Giẫm đạp xin học: Tại ai?

Sự kiện: Tuyển sinh lớp 1

Ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học-Bộ GD&ĐT cho rằng, không nên trầm trọng hóa vụ đạp cổng trường Thực nghiệm vì đây là lỗi của phụ huynh. “Chính phụ huynh đã gây khó cho ngành giáo dục, rồi quay lại chê ngành giáo dục. Chê thế nhưng bố trí chỗ học lại không học”.

Thưa ông, ở cương vị nhà quản lý giáo dục, chứng kiến cảnh phụ huynh chen lấn, xô đẩy đăng ký cho con vào lớp 1 của trường Thực nghiệm Hà Nội, ông nghĩ thế nào?

Đấy là việc không nên. Còn quản lý như thế nào là do cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm, phòng giáo dục, hiệu trưởng trường đấy chịu trách nhiệm.

Nhưng dư luận lại cho đó là hồi chuông báo động cho mô hình giáo dục bậc tiểu học? 

Đừng vì một trường mà mình quy kết như thế. Cần phải hiểu câu chuyện: Một trường ở vị trí đẹp, cơ sở vật chất đầy đủ thì đó là một quy luật rất tự nhiên.  Nhất là khi khả năng có hạn, nhu cầu lại lớn, phụ huynh nào cũng muốn cho con có điều kiện học hành tốt. Đừng làm trầm trọng hóa! Có thể hình dung câu chuyện bán một mặt hàng đẹp, rẻ thì người ta sẽ đến.

Việc phụ huynh phải thức trắng đêm đăng ký cho con vào lớp 1 không xảy ra ở một trường và đây cũng không phải là năm đầu tiên?

Theo Luật Giáo dục, trẻ em 6 tuổi được đến trường, mặc nhiên được đến đấy học tập. Và tại sao người ta lại chen lấn? Là vì chỗ đấy cấp chỗ học. Trường Thực nghiệm không gắn với địa bàn mà thực nghiệm đào tạo là chính. Cho nên họ không chịu trách nhiệm về địa bàn nào. Người dân ở đâu cứ đến đó nộp hồ sơ thì tình hình sẽ xáo trộn thôi. Đừng nhìn mọi việc trầm trọng.

Nhu cầu muốn cho con vào trường tốt là có thực. Phụ huynh cứ phải chạy trường này, trường nọ phải chăng còn do việc phân luồng học sinh và chất lượng giáo dục không đồng đều?

Tôi thấy nên thông cảm với phụ huynh chứ không nên trách họ. Với nhiều bậc cha mẹ, việc học của con là sự sống của họ, hơn cả vật chất, hơn cả những ham muốn khác cho bản thân, đó là một điều đáng trân trọng.

GS Hồ Ngọc Đại - Người sáng lập trường Thực nghiệm

Phân luồng hợp lý là mỗi cháu có một chỗ học ở nơi mình sinh sống. Còn mỗi người có một quan điểm riêng, tôi không nói là sai hay đúng. Còn chuyện giáo viên chưa đồng đều, ai dám chắc tất cả giáo viên là chưa tốt, chưa đồng đều? Nếu vậy, trách nhiệm thuộc về ai? Chuẩn giáo viên là việc của địa phương. Chất lượng các trường không đồng đều không thể nói là do Bộ. Bộ chỉ lo quản lý, Hà Nội lo việc của Hà Nội, Cao Bằng lo chuyện Cao Bằng. Ngay cả nước Mỹ cũng không thể nói là đồng đều.

Hôm nay, Giáo sư Hồ Ngọc Đại có phát biểu với báo chí rằng: Sự việc phụ huynh phải chen lấn nộp đơn cho con vào lớp 1 có trách nhiệm của Bộ? Trong đó có cả vấn đề chương trình giảng dạy hay sách giáo khoa ở cấp tiểu học chậm thay đổi?

Về việc giáo sư Đại nói, tôi chỉ nói thế này: Hôm nay tuyển sinh ở trường Thực nghiệm, ngày mai ở trường công lập và nhiều trường khác nữa cũng sẽ có tình trạng cung không đáp ứng được cầu. Về vấn đề sách giáo khoa, theo quy trình chu kỳ 10 hoặc 15 năm thì có thay đổi để phù hợp với sự phát triển của xã hội.

Nhưng đến khi nào trường Thực nghiệm mới hết thực nghiệm, như vậy là quá lâu (Trường thành lập từ năm 1978)?

Anh nên đặt câu hỏi đó cho Viện Khoa học Giáo dục (trường Thực nghiệm trực thuộc Viện này từ năm 2008- PV). Lúc nào chín mùi thì các anh ấy đặt vấn đề.

