Giải mã sóng thần bí ẩn ở biển Đông

Các nhà khoa học hôm 22-10 cảnh báo về vùng sóng thần tiềm năng ở bờ biển phía Tây Nam Đài Loan sau khi làm sáng tỏ một cơn sóng thần bí ẩn xảy ra ở khu vực này trong thế kỷ 18.

Cơn sóng thần xảy ra giữa năm 1781 và 1782, có sức tàn phá khủng khiếp nhất trong lịch sử ở biển Đông khi giết chết hơn 40.000 người.

Theo các nhà khoa học đến từ Tổ chức Quan sát Trái đất của Trường ĐH Công nghệ Nanyang (EOS – Singapore), nguyên nhân gây ra sóng thần là do lở đất bên dưới bề mặt đại dương. Khu vực bị lở nằm ở phần trên của sườn dốc lục địa ngoài khơi bờ biển Tây Nam Đài Loan, nhiều khả năng do động đất gây nên.

Phó giáo sư Adam Switzer của EOS, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cơn sóng thần từ thế kỷ 18, cảnh báo một cơn sóng thần tương tự xảy ra thời gian tới trong cùng khu vực sẽ gây nguy hiểm cho hàng triệu người ở các thành phố ven biển Đài Loan như Cao Hùng và Đài Nam, đồng thời làm hư hỏng cơ sở hạ tầng ở phía Nam Đài Loan.

Hai thành phố này có tổng dân số 4,5 triệu người và là nơi đặt nhà máy điện hạt nhân Maanshan nằm trên bờ biển. Dự đoán mới nhất gây lo ngại cho các nhà hoạt động ủng hộ dỡ bỏ nhà máy điện hạt nhân do hòn đảo thường xuyên chịu nhiều trận động đất.

Giải mã sóng thần bí ẩn ở biển Đông - 1

Phó giáo sư Adam Switzer. Ảnh: Straits Times

Bản nghiên cứu của EOS lần đầu tiên được công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters (do Hiệp hội Địa lý Mỹ xuất bản) hồi đầu tháng này. Giải thích về mặt địa lý, tình trạng sạt lở đất dưới nước xảy ra khi trầm tích tích tụ trên một sườn dốc dưới đáy đại dương. Nếu xảy ra động đất, lớp trầm tích sẽ bị sụp xuống tạo thành một khoảng trống lớn để nước biển tràn vào, gây ra sóng thần.

Phó Giáo sư Switzer cho biết một trận động đất khoảng 7 độ Richter đã đủ khả năng tạo nên một trận sóng thần kiểu như vậy. Thế kỷ trước, phía Tây Nam Đài Loan đã trải qua 3 trận động đất có cường độ trên dưới 7 độ Richter.

Gần đây nhất, trong năm 2006, một trận động đất 7,1 độ Richter ngoài khơi bờ biển phía Nam Đài Loan gây ra một vụ lở đất dưới nước, có thể là nguyên nhân khiến cáp tàu ngầm bị hư hại và dịch vụ Internet cùng viễn thông ở Đông Nam Á gián đoạn. Trận động đất này cũng gây ra một cơn sóng thần, nhưng chỉ tạo ra những con sóng có chiều cao tối đa 40 cm.

Các nhà khoa học nói rằng rất khó để dự đoán sóng thần “ngầm”. “Chắc chắn nó sẽ lặp lại một lần nữa, có thể là ngày mai hoặc 100 năm sau cũng không chừng” - ông Switzer nhận định.

Hiện tại, Đài Loan đang có những biện pháp bảo vệ an toàn cho nhà máy Maanshan bằng cách xây những tòa tháp làm mát khẩn cấp và tăng chiều cao các bức tường chắn biển bao xung quanh nhà máy. Hồi tháng trước, Đài Loan thử nghiệm hệ thống báo động sóng thần để công chúng làm quen.

Tuy nhiên, ông Switzer cho rằng nếu bắt được một tín hiệu nhẹ, chính quyền Đài Loan cũng phải lập tức cảnh báo để người dân khu vực Tây Nam đi trú ẩn, vì một cơn sóng thần chỉ mất 30 phút để ập vào bờ biển.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo P.Nghĩa ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN