Giải trừ lời nguyền về một bản "ma ám"

Nhiều năm qua, hàng trăm người ở bản Vắt, xã Đồng Bảng, huyện Mai Châu) tỉnh Hòa Bình) sống trong sự ám ảnh, lo sợ.

Những căn bệnh quái ác như câm điếc, thần kinh và dị tật bẩm sinh tại bản làng heo hút này, được những người ác ý đồn thổi nơi đây là vùng đất quỷ ám. Những tin đồn ác nghiệt đó nguy hiểm tới mức có người đành bỏ bản đi nơi khác mưu sinh.

Bản “ma ám”…

Có một sự thật tồn tại từ nhiều năm nay, không ít người bản Vắt sống trong nỗi lo về bệnh tật. Liên tiếp những căn bệnh quái ác đã cướp đi sinh mạng bao người, cộng thêm những tin đồn ác ý của những người độc miệng khiến bản Vắt vốn đã hoang vắng càng thêm tiêu điều, buồn tẻ.

Men theo con đường nhỏ lầy lội, chúng tôi ghé thăm gia đình ông Hà Công Nhất, bố của chị Hà Thị Nhính. Từ lâu, chị Nhính là nỗi khiếp sợ của người dân nơi đây mỗi khi phát điên. Bà Hồng, một người dân sống kế bên cho biết, ông Nhất đã mất năm ngoái, hiện chị Nhính đang ở với mẹ và em trai là Hà Công Nhiên.

Giải trừ lời nguyền về một bản "ma ám" - 1

Mỗi lần lên cơn điên dại, chị Hà Thị Nhính la hét, đập phá hết đồ đạc trong nhà

Trong căn nhà sàn của gia đình này, không khí thật lạnh lẽo. Bà Lò Thị Tươi, vợ ông Nhất nay tuổi đã cao lại thêm bệnh khớp nên đau ốm triền miên. Mọi công việc trong gia đình từ chuyện nhỏ nhặt, nấu ăn cũng do một tay anh Nhiên cáng đáng. Khi hỏi chuyện vợ con, anh Nhiên trở nên buồn bã: “Vợ đã bỏ đi từ nhiều năm trước rồi, từ hồi con trai vừa biết đi, nay nó đã vào lớp 1. Mình cũng không hiểu do cuộc sống quá khổ cực hay lo sợ về “mảnh đất ma ám gây bệnh tật” mà vợ lại dứt áo ra đi, nhiều năm rồi bặt tăm tin tức”.

Được biết, chị Hà Thị Nhính năm nay bước sang tuổi 40 và cũng từng ấy năm sống trong điên dại. Mỗi khi trái gió, trở trời chị lại lên cơn la hét, đập phá rồi bỏ nhà đi lang thang. Khổ nhất mỗi khi phát bệnh, chị lại chửi xa xả rồi quay sang cào cấu chính mẹ đẻ của mình. Nghe con chửi, lại càng thương con, người mẹ già quặn thắt trong đau khổ đến mòn mỏi. “Hồi ông Nhất còn sống, cứ mỗi đêm mưa bão hai thân già lại đi khắp nơi tìm con. Có hôm thấy nó đang co ro ở một góc rừng, chân tay rớm máu do leo núi bị ngã. Những lúc ấy chỉ biết ôm con khóc trong nỗi đau vô tận”, bà Tươi nghẹn lời.

Ngay kế bên nhà bà Tươi là hoàn cảnh bi thảm của gia đình anh Lò Văn Điều. Anh Điều có một người em trai phát điên đã hơn 10 năm nay là Lò Văn Suất. Trước khi phát bệnh, anh Suất đã có thời gian dài làm công tác Đoàn thanh niên xã.

Căn nhà sàn thênh thang cả gia đình đang sống cũng là từ công sức của Suất mà ra. Từ một thanh niên bình thường công tác đoàn năng nổ, Lò Văn Suất bỗng nổi điên, cầm dao rừng đi khắp làng, gặp ai là kề dao vào cổ dọa giết. Những người thân trong gia đình cũng đều đã từng bị Suất đe dọa.

Cả ngày Suất lang thang khắp bản, có khi biến vào rừng rồi khi trở ra vẫn với với bộ dạng xơ xác như con ma rừng. Cực chẳng đã, Điều quyết định bắt em nhốt vào trong cũi ở sau nhà để bảo vệ những người dân trong bản cũng như bảo vệ chính em trai mình. Chiếc cũi cao chỉ ngang tầm người, đủ cho một thanh niên có thể động cựa một cách khó khăn bên trong.

Theo lời kể của Trưởng bản Vắt, vào thời gian cao điểm, trong số 40 nóc nhà trong bản thì đã có đến 21 gia đình hứng chịu bệnh tật. Có những nhà, cả mấy thế hệ đều mắc các chứng bệnh khác nhau. Trong xóm nghèo này, mỗi nhà mỗi hoàn cảnh đáng thương.

Gia đình chị Lò Thị Nguyệt, lại có hoàn cảnh không kém phần bi đát. Năm 1990, bố chị Nguyệt là ông Hà Văn Xường tự nhiên bị bại liệt, quá chán nản ông “giải thoát” khỏi bệnh tật bằng cách tự tử. Ba năm sau, mẹ chị Nguyệt cũng qua đời.

Đến đầu năm 2004 em trai Lò Văn Khôi vừa mới nhập ngũ được mấy tháng bỗng phát bệnh thần kinh, không lâu sau cũng chết. Gia đình có 4 người, thì 3 người bệnh tật (lại thêm nghèo túng), có lẽ vì thế mà duyên số của chị cũng long đong. Chị vẫn vò võ một mình trong căn nhà lá tuềnh toàng, dột nát do hàng xóm dựng.

Một trường hợp bệnh tật khác là ông Lò Văn Rỏn (SN 1962). Người nhà ông Rỏn cho biết, trước đây ông Rỏn bình thường, lập gia đình mấy năm thì ông bị câm. Bệnh tật hành hạ ông đến nay đã chục năm rồi, nhưng tai vẫn nghe rõ. Khi chúng tôi trò chuyện, ông cứ ú ớ nói không nên lời, hoặc gương mặt trở nên khờ dại. Giờ thì vợ ông cũng đã bỏ ông đi nơi khác mưu sinh.

Sự thực về mó nước …

Đã có những lời đồn nhảm rằng, dân bản Vắt bị bệnh do uống nước suối “ma ám”. Những lời đồn thổi đó càng khiến người dân ở bản vốn đã có quá nhiều tai ương, mất mát thêm phần hoảng loạn, hoang mang. Theo nhận định ban đầu của người dân thì nguồn nước của bản Vắt... có vấn đề và rất có thể là nguyên nhân gây ra những căn bệnh lạ cho người dân ở đây. Anh Hà Công Nhiên đưa chúng tôi ra thăm mó nước suối mà cả bản sinh hoạt. Đây là một nguồn nước ngầm chảy thành dòng lớn ở ngay đầu bản. Anh cho biết, mọi sinh hoạt của người dân nơi đây đều dựa vào dòng nước ấy.

Giải trừ lời nguyền về một bản "ma ám" - 2

Mó nước người dân bản Vắt bao năm qua vẫn sử dụng

Người dân bắt đầu tin vào việc mó nước mình dùng hàng ngày thực sự bị “ma ám” nên dần chuyển ra khỏi bản cũ. Thế nhưng, dù đã chuyển ra cách xa mó và dùng giếng khoan nhưng nỗi sợ hãi vẫn không thôi ám ảnh họ. Ông Vì Văn Lương, Chủ tịch xã Đồng Bảng cho biết: Hiện nay, bản Vắt có 58 hộ dân với 239 nhân khẩu. Đa phần làm nghề trồng trọt, chăn nuôi. Nguồn nước được sử dụng chính là nước giếng khoan và 30% số hộ gia đình của bản hiện đang sử dụng nguồn nước tại mó Vắt.

Cá nhân ông Lương cho rằng sở dĩ trong bản nhiều người mắc bệnh do gen di truyền. Còn về dòng nước thì khó có thể kết luận là nguyên nhân gây ra bệnh tật. Mùa hè nắng đổ lửa nước vẫn mát lạnh, mùa đông lại bốc hơi ấm, tắm không cần tốn củi đun, người dân nơi đây vẫn sinh hoạt bình thường. Cũng không có chuyện bản làng bị “ma ám”, việc xuất hiện những tin đồn đó là do mục đích xấu của những người ác ý.

Trả lời về nguyên nhân dẫn đến những căn bệnh lạ trên, bà Trần Thị Huệ, Trưởng phòng Quản lý Quy hoạch và khai thác tài nguyên nước, Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết: Hòa Bình là nơi tập trung nhiều nguồn nước khoáng, chất lượng của từng nguồn nước khoáng là rất khác nhau.

Cán bộ của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã từng phối hợp với Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội và các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát tình hình bệnh tật, mối liên quan giữa nguồn nước và bệnh tật ở bản Vắt để làm rõ các thông tin trong dư luận. Kết quả kiểm tra cho thấy 17 chỉ số hóa lý và vi sinh hoàn toàn nằm trong giới hạn cho phép.

Về tình hình bệnh mãn tính và dị tật bẩm sinh, qua kết quả điều tra đánh giá của đoàn công tác Sở Y tế Hòa Bình, bản Vắt có 16 người mắc bệnh, tỷ lệ chiếm 6,69%, trong đó 7/16 trường hợp có yếu tố gia đình, đó là câm điếc bẩm sinh, dị tật bẩm sinh và thiểu năng trí tuệ. Có 10 trường hợp phát bệnh trước khi đến sống tại xóm, ngoài ra có thêm 2 trường hợp mù lòa do tuổi già, nâng trường hợp có bệnh không liên quan đến môi trường sống tại bản lên 75%.

Cơ cấu bệnh tật ở bản Vắt không có gì bất thường, so với các địa phương trong toàn quốc. Như vậy không có cơ sở cho rằng việc mắc bệnh là do ảnh hưởng của nguồn nước, càng không có chuyện mảnh đất này bị “ma ám”.

Đưa vấn đề này hỏi các chuyên gia về văn hóa tâm linh, nhà khoa học địa lý, thổ nhưỡng chúng tôi đều nhận được câu trả lời: Lời đồn mảnh đất “ma ám” là những tin đồn ác ý gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân bản Vắt.

Cá nhân GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho rằng: “Sở Y tế tỉnh Hòa Bình cần có thêm một lần về thu thập tài liệu nghiên cứu nguồn nước, đất ở bản Vắt để đưa ra những kết luận chính xác, cũng như tạo điều kiện cho người dân chữa bệnh. Các hộ dân bản Vắt đã phải chịu quá nhiều bất hạnh không nên để người ta phải hành chịu nỗi ám ảnh, lo sợ về những tin đồn ác ý nữa”.

Điều đau đớn nhất, những lời đồn đại ác ý không có thật đã vô tình đẩy bản Vắt trở thành một “ốc đảo” giữa đất bằng. Trai gái đến tuổi dựng vợ, gả chồng nhưng không một thanh niên bản khác đoái hoài. Tiếng đồn bản điên, bản “ma ám” khiến cho người trong bản đi đâu cũng bị dính tiếng xấu và sự ghẻ lạnh. Nhiều người, đến độ tuổi trưởng thành như chị Lò Thị Nguyệt, chỉ vì nhà có ba người tử vong vì bệnh tật nên không ai dám hỏi. Hay như vợ anh Hà Công Nhiên bỏ gia đình đi biệt xứ, cũng không loại trừ nguyên nhân lo sợ về những tin đồn ác ý.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sỹ Hào (Pháp Luật Xã Hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN