Giải mã tục "chít khăn tang" cho cây ở làng ven đô

Không biết từ bao giờ, ở nhiều địa phương có phong tục “chít khăn tang” cho cây. Đó là khi trong gia đình có một người mất thì họ sẽ “chít khăn tang” cho những cây trong khuôn viên ngôi nhà.

Một phong tục tưởng chừng lạ lẫm nhưng nó lại  trở nên gần gũi, thiêng liêng với nhiều gia đình và người ta quan niệm rằng “cây là người”. Việc “chít khăn tang” cũng là cách thể hiện thái độ của họ với thiên nhiên.

Đi tìm lời giải cho một phong tục lạ

Tình cờ, trong một lần trò chuyện với một nhà nghiên cứu Vũ Hồng Thuật, chúng tôi thật bất ngờ khi được biết đến một cổ tục của người Việt mà đến giờ nhiều nơi người ta vẫn giữ là tục “chít khăn tang” cho cây. Ở một số tộc người vùng Đông Bắc như Sán Dìu, Sán Chay, một bộ phận người Tày, tục “chít khăn tang” cho cây trở nên gần gũi với người dân bởi họ quan niệm rằng “cây là người”. Và, khi trong gia đình có người qua đời, cây cối cũng phải... “chở tang”.

Khi nghe về cổ tục này, không ít người bán tín bán nghi, coi đó là một tục lệ cổ hủ và có gì đó lạ lẫm lắm. Nhưng được tiếp xúc trực tiếp với những người yêu cây còn lưu giữ cổ tục “chít khăn tang” cho cây trong vườn nhà, chúng tôi mới thấm thía ba từ “cây là người”!

Giải mã tục "chít khăn tang" cho cây ở làng ven đô - 1
Một số nơi vẫn lưu giữ tục “chít khăn tang” cho cây

Theo tìm hiểu của PV, ở vùng Đông Bắc, nhiều nơi vẫn có tục lệ là khi trong nhà có người mất thì bên cạnh việc để tang cho cây, lúc con cháu từ mộ người chết về nhà sẽ phải mang theo nắm đất lấy từ mộ để ném vào gốc cây to trong vườn, thậm chí ném cả vào trâu bò, lợn gà với hy vọng hồn người chết sẽ được chia sẻ với cây cối, vật nuôi, từ đó mà phù hộ cho cây cối, vật nuôi phát triển.

Ở vùng Thanh Sơn (Phú Thọ), Bắc Giang... tục “chít khăn tang” cho cây vẫn được lưu giữ. Nhiều bô lão còn quan niệm, cây được chăm sóc và trọng thị như những sinh linh. Người dân vùng này “chít khăn tang” cho cây bằng cách quét vôi lên thân cây. Khi trong nhà có người nằm xuống, lập tức phải cắt cử người đi mua vôi trắng dạng tinh về hòa với nước rồi dùng chổi lông hoặc dùng tay quệt một vòng quanh thân cây. Điều đặc biệt, khi có tang gia bối rối thì chỉ những người có tuổi tác, địa vị trong nội tộc mới là người được đứng ra làm việc này. Được biết, cũng có nhiều vùng, khi gia đình có tang gia, người ta không dùng vôi để quét lên cây mà dùng khăn trắng buộc lên cây để cây “chở tang”.

Không chỉ ở những vùng nông thôn, ngay ở Hà Nội, người dân làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) vẫn lưu truyền tục “chít khăn tang” cho cây. Người làng Triều Khúc vốn chuộng cây cảnh nổi tiếng cả vùng. Chẳng biết từ khi nào, những người dân Triều Khúc vẫn bảo nhau rằng nếu gia đình có người qua đời, cây không “chít khăn tang” sẽ lụi tàn mà chết. Bởi thế, trong tâm niệm của mỗi người dân Triều Khúc luôn trọng cây cảnh như những sinh linh.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Hiền (xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) cho hay, nhà chị có truyền thống trồng cây cảnh ba đời. Từ thời ông nội chị còn sống vẫn luôn căn dặn rằng, chơi cây cảnh phải rất tinh tế và nghệ thuật. Một khi đã chơi cây phải trọng cây như bạn, như người thân trong gia đình thì mới mong chơi lâu dài được. Chính vì thế mới có tục cho cây chịu tang khi một người thân trong gia đình qua đời.

Không chỉ chia sẻ về cổ tục của làng mình, chị Hiền còn bật mí cho chúng tôi những giai thoại về cây. Ây là, trong làng, có một gia đình có nghề tổ là trồng cây cảnh nhưng đã bị cây oán trách vì quên “chít khăn tang” khi có người mất, chỉ vì vô tình quên “chít khăn tang” cho cây mà sau một thời gian ngắn, cây cổ thụ trong vườn tự nhiên ủ rũ rồi chết dần. “Một điều khó lý giải, nếu cây nào không chết thì cũng tự nhiên rụng lá, héo úa rồi xơ xác dần. Đây là một điều lạ lùng hiếm thấy, xuất hiện từ thời xa xưa cho đến bây giờ vẫn chưa ai giải đáp được”, chị Hiền nói.

Theo các cụ cao niên làng Triều Khúc, không rõ phong tục này có từ bao giờ, nhưng tuyệt nhiên người dân cứ tự giác thực hiện theo đó như một lẽ tự nhiên. Lý giải cho việc cây cảnh héo úa và tàn lụi vì không được “chở tang”, một vị cao niên cho rằng, cây cũng là một thực thể sống có linh hồn, có cảm xúc như con người? Cho nên khi có người trong gia đình qua đời là cây cũng được chịu tang bình đẳng như mọi người trong gia đình.

Thú thật, khi nghe về cổ tục này, tôi rất tò mò và muốn tìm hiểu sâu hơn về quan niệm “vạn vật hữu linh”. Một cái cây tưởng chừng vô tri, vô giác nhưng với những người yêu cây nó lại thân thuộc như một người thân trong nhà.

Coi cây như một sinh thể

Trao đổi với PV báo ĐS&PL, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho biết: “Trước đây, tục lệ này khá phổ biến ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, thế nhưng nó bị mai một dần. Hiện, chỉ một số nơi vẫn còn lưu giữ. Tục lệ này xuất phát từ quan niệm tín ngưỡng vạn vật hữu linh (mọi vật đều có linh hồn). Theo đó, những cây lâu năm được cho là có hồn thiêng nên ở nhiều nơi, người ta lập đền thờ nhằm cầu cho cây sống lâu”.

Giải mã tục "chít khăn tang" cho cây ở làng ven đô - 2
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ

Cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ, tục “chít khăn tang” cho cây xuất phát từ quan niệm coi cây như một sinh thể. Ngày Tết người ta cũng tiến hành quét vôi cho cây, dân gian gọi là mặc áo mới. Người ta có thể rải vôi quanh nhà, vẽ cung tên bằng vôi để chống tà ma quỷ quái. Người xưa thường quan niệm rằng, cây cũng như người, trong gia đình có người mất thì người thân phải chở tang và mặc áo xô gai, cây cũng được “chít khăn tang”. Thứ hai là việc “chít khăn tang” cho cây cũng là để thông báo cho làng xóm biết gia đình có tang. Thứ ba, khi nhà có tang ma, các gia đình cũng có tâm lý sợ quỷ quái đến trêu chọc bắt người đi nên họ cũng làm vậy để trừ ma, trừ tà.

Liên tưởng đến những chia sẻ của nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, tôi chợt nhớ đến câu chuyện mà chuyên gia phong thủy Nguyễn Hồng Quang - trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người  từng chia sẻ: “Đến cái gạt tàn thuốc lá cũng có lá số tử vi”. Ông cũng nhắc đến quan niệm “vạn vật hữu linh” và cho rằng có những vật tưởng chừng vô tri vô giác nhưng cũng có “hồn”. Khi con người gắn bó với một sự vật thì nó trở nên gần gũi và thậm chí có “cảm xúc” giống con người. Và có lẽ, quan niệm “cây là người ở một góc độ nào đó đã ăn vào tâm thức dân gian.

Liên quan đến giai thoại khi không để tang cho cây, cây sẽ theo người mà chết? GS.Trần Lâm Biền cho rằng: “Đó chỉ là sự ngẫu nhiên. Người ta thấy một cây trong vườn chết đi rồi bảo cây đó tiếc thương mà đi theo người chủ đã khuất của mình chỉ là một hình thức để người ta linh thiêng hóa câu chuyện, làm cho nó thêm ly kỳ, thêm có hồn mà thôi”.

Có hàm ý cây để tang chủ?

Lý giải về nguồn gốc của tục “chít khăn tang” cho cây,  GS.Trần Lâm Biền- nhà nghiên cứu văn hoá truyền thống cho biết: “Sở dĩ có tục để tang cho cây là bởi người Việt làm nông nghiệp nên gắn bó với đất đai, cây cối. Từ đó có tín ngưỡng thờ thần đất, thần cây... Việc để tang cho cây là một cách thể hiện mối giao hòa giữa con người và cây cối.

Người xưa quan niệm giữa hồn của cây và hồn của con người có mối liên hệ với nhau. Vậy nên không chỉ khi cây chết đi, người chủ của nó sẽ buồn mà ngược lại, khi người mất thì cây cũng buồn theo. Do đó, người ta sẽ quét vôi vào cây với hàm ý giúp nó để tang chủ. Tuy nhiên, thông thường người ta chỉ để tang cho những cây trồng được nhiều năm trong vườn nhà, vì chỉ khi ấy giữa hồn người  hồn cây mới có mối giao hòa nhất định”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo N.Giang - H.Mai (Đời dống & Pháp luật)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN