"Giải quyết đơn tố cáo nặc danh thì... loạn đất nước”

Sự kiện: Thời sự

Sáng 14/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 8, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tố cáo.

"Giải quyết đơn tố cáo nặc danh thì... loạn đất nước” - 1

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt.

Góp ý vào dự án Luật, nhiều ý kiến băn khoăn xung quanh câu chuyện nên hay không tiếp nhận, giải quyết các đơn thư tố cáo nặc danh.

Trình bày tờ trình, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết, vấn đề này có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, quy định của Đảng và Luật tố cáo hiện hành chưa chấp nhận xem xét, giải quyết đơn tố cáo không rõ, họ tên địa người tố cáo.

“Trong những năm qua các cơ quan nhà nước mới chỉ giải quyết được 87,4% tổng số đơn tố cáo có danh. Trong đó có đến  59,3% là tố cáo sai và 28,3% tố cáo có đúng, có sai. Vì vậy, nếu Luật quy định việc giải quyết tố cáo nặc danh sẽ gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong quá trình xem xét, giải quyết. Hơn nữa, trường hợp người tố cáo lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo nặc danh sai sự thật thì không có căn cứ để xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người tố cáo. Do đó, dự thảo Luật chưa quy định về việc giải quyết tố cáo nặc danh”, ông Sáu nói rõ.

Loại ý kiến thứ 2 cho rằng, thực tế không ít trường hợp người tố cáo còn bị trả thù, bị trù dập, trong khi đó mặc dù có quy định nhưng việc bảo vệ người tố cáo còn rất khó khăn. Do đó, nhiều người không dám tố cáo hành vi vi phạm pháp luật. Để kịp thời phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm, cần quy định về việc giải quyết tố cáo đối với trường hợp người tố cáo không ghi họ tên, địa chỉ của mình.

Sau khi nghiên cứu, Chính phủ đồng tình với loại ý kiến thứ nhất.

Góp ý thêm, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cũng đồng tình việc không nên quy định việc xử lý, tiếp nhận tố cáo nặc danh trong luật. Cùng với đó, phải xem xét lại quy định được quyền rút đơn tố cáo, vì nếu quy định dễ dãi thì sẽ gây ảnh hưởng rất lớn, không thể cứ tố cáo rồi không thích thì rút lại được.

Chia sẻ với những khó khăn, áp lực của đội ngũ đi giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhưng Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh cũng thẳng thắn chỉ ra thực trạng một số cán bộ ở ta có những tiêu cực “tinh vi”, "trên cả tài của thanh tra, kiểm tra, luật gì cũng lách được".

Nêu quan điểm về việc giải quyết khiếu nại tố cáo nặc danh, ông Việt cho rằng, trong thời đại này, nếu giải quyết đơn thư nặc danh thì... “loạn đất nước”, vì thế không nên quy định việc này trong luật, chỉ nên xem xét những đơn tố cáo chính thống.

Trường hợp nguy hiểm, đặc biệt thì xem xét, có chứng cứ, có dấu hiệu thì làm tiếp. "Nếu quy định việc giải quyết tố cáo nặc danh thì phức tạp, có thể tạo sơ hở cho một số cán bộ đi giải quyết tố cáo làm bậy", ông Việt nêu quan điểm.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng, trong khi chúng ta chưa có phương án bảo vệ người tố cáo thì ít người dám đích danh tố cáo vì sợ bị trù dập, vì thế cần có cơ chế bảo vệ để khuyến khích người tố cáo. “Còn đúng là nếu tiếp nhận tố cáo nặc danh thì rất phức tạp”, ông Thanh nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Thư (Báo Giao thông)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN