Giám đốc Thảo Cầm Viên Sài Gòn lên tiếng về khoản nợ 800 tỉ đồng
Trao đổi với Báo Người Lao Động, bà Vũ Thị Hương Giang, Giám đốc Thảo Cầm Viên Sài Gòn, lý giải chi tiết việc đơn vị nợ 800 tỉ đồng tiền thuê đất.
Thông tin Thảo Cầm Viên Sài Gòn 160 năm tuổi nợ 800 tỉ đồng khiến nhiều người quan tâm bởi đây không chỉ là một vườn thú mà còn là ký ức tuổi thơ, nét đẹp mang văn hóa, lịch sử lâu đời tại TP HCM.
Thảo Cầm Viên Sài Gòn là một trong những vườn thú lâu đời nhất Châu Á với hơn 160 năm tuổi - Ảnh: CHÍ NGUYÊN
Nợ cũ chồng nợ mới
Lý giải về số tiền nợ thuê đất khổng lồ trên, bà Vũ Thị Hương Giang, Giám đốc Thảo Cầm Viên Sài Gòn, cho biết tháng 12-2014 Thảo Cầm Viên được UBND TP HCM ra quyết định cho thuê đất với diện tích 158.117 m2 sử dụng vào mục đích công cộng, trả tiền thuê hằng năm trong vòng 50 năm.
Tuy nhiên, chi cục thuế quận 1 tính tiền thuê đất theo đơn giá hơn 1.000.000 đồng/m2 trên toàn bộ diện tích của Thảo Cầm Viên, nên trung bình mỗi năm tiền thuê đất của Thảo Cầm Viên hơn 163,3 tỉ đồng.
Đến thời điểm hiện tại, các hoạt động kinh doanh, dịch vụ cũng như công tác bảo tồn, nuôi dưỡng động vật và cây xanh, vườn thảo mộc vẫn được đảm bảo. |
Mặc dù ký quyết định cho thuê đất từ năm 2014, tuy nhiên Thảo Cầm Viên vẫn phải "gánh" theo các khoản nợ cũ cũng liên quan đến việc cho thuê đất từ năm 2012. Cùng với đó là sự thay đổi đơn giá cho thuê đất sau nhiều lần điều chỉnh, dẫn đến có sự khác nhau trong giá cho thuê đất trong các năm.
Đến thời điểm hiện tại, Thảo Cầm Viên đang nợ khoảng 846 tỉ đồng tiền cho thuê đất, trong đó số tiền quá hạn phải thực hiện cưỡng chế là 787 tỉ đồng.
Vướng mắc ở điểm Thảo Cầm Viên chỉ sử dụng 5.590 m2 (khoảng 3,5%) cho việc kinh doanh trên tổng diện tích đất. Phần diện tích còn lại chủ yếu chỉ làm cảnh quan công viên, chuồng trại, nơi bảo tồn, nuôi dưỡng các loài thú và các dịch vụ công cộng không vì lợi nhuận.
"Phần lớn dịch vụ kinh doanh trong Thảo Cầm Viên cũng chủ yếu xoay quanh những yêu cầu cần thiết của khách tham quan, phục vụ công cộng" - bà Giang chia sẻ.
Bà Giang thông tin từ năm 2015 vườn thú này thực hiện tự thu tự chi. Trong giai đoạn 2020 - 2024, doanh thu Thảo Cầm Viên đạt trung bình 104 tỉ/năm, sau khi khấu hao chi phí nuôi dưỡng, bảo tồn động vật, bảo vệ phát triển cây xanh, lợi nhuận chỉ đạt 4 tỉ/năm. Số tiền này chưa đủ để trích quỹ khen phúc lợi của đơn vị.
Cũng theo bà Giang, Thảo Cầm Viên xác định mục tiêu của đơn vị không phải là kinh doanh có lãi, mà là phục vụ nhu cầu của người dân tham quan, học tập, giải trí. Hiện nay vé vào cổng Thảo Cầm Viên còn rất thấp so với mặt bằng chung, vé vào cổng hiện nay là 60.000/người lớn, 40.000/trẻ em.
Đối với các điểm kinh doanh tại Thảo Cầm Viên, bà Giang cho biết chủ yếu chỉ là những điểm bán nước, đồ ăn, quầy bán vé, bán đồ lưu niệm,... tất cả đều là những hạng mục cần thiết cho nhu cầu tham quan, giải trí phục vụ cộng đồng.
"Với mục tiêu hoạt động và doanh thu như trên mà Thảo Cầm Viên phải đóng tiền thuê đất cho toàn bộ diện tích là thiệt thòi cho doanh nghiệp. Trong tình huống xấu nhất, Thảo Cầm Viên có thể bị cưỡng chế thuế, ngừng hoạt động trong khi đang chăm sóc bảo tồn hàng nghìn loài động vật, 4.000 cây con" - bà Giang tâm sự.
Thảo Cầm Viên là một trong những công trình văn hóa tiêu biểu của TP HCM - Ảnh: CHÍ NGUYÊN
Cưỡng chế thuế bằng cách trích tiền từ các ngân hàng
Trước đó, ngày 22-11 Chi cục thuế quận 1 đã có quyết định cưỡng chế thu hồi nợ thuế đối với Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Biện pháp thực hiện sẽ là trích tiền từ các tài khoản doanh nghiệp tại Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng.
Quyết định cưỡng chế thuế đã được gửi tới các ngân hàng liên quan và Thảo Cầm Viên Sài Gòn bao gồm Kho bạc Nhà nước TP HCM, Agribank (2 tài khoản), Vietcombank (7 tài khoản) và VietinBank (1 tài khoản). Tổng số tiền có trong ngân hàng của Thảo Cầm Viên theo báo cáo doanh thu 6 tháng đầu năm khoảng 63,4 tỉ đồng.
Trong đó, Chi cục thuế quận 1 thông báo cưỡng chế thu hồi 57 tỉ đồng. Trước tình hình bị cưỡng chế thuế trên, bà Giang cho biết đã gửi kiến nghị đến UBND TP HCM về việc xin được khoanh nợ, dừng thực hiện biện pháp trích từ tài khoản ngân hàng, Kho bạc Nhà nước.
Từ năm 2022, Thảo Cầm Viên đã nhiều lần gửi văn bản báo cáo những vướng mắc, khó khăn về việc nộp tiền đất, xin đề xuất, kiến nghị các phương án xác định diện tích đất nộp tiền thuê đất hằng năm.
Lần gần nhất là vào tháng 5-2024, đơn vị đã lập biên bản, đo đạc diện tích đất sử dụng để kinh doanh, dịch vụ với diện tích công cộng và gửi kèm tờ trình cho Sở TN-MT tham mưu cho UBND TP bổ sung quyết định cho thuê đất. Ngay sau đó, UBND TP HCM đã có văn bản chuyển Sở TN-MT hướng dẫn thủ tục điều chỉnh, tuy nhiên cho đến nay đơn vị vẫn đang chờ được hướng dẫn.
Thảo Cầm Viên được giao nhiệm vụ bảo tồn và chăm sóc đàn thú quý hiếm, cây xanh lâu đời gắn liền với lịch sử TP HCM, bảo đảm tăng trưởng bình quân mỗi năm là 8%.
Để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ trên, Thảo Cầm Viên đã đưa ra 3 giải pháp kinh doanh xin ý kiến của UBND TP gồm đấu giá cho thuê khai thác dọc các mặt tiền của Thảo Cầm Viên trên các đường Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tiếp đến là cho thuê mặt tiền xung quanh công viên và cuối cùng là liên kết các đơn vị dịch vụ bên ngoài, kinh doanh tại Thảo Cầm Viên.
Đây cũng là điểm tham quan, học tập, giải trí nổi tiếng tại TP HCM
Lãnh đạo TP HCM chỉ đạo giải quyết ngay Ngày 29-11, Phó chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường có chỉ đạo Cục trưởng cục thuế TP HCM chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết kiến nghị của Thảo Cầm Viên về việc được khoanh nợ, dừng thực hiện cưỡng chế. Giám đốc Sở TN-MT có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan triển khai thực hiện kết luận, chỉ đạo liên quan đến kiến nghị xin được điều chỉnh, bổ sung, giải quyết cho thuê đất. Các công việc khẩn trương báo cáo, tham mưu, đề xuất, trình UBND TP HCM trước ngày 10-12. |
Với tiền thuê đất mỗi năm hơn 163 tỷ đồng, đến nay, đơn vị quản lý Thảo Cầm Viên Sài Gòn đang nợ thuế hơn 800 tỷ. Trước việc bị cưỡng chế thuế, Thảo...
Nguồn: [Link nguồn]