Giám đốc BV Chợ Rẫy: Đề nghị bắt buộc khám sức khoẻ tiền hôn nhân
Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết khám sức khoẻ tiền hôn nhân là trách nhiệm đối với vợ/chồng và với thế hệ sau, giúp phát hiện nhiều bệnh lý liên quan đến di truyền, tim…
Sáng 1-11, theo nghị trình, Quốc hội (QH) tiếp tục thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác.
Phát biểu đầu tiên trong phiên thảo luận hôm nay, đại biểu (ĐB) Nguyễn Tri Thức (Đoàn ĐBQH TP.HCM) cho biết sau dịch COVID-19, ngành y tế được giao vốn để mua sắm trang thiết bị, sửa chữa cơ sở vật chất, phục vụ cho người bệnh từ hai nguồn. Cụ thể là từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội và từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương. Tuy nhiên, theo ông Thức, sau gần một năm các nguồn này vẫn chưa được giải ngân.
Do đó, ông hy vọng nguồn vốn trên sớm được giải ngân để ngành y tế mua sắm trang thiết bị, phục vụ người bệnh.
ĐB Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đề nghị bắt buộc khám sức khoẻ tiền hôn nhân. Ảnh: QH
Nêu ý kiến về một vấn đề khác, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy nhận định khám sức khoẻ tiền hôn nhân có tầm quan trọng lớn. Việc này sẽ giúp tìm ra được những bệnh lý truyền nhiễm hay viêm gan B, viêm gan C, giang mai… đặc biệt là các bệnh lý di truyền, tim.
Theo ông Thức, khám sức khoẻ tiền hôn nhân là trách nhiệm với người vợ/chồng cũng như trách nhiệm với thế hệ sau.
Nêu thực tiễn, ông nói trong thực hành lâm sàng từng chứng kiến những trường hợp tới khi đi sinh người phụ nữ mới biết được mình bị hẹp van tim nặng hoặc suy tim, suy thận.
“Vào cơn sinh mới xảy ra trường hợp suy tim cấp, các bác sĩ rất đau xót khi phải quyết định cứu mẹ hay cứu con” - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ và cho biết tất cả những vấn đề này hoàn toàn có thể tránh được nếu khám sức khoẻ tiền hôn nhân.
Cũng theo ông, Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 cũng như khoản 2 Điều 18 Nghị định 123/2015 không có quy định bắt buộc khám sức khoẻ tiền hôn nhân. Trong khi đó, nếu kết hôn với người nước ngoài thì bắt buộc và khám rất sâu, kể cả khám chuyên khoa tâm thần kinh.
Do đó, ông Thức đề nghị Chính phủ quy định bắt buộc khám sức khoẻ tiền hôn nhân và cũng có những chính sách hỗ trợ cho phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, hộ nghèo.
Trước đề xuất tăng thời gian nghỉ thai sản cho nam giới từ 5-14 ngày lên tối thiểu 30 ngày, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho rằng cần tính toán kỹ lưỡng hơn.
Nguồn: [Link nguồn]