Giải mã “thông điệp ngầm” của ông Tập Cận Bình
Các chuyên gia phân tích nhận định về thông điệp ngầm mà Chủ tịch Tập Cận Bình muốn gửi tới các vị tiền bối.
Hôm 10.8, tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đăng tải một bài xã luận được các chuyên gia phân tích tình hình Trung Quốc cho là chứa đầy “hàm ý” mang tính cảnh báo của Chủ tịch Tập Cận Bình đối với các vị tiền bối, đặc biệt là cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân.
Trong bài xã luận này, Nhân dân Nhật báo đã hết lời chỉ trích “những lãnh đạo đã nghỉ hưu” tham quyền cố vị, chia bè kết phái trong đảng nhưng không nêu đích danh những người này.
Chủ tịch Tập Cận Bình (phải) và các vị tiền bối Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào
Một ngày sau, Nhân dân Nhật báo lại tiếp tục tung ra một “cú đòn” nữa khi cho đăng tải bài viết trên website dành cho người Trung Quốc ở hải ngoại kể về quá trình nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình và đối thủ của ông là Trần Vân cùng nhau lập nên hệ thống nghỉ hưu dành cho các lãnh đạo đảng.
Tờ South China Morning Post (SCMP) ở Hong Kong cho biết chính hệ thống này đã hình thành nên cái gọi là "Bát Bô lão" vẫn còn nắm giữ quyền lực ngay cả khi họ đã nghỉ hưu trong thập niên 1980 và 1990.
Điều đáng chú ý là cả hai bài báo trên được tung ra trong bối cảnh các lãnh đạo Trung Quốc hiện nay được cho là đang chuẩn bị nhóm họp tại khu nghỉ dưỡng Bắc Đới Hà để đưa ra những quyết sách quốc gia quan trọng nhất.
Nhiều chuyên gia phân tích nhận định 2 bài báo trên là dấu hiệu cho thấy Chủ tịch Tập Cận Bình đang phát tín hiệu cảnh báo tới người tiền bối Giang Trạch Dân, người nghỉ hưu vào năm 2004, nên tránh xa chính trị.
Ông Bo Zhiyue, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Victoria ở Wellington (New Zealand) cho rằng thông điệp mà ông Tập muốn phát đi là rất rõ ràng. Vị giáo sư này nói: “Có thể thấy rõ rằng ông Tập đã sử dụng Nhân dân Nhật báo để phát đi thông điệp tới ông Giang để yêu cầu ông này không can thiệp vào chuyện chính trị nữa”.
Ông Warren Sun, giáo sư nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Monash (Úc) thì cho rằng những bài báo này là lời cảnh báo mới nhất tới các vị lão thành của đảng, chẳng hạn như ông Giang Trạch Dân và cựu Phó Chủ tịch Tăng Khánh Hồng rằng họ hãy chấm dứt việc tìm cách làm bất ổn chính quyền.
Giáo sư Sun nhận định: “Chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng đây là sự khởi đầu cho một nỗ lực tưởng chừng như không thể nhằm đạt được một ‘thông lệ mới’ chấm dứt kỷ nguyên ‘chính trị bô lão’, và điều quan trọng hơn là tạo ra một môi trường chính trị lành mạnh hơn ở mọi cấp”.
Ông Giang Trạch Dân được coi là cựu lãnh đạo có ảnh hưởng nhất hiện nay ở Trung Quốc
Theo ông Steve Tsang, Hiệu trưởng Trường Nghiên cứu Trung Quốc Đương đại thuộc Đại học Nottingham, ông Giang Trạch Dân mới là nhà lãnh đạo nghỉ hưu có tầm ảnh hưởng lớn nhất ở Trung Quốc hiện nay, chứ không phải là cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào hay cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ.
Ông Tsang nói: “Khó mà tránh khỏi nhận định rằng thông điệp trên là nhắm tới tất cả các cựu lãnh đạo hiện vẫn can thiệp vào chính trị, trong đó có ông Giang Trạch Dân. Thông điệp này không đề cập trực tiếp tới ông Giang Trạch Dân hay ông Hồ Cẩm Đào, người đã bàn giao lại mọi vị trí khi về hưu. Tuy nhiên, ông Giang Trạch Dân đang làm ngược lại những gì mà ông Hồ Cẩm Đào và Chu Dung Cơ thực hiện”.
Chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ, diệt ruồi” do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động đã khiến nhiều quan chức cấp cao sa lưới, trong đó có những thân tín của ông Giang Trạch Dân như cựu trùm an ninh Chu Vĩnh Khang, thượng tướng Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng, hai cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương đầy quyền lực một thời.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cũng nhận định rằng điều đó không có nghĩa là ông Tập sẽ “chĩa mũi dùi” và tiền bối Giang Trạch Dân trong thời gian trước mắt.
Ông Tsang nhận định: “Không nên cho rằng ông Tập Cận Bình sẽ sớm thanh trừng ông Giang Trạch Dân. Thông điệp này giống như một mũi tên bắn ra để cảnh báo với ông Giang và tay chân ông ta rằng Chủ tịch Tập Cận Bình đã vạch ra một ranh giới đối với họ”.