Gian lận điểm Hà Giang: Nâng gần 30 điểm nhưng không vì tiền!

Dù có thí sinh được nâng tới gần 30 điểm, nhưng cả phụ huynh và các bị can đều một mực khẳng định không đưa-nhận tiền, không vì bất cứ lợi ích vật chất nào.

Theo dự kiến, giữa tháng 7-2019 tới, TAND tỉnh Hà Giang sẽ mở phiên sơ thẩm xét xử năm bị can trong vụ án gian lận điểm thi THPT quốc gia, từng gây chấn động dư luận cả nước.

Những người này gồm: Nguyễn Thanh Hoài (cựu trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) và Vũ Trọng Lương (cựu phó phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục) bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, quy định tại điểm a khoản 2 điều 356 BLHS.

Phạm Văn Khuông (cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) và Lê Thị Dung (cựu cán bộ Công an tỉnh Hà Giang) bị truy tố về tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi, quy định tại điểm b khoản 1 điều 366 BLHS.

Triệu Thị Chính (cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, quy định tại điểm b khoản 1 điều 358 BLHS.

Gian lận điểm Hà Giang: Nâng gần 30 điểm nhưng không vì tiền! - 1

Bốn bị can Phạm Văn Khuông, Triệu Thị Chính, Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương

Tháng 6 thi, tháng 5 đã bàn cách nâng điểm

Khoảng đầu tháng 5-2018 (cách kỳ thi gần hai tháng – PV), Nguyễn Thanh Hoài gọi Vũ Trọng Lương sang phòng làm việc riêng tại Sở GD&ĐT. Tại đây, Hoài nói với Lương cần nâng điểm cho một số trường hợp đặc biệt, Lương đồng ý và nói cần phải nghiên cứ thêm phần mềm quản lý thi của Bộ GD&ĐT.

Giữa tháng 5-2018, sau khi tổ chức quét, chấm thử trên phần mềm xử lý bài thi trắc nghiệm của Bộ GD&ĐT, Lương nói với Hoài Bộ GD&ĐT chỉ yêu cầu gửi file Excel thì có thể nâng điểm được.

Nghe cấp dưới nói vậy, Hoài đã ba lần chuyển danh sách cần nâng điểm môn trắc nghiệm cho Lương, với tổng số 93 thí sinh. Bản thân Lương cũng được bạn bè, đồng nghiệp và người thân nhờ nâng điểm, với tổng số 14 thí sinh.

Ngày 27-6, sau khi Bộ GD&ĐT công bố đáp án chính thức, Lương tải về rồi chuyển sang file sheet, lưu trong máy tính có chứa phần mềm chấm thi trắc nghiệm do cơ quan giao cho Lương quản lý và sử dụng.

Từ ngày 30-6 đến 2-7, Lương sửa dữ liệu đáp án bài thi của thí sinh bằng cách copy đáp án đúng đã tải về dán vào 309 bài thi các môn trên 249 ảnh gốc phiếu trả lời trắc nghiệm của 107 thí sinh để nâng điểm, trước khi sao lưu bài thi vào đĩa CD1 gửi cho Bộ GD&ĐT.

Ngày 6-7, tổ xử lý bài thi trắc nghiệm tiến hành bàn giao bài thi của thí sinh cho Ban thư ký Hội đồng thi để quản lý, tiến hành khóa cửa, niêm phong và giao chìa khóa cho Nguyễn Thanh Hoài.

Một ngày sau, trong quá trình gặp nhau, Lương nói với Hoài do số thí sin đã được nâng điểm rất cao, khi thông báo điểm sợ Bộ GD&ĐT kiểm tra nên cần phải sửa chữa bài thi của những thí sinh này cho phù hợp với kết quả trong đĩa CD1 đã gửi Bộ.

Hoài đồng ý và đưa cho Lương chìa khóa phòng chứa bài thi trắc nghiệm và một bì chứa chìa khóa hòm chứa bài thi để Lương vận chuyển bài thi về Sở GD&ĐT sửa chữa.

Trong khoảng thời gian từ 12 giờ đến 14 giờ 38 ngày 7-7, Lương đã tẩy sửa đáp án trên 247 bài thi của 106 thí sinh (một thí sinh chưa sửa).

Gian lận điểm Hà Giang: Nâng gần 30 điểm nhưng không vì tiền! - 2

Công an khám xét nhà các bị can trong vụ án gian lận điểm

Phụ huynh một mực phủ nhận đưa tiền

CQĐT khẳng định Vũ Trọng Lương đã tác động vào bài làm của 107 thí sinh với 309 bài thi được nâng điểm. Trong đó, môn Toán có 102 bài, môn Lý có 85 bài, môn Hóa có 56 bài, môn Sử có 7 bài, môn Địa có 1 bài, môn Tiếng Anh có 50 bài và môn Sinh có 8 bài.

Thí sinh được nâng điểm cao nhất là số báo danh 05000592 với bốn môn được nâng tổng số 29,95 điểm. Thí sinh được nâng ít nhất là số báo danh 05000398 được nâng một môn với 2,2 điểm. Điển hình, con trai của bị can Phạm Văn Khuông, cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT, được nâng 13,3 điểm.

CQĐT cũng cho biết đã tiến hành lấy lời khai của 94/107 thí sinh (lời khai phụ huynh học sinh, người liên quan) thì có 41 người khẳng định nhờ Hoài và Lương nâng điểm cho con cháu họ trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.

Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, dù đã áp dụng tất cả các biện pháp theo quy định pháp luật, cơ quan ANĐT Công an tỉnh Hà Giang vẫn không thể thu thập được chứng cứ để chứng minh có yếu tố vụ lợi trong vụ án.

Cơ quan công an cũng đấu tranh với gia đình các thí sinh nhưng không gia đình nào khai nhận có đưa tiền hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị để nhờ nâng điểm. Cùng với đó, cả hai bị can Hoài và Lương cũng không thừa nhận được hưởng lợi ích vật chất gì, mà chỉ giúp nâng điểm do mối quan hệ quen biết, bạn bè và người thân.

Đáng chú ý, trong số năm bị can, Triệu Thị Chính – cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT là người duy nhất không thừa nhạn hành vi phạm tội của mình. Do vậy, bà Chính không được áp dụng tình tiết thành khẩn khai báo.

Bản cáo trạng của VKSND tỉnh Hà Giang nhận định hành vi của các bị can không chỉ để lại hậu quả trước mắt mà  về lâu dài sẽ đào tạo ra một nguồn nhân lực chất lượng thấp và yếu kém, tác động đến đạo đức xã hội, không còn sự công bằng…

Vụ gian lận thi cử ở Hà Giang: Kỷ luật ”cảnh cáo” Phó chủ tịch tỉnh và Cựu Giám đốc Sở GD-ĐT

Tỉnh ủy Hà Giang vừa thông báo thi hành kỷ luật đảng viên bằng hình thức "Cảnh cáo" đối với ông Trần Đức Quý,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuyến Phan ([Tên nguồn])
Gian lận thi cử ở Hà Giang Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN