Giám đốc Sở TN&MT Thanh Hóa: "Có khi béo ra do uống nước bẩn"
Tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVII, nhiệm kỳ 2016-2021, ở phiên chất vấn, ông Đào Trọng Quy, Giám đốc Sở TN&MT nhận nhiều câu hỏi về tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh này.
Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm tại phiên chất vấn lần này là vấn xử lý chất thải tại các khu công nghiệp; vấn đề xả thải nước thải chưa qua xử lý; khu tập trung xử lý giác ở các khu đô thị như TP. Thanh Hóa, TP. Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn. Đặc biệt là vấn đề ô nhiễm nguồn nước khiến cử tri tại Thanh Hóa lo lắng.
Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Thanh Hóa ông Đào Trọng Quy trả lời chất vấn các biểu về vấn đề môi trường.
"Uống nước bẩn vào có khi béo ra”
Đại biểu Lê Thị Như Hoa, Tổ đại biểu huyện Quảng Xương nêu vấn đề thời gian qua ở Kênh Bắc hay còn gọi là sông Nông Giang lấy nước từ đập Bái Thượng (Thường Xuân) cung cấp nguồn nước cho nhà máy nước xử lý sinh hoạt. Tuy nhiên cử tri bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường trên dòng sông này, đặc biệt bản thân người dân rất lo ngại về nước sinh hoạt.
Từ đó, vị đại biểu đặt câu hỏi về trách nhiệm của ngành TM&MT.
Trả lời nội dung chất vấn, GĐ Sở TN&MT Thanh Hóa Đào Trọng Quy cho rằng: “Việc ô nhiễm ở sông Nông Giang, hiện UBND tỉnh đang khẩn trương làm đường ống kín. Nhưng hiện tại bản thân tôi cũng kinh lắm, không khéo béo ra là cũng do ăn uống phải nước bẩn vì người dân giặt giũ rồi bỏ các xác thực vật trôi trên kênh.
Vì vậy, cần phải triển khai đường ống kín lấy nước từ huyện Thường Xuân về, có khi không cần lọc cũng có thể dùng được vì sạch hơn nước đang sử dụng hiện nay. Đây là vấn đề giống nòi cho nên là phải chủ trương cho làm đường ống kín”.
Đại biểu Nguyễn Văn Tuấn, Tổ đại biểu huyện Vĩnh Lộc, nói "Vấn đề nước sạch là rất nhạy cảm. Tức là nước dẫn từ Thường Xuân về có khi là sạch hơn nước sạch đã qua xử lý (nước lọc) vì thế đề nghị Giám đốc Sở TN&MT khẳng định lại thông tin này vì hàng vạn người đang dùng nước sạch từ kênh này?”.
Ông Đào Trọng Quy giải thích: “Ở đây là cần phải khẩn trương, đầu tư nhanh hệ thống đường ống khép kín để về lâu dài lấy được nguồn nước sạch ở huyện Thường Xuân. Thực ra là chúng ta có một hồ chứa thủy điện (Hồ Cửa Đạt) nhiều triệu m3 nước sạch vì thế nếu lấy về để sử dụng cho toàn tỉnh Thanh Hóa là tốt nhất.
Nguồn nước như đại biểu Hoa ý kiến, tôi khẳng định là rất bẩn, còn lại việc xử lý của các công ty nước hiện nay là đảm bảo các quy chuẩn rồi, nhưng mà nếu lấy được nguồn nước ở Thường Xuân là rất tốt. Tôi thì tôi vẫn cho rằng là phải “ăn chín uống sôi” vẫn là bài ngày xưa không thể tin là nước ta uống vào là sạch".
Dòng sông Nông Giang (Kênh Bắc) có chiều dài 50km chạy qua nhiều huyện và cấp nước cho TP. Thanh Hóa và các khu phụ vực phụ cận bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Sau phần trả lời chất vấn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến cho rằng: “Nếu nói thế thì các nhà máy xử lý nước sạch rất lo và đặc biệt là các hộ dùng nước hiện nay ở TP. Thanh Hóa, các vùng phụ cận và TP. Sầm Sơn. Hiện chúng ta đang xử lý và cũng làm nhiều lần rồi. Còn dự án nước từ Hồ Cửa Đạt về thì UBND tỉnh Thanh Hóa đang cho vận hành dự án này và tinh thần là từng bước xử lý nhưng yêu cầu là phải nhanh”.
“Bắt doanh nghiệp xả thải cần phải bí mật”
Liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ông Chiến cho rằng: “Vấn đề môi trường đã trở thành vấn đề rất hệ trọng, nếu chúng ta phát triển nhanh, nhưng vấn đề môi trường không đảm bảo thì phát triển kinh tế nhanh không có ý nghĩa gì. Tôi rất tiếc, nếu vấn đề môi trường được báo cáo từ kỳ họp thứ 10 thì sẽ tốt hơn mà không phải kéo dài đến kỳ họp này.
Về vấn đề nước xử lý các doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng xả thải ra môi trường nhưng để bắt được những nhà máy xả thải chưa xử lý xuống sông Mã là vô cùng dày công.
Việc bắt doanh nghiệp xả thải là phải được giữ bí mật cho đến khi bắt quả tang thì mới hiệu quả được. Nếu chúng ta, cứ làm hành chính như hiện nay thì không giải quyết được tình hình các nhà máy vẫn xả thải ra các dòng sông gây ô nhiễm. Và tôi khẳng định lại là phải làm như thế mới có thể xử lý doanh nghiệp xả thải ra môi trường.
Các đại biểu chất vấn Giám đốc Sở TN-MT Đào Trọng Quy.
Phần đa là họ thường làm hai hệ thống nước thải, trong đó có một đường là xả thải trực tiếp ra môi trường và đường còn lại là qua hệ thống xử lý. Khi bị kiểm tra họ chỉ cần đóng van xả thải trực tiếp để nước thải đi vào hệ thống xử lý", ông Chiến cho biết.
Cần khởi tố doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường
Ông Chiến khẳng định: “Đây là một hành động gian dối, vi phạm pháp luật và “bàn tay” quản lý nhà nước của chúng ta hiện nay chưa bắt được, chưa làm được. Công nghiệp giấy là rất nguy hiểm vì sử dụng hóa chất kinh khủng gây nguy hại cho môi trường”.
Ông Chiến cho rằng, phải tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm về bảo vệ môi trường, đặc biệt các nhà máy. Trong quá trình thanh tra kiểm tra phải có giải pháp từng đối tượng thanh tra kiểm tra và phải được bí mật nếu không thì không làm được. Chúng ta tuyên truyền vận động nhiều rồi, nói mãi rồi nhiều lần mà nước ô nhiễm cứ xả thải ra thì làm sao được.
Thời gian tới thì UBND tỉnh phải chỉ đạo Sở TN&MT. Cùng đó các cơ quan chức năng cần xem xét khởi tố một số vụ án liên quan đến vấn đề gây ô nhiễm môi trường, xử lý nghiêm minh theo quy định của Pháp luật hiện hành".
Nguồn: [Link nguồn]
Nước biển bị nhuộm màu, nổi bọt vàng, đen như cà phê, từ khu vực bãi biển Khe Hai đã lan rộng ra vùng biển Khu kinh tế...