Giám đốc Sở Xây dựng HN: Xử nghiêm nhà siêu mỏng

“Bí thư Thành ủy nói, cứ nhìn vào con đường là biết trách nhiệm của bí thư, chủ tịch địa phương. Nếu quản lý không tốt, trách nhiệm của chính quyền rất rõ ràng”.

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã dẫn lời Bí thư Thành ủy Hà Nội như vậy để nói về trách nhiệm của cơ quan Nhà nước khi để tồn tại nhà siêu mỏng, siêu méo.

Tại cuộc họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 25/3, nhiều câu hỏi của PV đề nghị ông Nguyễn Thế Hùng cho biết trách nhiệm của cơ quan Nhà nước khi để tồn tại nhà siêu mỏng, siêu méo trên đường “đắt nhất hành tinh” - đường vành đai I (đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, quận Đống Đa).

Về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Hùng cho rằng, nhà siêu mỏng, siêu méo ở đô thị là “không thể chấp nhận được”. Ông nói: “Nó làm xấu đô thị, mất bản sắc và nhếch nhác trong con mắt người dân”.

Mặc dù pháp luật quy định: “diện tích đất dưới 15m2 không được phép xây dựng”, đặc biệt không được xây dựng độc lập. Tuy nhiên, thực tế vẫn diễn ra xây dựng sai quy định.

Giám đốc Sở Xây dựng HN: Xử nghiêm nhà siêu mỏng - 1

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Hùng nói rằng, Thành phố sẽ "xử lý nghiêm minh tất cả các trường hợp vi phạm. Bất kể nhà ai, công trình nào".

Ông Hùng cho biết, năm 2013 và cuối năm 2012, toàn Thành phố có gần 600 nhà siêu mỏng, siêu méo. Nay đã giải quyết chỉ còn 192 trường hợp. Tuy nhiên, những trường hợp này rất khó xử lý. Bởi có những con đường mở từ năm 2007, lúc đó chưa có quy định về công trình dạng này. Nhưng nay rà soát thấy không hợp lý nên đưa vào danh sách để xử lý.

Mặc dù vậy, ông Hùng khẳng định: “Thành phố rất quyết tâm thực hiện vấn đề này”.

Liên quan đến những công trình xây dựng sai phép, ông Nguyễn Thế Hùng nói rằng, quan điểm của Thành phố là “xử lý nghiêm minh tất cả các trường hợp vi phạm. Bất kể nhà ai, công trình nào”.

Theo ông Hùng, để khắc phục, cần xác định rõ chỉ giới, kể cả trường hợp nhà không nằm trong chỉ giới nhưng khi cắt đường gây ra nhà siêu mỏng, siêu méo sẽ được thu hồi lại.

Tuy vậy, muốn làm được, song song với dự án mở đường cần có dự án chỉnh trang hai bên đường. Có kinh phí để thu hồi đất, thửa đất không xây dựng được và phương án sử dụng đất đó.

Biện pháp hiện nay là quản lý chặt chẽ trong quá trình mở đường. Không cho phép trường hợp nào không đủ điều kiện nhưng vẫn tự xây dựng trong quá trình làm đường. Những trường hợp như vậy phải cưỡng chế phá dỡ.

Đối với đất không đủ điều kiện xây dựng sẽ cho “hợp khối hợp thửa”. Cụ thể, nhà trong có điều kiện mua lại nhà ngoài, hợp thửa lại với nhau sau đó xây dựng công trình. Hoặc hợp khối, tức là nhà ngoài phá đi, xây lại, cùng hợp khối với nhà trong. Một biện pháp khác là Nhà nước bỏ tiền thu hồi lại đất sử dụng mục đích công cộng...

Ông Hùng dẫn chứng nhà siêu mỏng, siêu méo trên đường “đắt nhất hành tinh” - đường vành đai I (đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, quận Đống Đa). Ông cho biết, cách đây ít ngày (21/3), Bí thư Thành ủy Hà Nội đến kiểm tra. Hiện nay, quận Đống Đa phối hợp với BQL Dự án trọng điểm để giải quyêt các nhà siêu mỏng, siêu méo. Tháng 4/2014 sẽ giải quyết xong.

Nói về trách nhiệm, ông Hùng dẫn lời Bí thư Phạm Quang Nghị: “Bí thư Thành ủy nói, cứ nhìn vào con đường là biết trách nhiệm của bí thư, chủ tịch địa phương. Nếu quản lý không tốt, trách nhiệm của chính quyền rất rõ ràng. Đó là thang chấm điểm”. Nếu chính quyền buông lỏng thì tự mình thấy trách nhiệm của mình trước Thành ủy, UBND Thành phố.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN