Giàn khoan TQ "tiếp tục khoan dầu trên Biển Đông"

Trung Quốc dịch chuyển giàn khoan 981 để bắt đầu thực hiện giai đoạn 2 của chiến dịch.

Ngày 27/5, Công ty Dịch vụ Mỏ dầu Trung Quốc (COSL) phụ trách hoạt động thăm dò dầu khí của Trung Quốc trên Biển Đông tuyên bố đã “hoàn thành giai đoạn đầu tiên của chiến dịch” và sẽ tiếp tục bước sang giai đoạn tiếp theo.

COSL chính là công ty phụ trách giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc đã ngang ngược kéo vào vùng biển Việt Nam bất chấp sự phản đối của Hà Nội và sự lên án của cộng đồng quốc tế.

Giàn khoan TQ "tiếp tục khoan dầu trên Biển Đông" - 1

Trung Quốc cho dịch chuyển giàn khoan để tiếp tục khoan dầu trên Biển Đông

Trong thông cáo báo chí đăng trên website của mình, COSL cho biết giàn khoan 981 đã được di chuyển “tới một địa điểm khác” để bắt đầu giai đoạn hai mà không đưa ra bất cứ thông tin cụ thể nào về những bước đi tiếp theo của Trung Quốc.

COSL bắt đầu cho giàn khoan 981 hoạt động trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ hôm 2/5, và trước đây công ty này từng tuyên bố sẽ cho giàn khoan hoạt động đến giữa tháng Tám năm nay.

Công ty COSL vận hành giàn khoan 981 theo hợp đồng ký kết với Tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC), và hoạt động thăm dò của công ty này tuy mang danh nghĩa là hoạt động kinh doanh nhưng lại được sự hộ tống, bảo vệ của hơn 100 tàu hải cảnh, hải quân Trung Quốc, gây ra tình hình căng thẳng cực kỳ nguy hiểm trên Biển Đông.

Hôm qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tố cáo tàu Trung Quốc đã tấn công và đâm chìm một tàu cá của ngư dân Việt Nam ở địa điểm cách giàn khoan 981 khoảng 17 hải lý.

Giàn khoan TQ "tiếp tục khoan dầu trên Biển Đông" - 2

Trung Quốc huy động cả tàu quân sự để hộ tống giàn khoan 981

Bất chấp sự lên án dữ dội của cộng đồng quốc tế, Chủ tịch CNOOC Wang Yilin vẫn ngang ngược tuyên bố rằng công ty này quyết hoàn thành việc khoan dầu ở Biển Đông.

Trong đại hội đồng cổ đông CNOOC diễn ra ở Hong Kong hôm 23/5, Wang tuyên bố rằng hoạt động khoan dầu trên Biển Đông chỉ đơn thuần là một quyết định mang tính kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, lập luận này của CNOOC đã bị bác bỏ bởi chính sự hiện diện của hàng loạt tàu hộ tống, tàu tên lửa của Trung Quốc đi theo bảo vệ, và nhiều chuyên gia quốc tế cũng nhận định rằng việc hạ đặt giàn khoan 981 của Trung Quốc trên Biển Đông là một phần trong mưu đồ độc chiếm vùng biển này của Bắc Kinh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo Bloomberg) ([Tên nguồn])
TQ đặt giàn khoan trái phép trên Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN