Giám đốc Sở KH-CN nói về 141 tỉ chi cho khoa học nhưng chỉ có 1 công trình quốc tế được công bố
Ông Nguyễn Ngọc Túy, Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Thanh Hóa, đã lên tiếng về số tiền 141 tỉ đồng chi cho khoa học và số lượng 3.116 cán bộ tham gia nghiên cứu khoa học nhưng chỉ có 1 công trình quốc tế được công bố trong năm 2019 đang gây tranh cãi.
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có báo cáo về tình hình thực hiện chiến lược phát triển khoa học và công nghệ (KH-CN) giai đoạn 2011-2020 năm 2019 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trong đó có việc chi gần 141 tỉ đồng cho sự nghiệp khoa học nhưng cả năm 2019, tỉnh Thanh Hóa chỉ có 19 công trình trong nước và 1 công trình khoa học quốc tế được công bố đang gây ra nhiều tranh cãi.
Có nhiều ý kiến cho rằng việc chi một số tiền lớn cho khoa học trong 1 năm mà chỉ có 20 công trình khoa học được công bố là quá khiêm tốn. Trong đó, đại đa số các công trình này đều là những công trình đăng trên báo, tạp chí, dưới dạng tham luận... không rõ các công trình nào đã được áp dụng vào thực tế.
Sở KH-CN tỉnh Thanh Hóa, đơn vị được giao triển khai các nhiệm vụ KH-CN của tỉnh Thanh Hóa
Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Ngọc Túy, Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Thanh Hóa, cho biết số tiền 141 tỉ đồng không phải chi hết cho việc nghiên cứu khoa học mà được chia ra thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau.
Trong số 141 tỉ đồng thì có 115 tỉ ngân sách cấp dùng để chi cho thực hiện các nhiệm vụ khoa học, hơn 26 tỉ đồng còn lại là dành cho đầu tư các nghiệm vụ nghiên cứu khoa học. Trong đó, 48 tỉ đồng được chi cho việc triển khai các nhiệm vụ KH-CN các cấp; 55 tỉ đồng thực hiện chính sách khuyến khích phát triển KH-CN trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế xã hội tỉnh Thanh Hóa năm 2015-2020 (số tiền 55 tỉ đồng chi cho năm 2019), số còn lại dùng để chi thường xuyên (lương cho cán bộ, các nhiệm vụ hoạt động của sở...).
"Sở KH-CN chỉ là đơn vị tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh về việc triển khai các nhiệm vụ, trong đó ưu tiên cho việc ứng dụng chuyển giao các tiến bộ KH-CN vào đời sống chứ không ưu tiên khuyến khích các đề tài mang tính chất nghiên cứu cơ bản. Cụ thể, trong năm 2019, có 40 nhiệm vụ được tỉnh lựa chọn triển khai, trong đó tập trung vào các khâu đột phá về ứng dụng chuyển giao, cũng có một số nhiệm vụ mang tính chất nghiên cứu dưới dạng đề tài"- ông Túy thông tin.
Cũng theo ông Túy, trong năm 2019 đã có nhiều nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh, cấp trung ương được Thanh Hóa triển khai có hiệu quả, được đánh giá là 1 trong 3 địa phương làm tốt các nhiệm vụ KH-CN (chỉ sau Hà Nội và TP HCM).
Danh sách 3.116 người tham gia nghiên cứu khoa học của tỉnh Thanh Hóa
Về số lượng 3.116 người tham gia nghiên cứu khoa học, ông Túy cho biết không phải họ trực tiếp tham gia nghiên cứu khoa học mà đây là nguồn nhân lực khoa học của tỉnh.
Trước đó, ngày 18-12, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền đã ký báo cáo số 213/BC-UBND về tình hình thực hiện chiến lược phát triển KH-CN giai đoạn 2011-2020 năm 2019 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Báo cáo này cho thấy trong năm 2019, tỉnh Thanh Hóa đầu tư từ ngân sách nhà nước cho KH-CN gần 141 tỉ đồng. Trong đó, chi sự nghiệp khoa học hơn 115 tỉ đồng (cao gấp 2,3 lần Trung ương phân bổ), chi đầu tư phát triển KH-CN hơn 23 tỉ đồng, Trung ương hỗ trợ, bổ sung 1,9 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 0,47% trong tổng chi ngân sách tỉnh Thanh Hóa năm 2019.
Đáng chú ý, theo báo cáo này, hiện toàn tỉnh Thanh Hóa có 3.116 cán bộ tham gia nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (có 18 phó giáo sư, 149 tiến sĩ, 1.067 thạc sĩ...), quy đổi sẽ là 1.229 cán bộ nghiên cứu toàn thời gian tương đương. Năm 2019, số lượng công trình khoa học công bố trong nước là 19 công trình gồm: Sách, 15 bài viết đăng tạp chí, 3 bài viết tham dự hội thảo; 1 bài giảng và có 1 công trình khoa học (bài viết hội thảo) công bố quốc tế.
Văn phòng HĐND-UBND huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai trong 2 năm đã chi tiền tỉ để tiếp khách nhưng hầu hết hồ sơ thanh, quyết...
Nguồn: [Link nguồn]