Giám đốc Sở Y tế: Người dân sẽ mua thuốc điều trị COVID-19 tại nhà thuốc
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ tham mưu Chính phủ cho phép bán thuốc kháng virus khi được sản xuất đại trà.
Sáng 8-12, kỳ họp thứ 4, HĐND TP.HCM khóa X đã tiến hành phiên chất vấn Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng về công tác phòng chống dịch COVID-19.
Tại đây, các vấn đề về thuốc điều trị COVID-19, y tế cơ sở,… đã làm nóng hội trường.
Thuốc kháng virus sẽ được bán trong nhà thuốc
Đại biểu (ĐB) Phạm Quốc Toàn đề cập đến thuốc điều trị COVID-19. Ông hỏi: “Khi nào có thuốc điều trị được bán rộng rãi ở các quầy thuốc, tạo sự chủ động cho người dân?”.
Đại biểu Phạm Quốc Toàn đề cập đến thuốc điều trị COVID-19. Ảnh: HOÀNG GIANG
Trả lời đại biểu, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho biết thời điểm mới có dịch, F0 tại nhà rất nhiều, ngành y tế bối rối vì không có thuốc đặc trị; trong khi đó bệnh viện (BV) dã chiến hết chỗ, số ca F0 tại nhà nhiều vì chưa được tiêm vaccine.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, vaccine đã được tiêm gần hết, thuốc kháng virus molnupiravir đã chứng minh hiệu quả. Hiện nay thị trường còn có một loại thuốc nữa chứng minh tốt.
Theo ông Thượng, hai công ty nắm bản quyền sản xuất hai loại thuốc này đã đồng ý nhường bản quyền cho Việt Nam. Những ngày tới, Bộ Y tế sẽ cấp phép sản xuất thuốc trong nước. “Hy vọng thời gian không xa, lượng thuốc điều trị sẽ phong phú, không khan hiếm như thời gian qua” – ông Thượng nói và cho biết Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ tham mưu Chính phủ cho phép bán thuốc kháng virus trong nhà thuốc khi thuốc được sản xuất đại trà.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng trả lời chất vấn, sáng 8-12. Ảnh: HOÀNG GIANG
Ông tiếp lời: “Trong tương lai, người dân có thể nhận được thuốc kháng virus này hoặc ra nhà thuốc mua uống như một loại thuốc cảm bình thường”.
Chiều qua, TP.HCM đã được bổ sung 25.000 liều thuốc kháng virus, hiện đã phân phối xuống các trạm y tế; do chưa đủ nên sẽ xem xét ưu tiên F0 thuộc nhóm nguy cơ.
Mỗi năm sẽ có 500 BS mới ra trường về trạm y tế
ĐB Phạm Văn Rậm bày tỏ lo lắng khi nhân viên y tế tuyến cơ sở xin nghỉ việc rất nhiều. ĐB Rậm chất vấn: “Trước tình hình dịch bệnh dù kiểm soát được nhưng còn phức tạp, Sở Y tế TP có tham mưu chính sách gì để thu hút nhân lực y tế cơ sở tiếp tục công tác”.
Cùng sự quan tâm về y tế cơ sở, ĐB Tăng Hữu Phong đề nghị Sở Y tế trả lời quan điểm về biên chế ít ỏi ở trạm y tế hiện nay ở các phường, xã nhất là phường, xã đông dân. “TP cần nhiều nhân lực y tế nữa ở phường, xã để vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo hàng chục chương trình mục tiêu quốc gia?” – ĐB Phong đặt câu hỏi và cho biết tỉ lệ nhân viên y tế trên 1 vạn dân ở TP.HCM chỉ đạt 2,31%; trong khi cả nước là 7.42%, Hà Nội là 6,06%.
ĐB Tăng Hữu Phong chất vấn tại phiên họp sáng 8-12. Ảnh: HOÀNG GIANG
Trả lời đại biểu, Giám đốc Tăng Chí Thượng khẳng định bài học về củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động y tế cơ sở và y tế dự phòng cho TP là việc mà ngành y tế đang đeo đuổi.
Theo ông Thượng, ngành y tế đã xây dựng đề án trình UBND TP đề xuất cơ chế chính sách nâng cao năng lực y tế cơ sở, với 3 giải pháp lớn.
Thứ nhất, để giữ chân nhân viên y tế, ngành y tế có kiến nghị chính sách hỗ trợ thu nhập cho nhân viên y tế ở trạm y tế, có thể là 4 triệu/tháng.
Thứ hai, để thu hút bác sĩ (BS) đến công tác tại các trạm, ngành y tế đã làm việc với các trường đại học để kiến nghị cơ chế rất mới, chưa có bao giờ. Đó là đưa BS mới tốt nghiệp, thay vì theo luật thì sẽ về BV TP hoặc quận, huyện thực hành 18 tháng để có chứng chỉ hành nghề thì sẽ về y tế cơ sở thực hành 12 tháng sau khi trải qua 6 tháng tại BV TP, quận, huyện.
“Việc này rất có lợi cho cả hai phía, một là BS về cơ sở để gần dân, hiểu dân, sau này công tác ở đâu cũng thuận lợi hơn, hai là mỗi năm ước tính ít nhất 500 BS về trạm y tế vừa thực hành vừa lấy chứng chỉ” – ông Thượng nói và cho biết có kiến nghị TP hỗ trợ một phần chi phí sinh hoạt trong thời gian xuống cơ sở, tương ứng 6 triệu/ tháng.
Thứ ba, về tăng định biên cho y tế cơ sở, ông Thượng lý giải theo quy định cũ thì mỗi trạm y tế có tối thiểu 5 nhân viên y tế và tối đa là 10. Tuy nhiên tại TP, dân số ở phường, xã rất khác nhau, có phường khoảng 20.000 nhưng có phường lên đến 120.000 dân, đây là điều rất bất cập.
Ông Thượng mong Quốc hội xem xét điều chỉnh lại, phân biên chế trạm không theo địa giới hành chính mà theo quy mô dân số. Lý tưởng nhất là 1 vạn dân sẽ có một trạm y tế hoặc tăng gấp đôi số hiện hữu, tối thiểu 10 nhân viên và tối đa 20 nhân viên.
Về con số biên chế ở y tế cơ sở mà TP.HCM đang cần, ông Tăng Chí Thượng cho biết khoảng hơn 4.000 người.
Sẽ có quy định xử phạt F0 không khai báo Tại phiên chất vấn, Linh mục Trần Quang Vinh cho biết nhiều trường hợp F0 trong cộng đồng không chịu khai báo mà tự ý chữa trị ở nhà vì nếu khai báo sẽ bị ảnh hưởng công việc. Tuy nhiên việc này sẽ không đảm bảo phòng bệnh cho những người xung quanh. Đại biểu Vinh đặt vấn đề làm sao để phát hiện sớm và nâng cao ý thức cho những người này. Trả lời đại biểu, Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng nhìn nhận, hiện nay không phải xét nghiệm như trước để biết rõ ai F0 mà chỉ làm đối với người nghi ngờ có triệu chứng. “Một số người tự mua que về làm test nhanh, trong đó chắc chắn có F0 nhưng không nói ai mà âm thầm tự mình bảo vệ mình và người thân vì nói ra phiền phức, công việc không nghỉ được” – ông Thượng nói và cho biết nếu F0 không khai báo mà lưu thông đi làm sẽ dẫn đến nguy cơ lây lan dịch, là thách thức trong công tác phòng chống dịch. Theo ông Thượng, giải pháp cho việc này là công tác truyền thông, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân; tăng cường quy chế phối hợp quản lý F0 trên địa bàn; tăng cường kiểm tra xử phạt. Cụ thể, ngành y tế sẽ tham mưu cho UBND TP triển khai những quy định xử phạt; đồng thời sẽ kiểm tra thanh tra, không để F0 đi ngoài đường. |
Thủ tướng nhấn mạnh, cần tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất bằng được vaccine và thuốc điều...
Nguồn: [Link nguồn]