳ ở một đất nước mà hoàn cảnh xuất thân đặt người ta vào những xuất phát điểm khác nhau trên nấc thang cuộc đời, nhiều người tin rằng kỳ thi gaokao là một trong những phương cách ít ỏi còn lại để trao cho thanh niên Trung Quốc cơ hội vượt lên hoàn cảnh gia đình.

Nếu kỳ thi vào đại học vô cùng quan trọng này không vì lợi ích của những người bình thường thì hậu quả tác động của nó lên xã hội sẽ vô cùng kinh khủng. Những tài năng nổi trội sẽ bị thay thế bởi những kẻ lọc lừa, và giá trị của tuổi trẻ sẽ bị bóp méo, và hệ quả là sẽ làm nảy sinh một thế hệ hưởng lợi từ hành vi gian lận thay vì phải tự mình nỗ lực phấn đấu.

Giáo dục TQ trước nguy cơ sụp đổ vì gian lận - 4

Các thí sinh tham dự kỳ thi gaokao

Trong bối cảnh ngay cả sự phát triển của Trung Quốc vẫn còn chưa ổn định thì những thách thức ảnh hưởng đến tính công bằng trong toàn bộ hệ thống giáo dục nói chung và kỳ thi tuyển sinh vào đại học nói riêng không thể được giải quyết trong ngày một ngày hai.

Đó chính là lý do tại sao Trung Quốc hiện nay hơn bao giờ hết phải bảo vệ sự thiêng liêng của quy trình thi cử khỏi những quan niệm về công bằng đầy méo mó như của các phụ huynh học sinh ở Chung Tường. Nếu không, hệ thống giáo dục của Trung Quốc rốt cuộc sẽ đi đến chỗ vô phương cứu chữa và sẽ đẩy cả xã hội Trung Quốc vào vòng xoáy luẩn quẩn của sự suy đồi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo Thành (Theo GlobalTimes) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN