Giành giật những đứa trẻ từ xóm tệ nạn

Sự kiện: Thời sự

Những đứa trẻ thuộc gia đình có HIV và trẻ không có cơ hội được đi học được học lớp tình thương rồi hòa nhập vào trường công lập.

Trong lớp học tình thương ở gần cầu Tân Thuận (phường Tân Thuận Tây, quận 7, TP.HCM), những đứa trẻ ngồi vây quanh một cô gái ngoại quốc cao ráo, xinh xắn để học tiếng Anh. Cô là người Pháp, là một trong sáu tình nguyện viên người nước ngoài dạy tiếng Anh của dự án “Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS ở phường Tân Thuận Tây, quận 7” được triển khai ở đây. Mọi người, kể cả người sáng lập dự án vẫn gọi dự án bằng cái tên đơn giản: “Dự án cầu Hàn”.

Cô bé TNH, học sinh lớp 5 của lớp cầu Hàn có gương mặt rất xinh đẹp, bày tỏ: “Cả nhà con ở trọ bên quận 4. Ba con mất, mẹ con làm tạp vụ. Nhà có ba anh em, tới tuổi đi học không ai được đi học. Sau đó có người giới thiệu con vô đây tụi con mới được đi học”.

Giành giật những đứa trẻ từ xóm tệ nạn - 1

Các em nhỏ hào hứng học tiếng Anh với các tình nguyện viên người nước ngoài. Ảnh: HỒNG MINH

Những học sinh đặc biệt

Thầy giáo chủ nhiệm lớp của TNH rất tự hào bởi em học giỏi và rất có hy vọng sẽ học lên nữa.

Năm học vừa qua có những em học sinh rất đặc biệt ở đây đã trúng tuyển vào lớp 6 trường công và hòa nhập bằng nghị lực phi thường. Một trong số đó là em D. (12 tuổi).

D. có hai người em nữa. Ngày mẹ mất và gửi các con về ngoại ở quận 4, D. biết mình và một em gái đã nhiễm HIV. Cha em bỏ nhà đi ngay sau đó. Mấy chị em tụm về nhà ngoại, một căn nhà ngột ngạt và đáng thương: Một cậu đã chết vì ma túy, một cậu ở trong tù vì buôn bán ma túy.

Các tình nguyện viên của dự án cầu Hàn phát hiện ra chị em D. nên đã đưa vào lớp học tình thương. Hằng ngày D. chở các em đi học trên chiếc xe đạp cũ.

Cô Huỳnh Kiêm Tiên, quản lý dự án, đến thăm gia đình D. mỗi tháng để nắm bắt tình hình. Cô chở bà của D. đi chợ mua thực phẩm từ nguồn kinh phí “Hỗ trợ dinh dưỡng cho người có HIV” của dự án.

Nhọc nhằn vươn lên từng bước

Một thầy giáo dạy tình nguyện ở đây cho biết phần lớn học sinh của lớp không có kiến thức nền, nhiều em không có chỗ dựa từ gia đình nên hễ lơi tay là mất học sinh luôn. Có những học sinh mà cả gia đình các em đều có dính dáng đến tệ nạn xã hội, trong đó nhiều người nhiễm HIV. Để giữ các em không rơi vào vòng xoáy tệ nạn, không sa vào game online, các thầy cô phải vừa làm thầy, vừa làm bạn theo bước các em mỗi ngày.

Các em học xong bậc tiểu học ở đây sẽ được dự thi tuyển vào các trường công lập khác để học tiếp.

Cô Huỳnh Kiêm Tiên, là một trong những người đầu tiên sáng lập dự án từ năm 1997, cho biết trước đây cô làm trong một mái ấm hỗ trợ trẻ em gái thiệt thòi. Cô suy nghĩ rằng nếu ngăn ngừa được từ sớm để các em không rơi vào tệ nạn xã hội, cho các em đi học thì các em sẽ có một tương lai. Do vậy cô tìm đến các xóm trọ phức tạp, đông dân nhập cư, nhiều tệ nạn xã hội để tiếp cận. Cô vào vai một người bán báo nhưng các “tú bà” nghi ngờ cô là người của chính quyền nên hết sức đề phòng. Sau đó, cô chuyển sang bán trái cây, có điều kiện để gặp nhiều khách hàng là các cô gái bán dâm. “Tám” với họ, cô biết được rằng ở khu vực cầu Hàn có khoảng 30 em nhỏ chuyên dắt mối kiếm tiền, không đi học.

Cô và các nhân viên xã hội đã rất vất vả giành các em nhỏ này từ xóm tệ nạn để đưa các em đến lớp học tình thương mở năm 2000, sau đó gửi các em đi học nghề. Cô Huỳnh Kiêm Tiên cho rằng khi có việc làm ổn định, các em sẽ bứt ra khỏi các tệ nạn.

Tuy nhiên, cuộc sống khắc nghiệt đã cuốn nhiều em quay lại con đường cũ. Con đường học nghề gian nan, lâu có tiền và khó kiếm tiền đã khiến nhiều thiếu niên ở ngưỡng cửa trưởng thành đã không đủ nghị lực đi tiếp. Cô Tiên chia sẻ: “Trong 30 em hồi đó, chỉ có sáu em trụ lại học nghề…”.

Nhưng rồi họ vẫn bền bỉ đi tiếp, giành giật từng số phận để thắp sáng tương lai cho nhiều em nhỏ...

• Dự án cầu Hàn hoạt động rất bền bỉ trong suốt nhiều năm qua, đã hỗ trợ cho nhiều gia đình có BHYT, hỗ trợ nhiều em nhỏ có học bổng, bữa ăn… Nơi này đã thực sự giúp được rất nhiều trẻ em của các gia đình nhập cư có nguy cơ cao. Hội Bảo trợ trẻ em không cấp kinh phí cho dự án nhưng nhìn thấy rõ hiệu quả của những người tâm huyết nơi đây nên hội đã và sẽ vận động nhiều nguồn tiếp cận để hỗ trợ dự án.

Bà MAI THỊ HOA, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em TP.HCM

• Dự án nhận được 30 triệu đồng mỗi năm để hỗ trợ 10 thanh niên học nghề. Với số tiền quá khiêm tốn đó, tôi và các tình nguyện viên vẫn tìm cách xoay xở để việc hỗ trợ học nghề đạt kết quả. Chúng tôi tìm kiếm các nguồn học bổng, giới thiệu đến các chương trình xã hội, liên hệ với các cơ sở dạy nghề đề nghị giúp đỡ các em.

Vẫn có những bạn cần tiền ngay nên đã chọn con đường khác. Nhưng đã có nhiều bạn trẻ đứng vững. Anh NVN, học viên của dự án, nay đã có việc làm và đang học liên thông đại học. Trước đây anh làm phụ hồ, giữ xe…

Chị TỐNG THỊ HƯƠNG, cán bộ dự án phụ trách giáo dục

__________________________________

Dự án cầu Hàn đã hỗ trợ được 300 em 6-18 tuổi. Trong đó có 79 em thuộc gia đình có người nhiễm HIV và/hoặc bản thân các em cũng nhiễm HIV. Hằng năm dự án hỗ trợ 20 thanh niên học nghề và giới thiệu việc làm cho 10 em.

Nguồn: Hội Bảo trợ trẻ em TP.HCM

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HỒNG MINH (Pháp luật TP.HCM)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN