Giải Nobel Hòa bình: Gánh nặng sau ánh hào quang
Mọi thứ đều có hai mặt của nó, kể cả giải thưởng Nobel Hòa bình đầy danh giá.
Phía sau vầng hào quang chói lọi, giải Nobel Hòa bình còn có mặt tối đang khiến Ủy ban Nobel phải cân nhắc rất nhiều trước khi tính đến việc trao giải cho một nữ sinh Pakistan, ứng cử viên nặng ký cho giải thưởng này vào thứ Sáu tới.
Giải Nobel Hòa bình đã thay đổi của đời của nhiều vị tổng thống, nhiều chiến sĩ đấu tranh cho tự do hay chỉ là những nhà hoạt động vì nhân quyền bình thường, tuy nhiên nhiều người đoạt giải đã nói rằng việc giành lấy một vinh dự suốt đời là một nhiệm vụ khó khăn bởi bất cứ hành động, sai sót hay nhược điểm nào của họ cũng bị soi mói và đem ra so sánh.
Với giải Nobel Hòa bình năm 2013, mặt tối của giải thưởng này càng lộ rõ hơn bao giờ hết khi ứng cử viên Malala Yousafzai, cô gái mới chỉ 16 tuổi từng bị Taliban bắn vào đầu cách đây 1 năm vì đã đấu tranh cho quyền học tập của các bé gái.
Cô gái 16 tuổi Malala là ứng cử viên nặng ký cho giải Nobel Hòa bình 2013
Tất cả những người từng giành giải Nobel Hòa bình trước đây đều là những người trưởng thành có sự nghiệp ổn định. Còn Malala mới chỉ bằng một nửa tuổi của người giành giải trẻ nhất kể từ năm 1901 đến nay, đó là Tawakul Karman, một nhà hoạt động hòa bình người Yemen, đoạt giải Nobel Hòa bình khi cô mới 32 tuổi vào năm 2011.
Tuy nhiên ông Geir Lundestad, Giám đốc Viện Nobel Na Uy cho biết giải thưởng này không giới hạn về tuổi tác, và “nó sẽ làm thay đổi cuộc đời họ”.
Ông nói: “Họ sẽ bị tràn ngập bởi những lời mời. Họ sẽ được lắng nghe, và một số người thậm chí còn được coi như những vị thánh. Nhưng tôi chưa gặp bất cứ ai cảm thấy hối tiếc vì đã được lựa chọn cho giải Nobel Hòa bình.”
Năm nay có tổng cộng 259 ứng cử viên cho giải Nobel Hòa bình, tuy nhiên Malala là cô gái được đề cử nhiều nhất. Ủy ban Nobel gồm 5 thành viên sẽ lọc danh sách này và chọn ra người chiến thắng từ danh sách rút gọn không được công bố.
Bà Jody Williams, người giành giải Nobel Hòa bình năm 1997 vì đã tổ chức một chiến dịch chống mìn sát thương đã nói về mặt tối của giải thưởng này trong cuốn tiểu sử viết năm 2013 rằng chiến thắng này “không chỉ toàn niềm vui và hạnh phúc”.
Bà cho biết nhiều người đã coi những người giành giải Nobel như những vị “thánh sống”, và điều đó nhiều khi quả thật rất đáng sợ, bởi bà cho rằng mình hoàn toàn khác với Mẹ Teresa, người giành giải Nobel năm 1979 và được phong thánh vào năm 2003.
Bà cho biết bất cứ lời nói bất cẩn nào của người giành giải Nobel cũng bị soi mói và phóng đại lên. Chẳng hạn như bà đã phạm phải sai lầm ngay trong ngày giành giải Nobel khi gọi cựu Tổng thống Bill Clinton là “kẻ ngốc” vì không chịu ký hiệp ước chống mìn sát thương.
Ông Kristian Harpviken, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo cho rằng Malala là người đứng đầu danh sách bầu chọn cho giải Nobel Hòa bình trị giá 1,2 triệu USD trong năm nay. Cô bé còn là một nhân vật yêu thích của các nhà văn và được truyền thông Na Uy để ý rất nhiều.
Một phụ nữ đọc cuốn tự truyện của Malala
Tuy nhiên, ông cho rằng vấn đề chính ở đây là tuổi tác của Malala, còn việc Malala vì giải thưởng này mà có nguy cơ một lần nữa trở thành mục tiêu của Taliban chỉ là hiệu ứng phụ.
Ông nói: “Ở khía cạnh khác là một cô gái vẫn còn trẻ người non dạ phải đặt lên vai mình gánh nặng của một giải thưởng lớn, vì cô phải mang theo mình danh hiệu người đoạt giải Nobel suốt cả đời, và điều đó quả là một nhiệm vụ khó khăn.”
Trong số các ứng cử viên khác được đề cử cho giải Nobel Hòa bình năm nay còn có Denis Mukwege, một bác sĩ tận tâm giúp các nạn nhân bị bạo hành tình dục, và Bradley Manning, một lính Mỹ bị buộc tội trao các bí mật quân sự của Mỹ cho WikiLeaks.
Hàng ngàn người có quyền đề cử ứng viên cho giải Nobel Hòa bình, trong đó có các thành viên nghị viện các nước trên thế giới và các giáo sư sử học, triết học hoặc luật.
Một quan chức trong Ủy ban Nobel cho biết nhiều người nhầm tưởng rằng việc được đề cử cho giải thưởng này là một dấu hiệu thể hiện sự “để ý” của Ủy ban Nobel, vì Hitler cũng đã từng có lần được đề cử vào danh sách này.