Giải mã 'quái thú 2 đầu' với nhiều nghi vấn ở vùng biển Cà Mau
Ngày 2/8, phóng viên báo Tiền Phong tiếp nhận được báo cáo của Bảo tàng Cà Mau về tượng “quái thú 2 đầu” đang lưu giữ tại Đồn biên phòng Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân, Cà Mau). Tượng là con vật có hai đầu. Một đầu ngẩng cao. Đầu còn lại thấp hơn. Các đầu tượng “quái thú 2 đầu” giống đầu kỳ lân, có 2 sừng. Những người am hiểu tượng linh vật xác định tạm là Tỳ Hưu.
Phần đầu tượng "quái thú 2 đầu"
Chất liệu tượng “quái thú 2 đầu” bằng kim loại có màu giống màu đồng thau, cân nặng 25,2 kg. Trên lưng tượng “quái thú 2 đầu” có khắc nổi chữ Hán cách điệu, tạm dịch là trấn trạch chi bảo. “trấn trạch” tạm hiểu là một loại bùa về phong thủy. Ở vị trí lưng tượng “quái thú 2 đầu” có trang trí chữ “Vương” cách điệu.
Sừng của tượng “quái thú 2 đầu” có khắc trang trí chữ “Công”. Xung quanh thân tượng “quái thú 2 đầu” trang trí các chủ đề “Lưỡng long chầu Nhật”. Đặc biệt, các vết nối khi đổ khuôn tạo hình của tượng “quái thú 2 đầu” có các vết nối với thân tượng tại cổ, bốn chân cần phải làm rõ.
Phần đầu, chụp từ trước mặt tượng "quái thú 2 đầu"
Nhưng tượng “quái thú 2 đầu” không ghi niên đại hay nơi sản xuất. Tuy nhiên, những nét tượng “quái thú 2 đầu” tương đồng với linh vật Tỳ Hưu như: Đầu kỳ lân, thân gấu, vẩy rồng nhưng lại không có cánh và cách trang trí sừng và thân của tượng thuộc trường phái khác lạ.
Hiện tại, phía dưới thân tượng là phần bụng tượng “quái thú 2 đầu” có một lỗ với kích thước 4x 4cm, cho thấy bên trong rỗng, có dấu cưa. Những thay đổi về chi tiết này cũng là mâu thuẫn nảy sinh của 2 gia đình thanh niên ở xã Đất Mũi (Ngọc Hiển, Cà Mau) nghi ngờ là một trong 2 gia đình đã mang tượng “quái thú 2 đầu” tìm người bán và đã lấy lượng tiền cổ có giá trị.
Ông Dương Thanh Dĩnh, Giám đốc Bảo tàng Cà Mau đề xuất Sở VH- TT- DL tỉnh Cà Mau thành lập Hội đồng giám định, mời chuyên gia Khảo cổ học tham gia giám định. Đồng thời, Sở VH- TT- DL tỉnh Cà Mau phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau để xác định nguồn gốc, vị trí nhặt tượng “quái thú 2 đầu” vì tượng được phát hiện nằm trong vùng biển quản lý của Biên phòng.
Như báo Tiền Phong đã thông tin, ngày 14/7, hai thanh niên nhặt được tượng “quái thú 2 đầu” trên bãi bồi, vùng biển, cách đất liền khoảng 500 m, tại cửa Vàm Xoáy, xã Đất Mũi (Ngọc Hiển, Cà Mau).
Tượng "quái thú 2 đầu' khi mới nhặt được từ bãi biển Cà Mau
Trước đó, một nguồn tin cho hay, vào tháng 12/2018, có 4 người đàn ông, đi trên chiếc xe ô- tô, mang biển kiểm soát TP HCM, nói giọng Miền Trung hoặc Miền Bắc, thuê ca- nô chạy ra biển, cách đất liền khoảng 5-7 km, thả những thùng carton xuống biển, vào thời điểm đó khoảng 11- 12 giờ trưa.
Thiếu tá Huỳnh Văn Bảo, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Đất Mũi (Ngọc Hiển, Cà Mau) xác nhận vụ 2 gia đình tranh chấp tượng vớt trên bãi biển và khẳng định “không phải là cổ vật quí hiếm, giá trị thấp” có thể căn cứ vào lời trình bày của tài công lái ca-nô.
Tượng "quái thú 2 đầu" được rửa sạch sau những ngày cất giữ
Thế nhưng hàng loạt câu hỏi chưa có câu trả lời là 4 người đàn ông thả những thùng carton xuống biển làm gì? Trong những thùng carton có chứa tượng “quái thú 2 đầu” không? Nhằm mục đích gì? Nếu là tượng “quái thú 2 đầu” nặng hơn 50 kg bằng kim loại thì làm sao trôi dạt 5-7 km vào trên vùng bãi bồi về đất liền?...
Người dân tự khảo sát, kiểm định phát hiện tượng quái thú hai đầu nhặt được ở Cà Mau là tượng mạ đồng.