Ông vừa nói cung không đủ cầu, vậy thì làm sao đảm bảo trẻ đến 6 tuổi có đủ chỗ học. Nói thế có mâu thuẫn? 

Chả có mâu thuẫn gì. Chỗ này có rồi nhưng anh lại chê không học, anh chạy vào chỗ không dành cho anh. Tôi chỉ đảm bảo nhu cầu cần thiết, tối thiểu cho các cháu học. Nhưng phụ huynh không cho các cháu học chỗ đó. Chính phụ huynh gây khó cho ngành giáo dục, rồi quay lại chê ngành giáo dục. Chê thế nhưng bố trí chỗ học lại không học.

Qua câu chuyện trường Thực nghiệm, quan điểm xử lý vấn đề này như thế nào. Không lẽ năm nào cũng kêu gọi để thay đổi tâm lý phụ huynh, để rồi năm sau sẽ tiếp cảnh chạy trường, chạy lớp?

Vẫn phải tuyên truyền. Chẳng ai muốn xảy ra việc đó. Còn cách làm thế nào, cơ quan chủ quản (trường Thực nghiệm) phải nghĩ ra cách làm chứ. Hôm trước lộn xộn, hôm sau Bộ có can thiệp gì đâu mà nó lại bình thường. Tốt nhất đến chỗ đó (trường Thực nghiệm- PV) hỏi họ, vì sao hôm trước cồng kềnh, hôm sau lại bình thường?

Giẫm đạp xin học: Tại ai? - 1

Cảnh phụ huynh "hành xác" để xin cho con vào học trường PTCS Thực nghiệm

Theo dự báo của ông, liệu năm nay có tình trạng quá tải học sinh vào lớp 1?

Đúng ra nó không bị thế (quá tải-pv), có thống kê độ tuổi vào lớp 1 rồi. Đô thị hóa, lập ra các khu công nghiệp nên như vậy. Trường, lớp học ở làng, xã vắng trong khi ở các thành phố lại đông. Chính quyền thành phố phải lo việc đó chứ Bộ không lo chuyện đó. Bộ không thể nhảy vào để điều học sinh Hà Nội sang Vĩnh Phúc.

Nhưng nếu phải hội ý với TP Hà Nội, ngành giáo dục sẽ đưa ra giải pháp gì?

Đó phải là tự họ, chứ sao mình xui cho họ được. Phải căn cứ trên điều kiện kinh tế xã hội, đất để xây trường, nguồn vốn, đội ngũ giáo viên và giải quyết. Bộ chỉ hướng dẫn chung, chuẩn chung, nhảy vào việc đó thì sao lo được việc khác.

Như vậy, quy hoạch tiểu học thuộc nhiệm vụ của ai?

Phân cấp rất cụ thể. Bộ lo chương trình, sách giáo khoa, chuẩn kỹ năng, hướng dẫn tổ chức lớp học, đánh giá… Bộ chỉ lo cái lớn. Còn quy hoạch là bài toán của địa phương.  Bạn đừng hỏi việc của sở và thành phố mà Bộ phải trả lời. Chúng tôi không thể trả lời.

Sách giáo khoa là trách nhiệm của Bộ, vậy Bộ trả lời thế nào về đề xuất xóa độc quyền sách giáo khoa ?

Xóa bỏ thế nào thì bạn phải hỏi cấp cao hơn nhé! Còn chúng tôi là Vụ. Vụ chúng tôi không trả lời những câu hỏi lớn như vậy. Tất cả chúng ta đều có mong muốn tốt đẹp hơn. Nhưng lộ trình ấy căn cứ vào lộ trình của Chính phủ, cấp bộ, còn cấp vụ không thể trả lời câu đó. Không được phép trả lời câu đó, phải là ông Bộ trưởng chứ.

Nếu bây giờ ông có con ở tuổi đi học lớp 1, ông có đăng ký cho con vào trường điểm không?

Tôi chả dại gì cho con vào đó, nó vất vả và tạo sức ép. Tôi khuyên mọi người đừng nghe nhau nói trường này, trường kia tốt rồi quá kỳ vọng. Trẻ em ở lớp 1 hãy để phát triển tự nhiên, đừng tạo sức ép cho nó, để rồi hết chạy trường, có người chạy cả cô. Chúng tôi rất chia sẻ với phụ huynh, song đừng thái quá, lo quá.

Trường nào ở Hà Nội có được cơ ngơi như trường Thực nghiệm? Bao nhiêu đất ở Hà Nội có được như trường Thực nghiệm? Phải chăng phụ huynh thích vào trường Thực nghiệm còn vì trường có cả cái sân chơi rộng rãi ấy và ở trung tâm? Bảo Bộ xây trường sao được. TP phải xây chứ.

Cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Hoàn - Đỗ Mến ([Tên nguồn])
Tuyển sinh lớp 1 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN