Giai thoại ít biết về người thợ cắt tóc cho vua Bảo Đại
Nhờ thu nhập từ công việc làm đẹp “góc con người” cho vua Bảo Đại mà ông mua được nhiều nhà cửa, sắm xe “xịn” hiếm có cả vùng Đông Dương.
Thu nhập “khủng” từ việc cắt tóc cho vua
Làng Kim Liên xưa (nay thuộc phường Phương Liên, Đống Đa, Hà Nội) vốn nổi danh với nghề “vít đầu thiên hạ” khắp chốn kinh kỳ. Đến nay, nghề vẫn còn nhưng những người theo nghề rất ít.
Giai thoại người con làng cắt tóc Kim Liên tên Phạm Duy Hiền được đích thân vua Bảo Đại (vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam) chỉ định làm thợ tóc riêng cho mình cùng các hoàng tử còn được người dân trong làng kể cho nhau nghe mãi.
Anh Phạm Duy Hào – cháu nội Nghệ nhân Phạm Duy Hiền
Theo lời kể anh Phạm Duy Hào – cháu nội của cố nghệ nhân Phạm Duy Hiền, trong lần vua Bảo Đại vi hành ra Bắc, thợ tóc của vua bị ốm. Ông Hiền được tiến cử cắt thay thế. Vì quý mến tài năng và sự cẩn tắc trong cung cách làm việc của ông mà vua Bảo Đại đã chỉ đích danh ông chăm lo việc làm đẹp đầu tóc của mình.
Ông Hiền có phong thái lịch sự, tuy là thợ tóc nhưng luôn ăn vận trang phục gọn gàng, chỉnh tề, cách nói chuyện điềm tĩnh, vui vẻ. Ông đặc biệt giỏi tiếng Pháp nên được vua Bảo Đại quý mến và ấn tượng.
Biết vị khách hàng đặc biệt mà mình vừa phục vụ chính là vua Bảo Đại, ông Hiền vô cùng ngạc nhiên. Bất ngờ hơn nữa lại nhận được lời đề nghị đi theo để phục vụ việc làm đẹp phần “góc con người” cho vua càng khiến ông khó xử hơn.
Anh Hào kể: “Biết được tin đó, lúc đầu bà nội tôi không đồng ý để ông phải xa vợ con. Nhưng là lời đề nghị của vị vua và cũng nhờ ông nội khuyên nhủ, động viên mà bà nguôi dần”.
Ông Hiền theo vua Bảo Đại vào kinh thành Huế, từ đó chăm lo việc đầu tóc cho vua cùng các vị hoàng tử. Mỗi lần công du nước ngoài, Bảo Đại đều chọn ông Hiền đi cùng, khi thì Algeria, lúc thì Pháp, Thái Lan, Lào… ông Hiền đều được “cắp tráp” hộ tống.
“Bà nội tôi kể: Nam Phương Hoàng hậu là vợ của vua Bảo Đại, bà là người phụ nữ xinh đẹp, dịu dàng, thân thiện với mọi tầng lớp và có tấm lòng nhân ái, bao dung. Hoàng hậu có gửi tặng bà nội một xấp vải gấm trong lần ông nội dỗ được hoàng tử nhỏ quấy khóc chịu cho cắt tóc”, anh Hào nói.
Thời gian làm thợ cắt tóc riêng cho nhà vua, ông Hiền có thu nhập rất cao. Ông mua sắm được nhiều tài sản, mở hiệu cắt tóc trên nhiều phố lớn như Hàng Quạt, Hàng Ngang, Hàng Đào.
Sự kiện ông Hiền mạnh tay mua riêng chiếc xe đạp máy hiệu Solex đã khiến ông trở thành người “thợ cạo” duy nhất và một trong số ít người sở hữu chiếc xe đắt đỏ hiếm có của Pháp thời bấy giờ.
Vua Bảo Đại thoái vị, chính phủ mới được thành lập, ông Hiền trở về quê nhà tiếp tục công việc cũ. Từ cắt tóc tập trung ở HTX đến cắt tóc trên các con phố, ông đều hết lòng truyền dạy nghề cho thế hệ tiếp theo.
Cứ đến ngày 15 tháng 3 âm lịch hằng năm, hàng trăm thợ cắt tóc từ khắp nơi lại đổ về làng Kim Liên cùng nhau tham gia hội diễn tôn vinh tổ nghề của làng nghề cắt tóc truyền thống Kim Liên.
Nhân duyên kỳ ngộ của thế hệ thứ 3
Anh Phạm Duy Hào cũng là tay kéo cắt tóc có tiếng – Chủ tịch Hội làng nghề tập trung cắt tóc Kim Liên. Câu chuyện về người ông Phạm Duy Hiền với vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam còn được nối tiếp khi anh Hào tình cờ cắt tóc cho chính cháu nội của vua Bảo Đại.
Một người phụ nữ nước ngoài được giới thiệu tìm tới anh Hào cắt tóc, cô muốn chính tay anh cắt cho mình. Thi thoảng cô nhìn anh Hào với ánh mắt trìu mến và nở nụ cười đôn hậu kèm vài câu nói tiếng Pháp.
Thật bất ngờ với tình huống như năm xưa của ông nội anh. Sau đó anh Hào mới biết người phụ nữ đó là con gái của hoàng tử cả Nguyễn Phúc Bảo Long, cháu nội của vua Bảo Đại với Nam Phương Hoàng hậu. Cô muốn tìm đến hậu duệ người từng cắt tóc năm xưa cho ông nội và cha mình.
Anh Hào kể không giấu nổi sự xúc động: “Tôi cảm giác một sự trùng hợp, thật may mắn và như duyên kỳ ngộ khi hai thế hệ thợ tóc phục vụ hai thế hệ hoàng thân”.
Hiện nay, người làng Kim Liên cũ đã tỏa ra khắp nơi sinh sống và làm việc. Có người tiếp tục công việc, có người đã chuyển nghề khác. Nhưng nếu nghe giới thiệu là thợ tóc từ Kim Liên sẽ rất được quý mến và tin tưởng tay nghề.
Nỗi lo nghề cắt tóc truyền thống Kim Liên dần bị mai một luôn thường trực trong những người thợ có tuổi. Lớp trẻ của làng hiện rất ít người làm nghề, vì trình độ học vấn cao, tư duy hướng nghiệp mới nên họ không còn mặn mà với nghề của ông cha.
Nổi tiếng nhất làng phải kể đến cụ Phan Duy Hiền, được vua Bảo Đại mời vào Huế làm thợ cắt tóc riêng cho mình.