Giải mã lời đồn thổi về ngôi đền báo oán

Được "phát tích" từ ngôi đền thờ lăng mộ Quan công Lê Thỳ Hiến của họ Lê Văn ở thôn Phú Hào (xã Thọ Phú, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) sau đó những chuyện ly kỳ vẫn được bà con nơi đây truyền tai nhau và bị ám ảnh tới tận bây giờ.

Giải mã lời đồn thổi về ngôi đền báo oán - 1

Ông Truyền chỉ vị trí đền bị phá để xây lò nung vôi. Ảnh H.G.

Cả làng náo loạn vì hài nhi dị dạng

Gặp chúng tôi trong một buổi chiều mùa đông, khí trời lạnh lẽo, khi những cơn mưa phùn đang đổ xuống. Trong câu chuyện dài về giòng họ của mình, ông Lê Văn Truyền kể về những câu chuyện ly kỳ huyền bí của ngôi đền khiến người mới nghe sẽ nghĩ rằng đây là những mẫu chuyện được "tam sao thất bản" từ một dị bản cổ tích, hay một truyền thuyết ly kỳ nào đó.

Những câu chuyện mang "vẻ liêu trai chí dị" vào cuối những năm 60 của thế kỷ này. Khi đó, gia đình ông Lê Văn Lức (cháu đích tôn của dòng họ) vốn là trưởng họ tộc, nên được giao trọng trách bảo vệ và giữ gìn ngôi đền để họ nhà được lộc. Nhưng vì lúc đó hoàn cảnh gia đình túng quẫn, mà ông đã quyết định "thanh lý" nhà thờ tổ của giòng họ, sau đó thuê thợ về xây lò nung vôi.

Theo nhiều người dân địa phương thì khu đền lúc đó cây cối rậm rạp um tùm bị đốn hạ, và ngôi nhà thì bị phá làm gỗ nấu vôi, đá trong đền thì được lấy làm nguyên liệu... Nhưng lạ lùng thay là sau khi xây xong lò nung vôi, ông thợ (vì đã nhiều năm nên các cụ cũng không còn nhớ rõ) trên đường về nhà thì bị đột tử mà không rõ nguyên nhân, tiếp sau đó là những lò vôi nung ra đều bị sống sượng hoặc không mồi được lửa lò...

Ông Lê Văn Truyền (83 tuổi, người ở thôn Phú Hào) là em trai ông Lức, bây giờ đang tiếp quản bảo vệ và hương khói cho ngôi đền thờ, thay cho người anh cả đã mất cho biết: "Ông thợ này không phải là người địa phương mà là người ở tận huyện Thiệu Hóa được gia đình mời về xây lò nung vôi, sau khi xây xong và đốt mồi lửa đầu thì vào khoảng nửa chiều (do nhà ở xa nên xin về sớm) gì đó, ông này nghỉ để về nhà. Nhưng khi về đến gần nhà, khi đi qua cây cầu thì ông này bỗng nhiên đột tử một cách tức tưởi...". Nhắc đến đây, ông Truyền thở dài: "Cũng từ ngày đó cả giòng họ Lê Văn chúng tôi gặp nhiều chuyện không may, lâm cảnh lục đục trong mỗi gia đình, rồi thì nhiều người đang khỏe mạnh tự nhiên lăn ra chết, ốm đau bệnh tật liên miên chú ạ".

Vào khoảng năm 1974, cô con dâu thứ của nhà ông Lê Văn Lức hạ sinh ra một thai nam (là con thứ 2) bị dị dạng, có người quả quyết là em bé giống y hệt tượng ông Phổng trong ngôi đền, trên đầu có hai xoắn tóc, khuôn mặt đầy đặn cơ thể vuông vắn và nước da trắng ngần...

Thất kinh trước sự việc trên mà gia đình và bản thân người mẹ sinh đã bỏ mặc cho thai nhi, không cho bú mớm, cũng như không hề cắt rốn và chăm sóc mà cứ để cho thai nhi nằm trên mảnh vải giữa trung tâm y tế xã trong sự chứng kiến và lo lắng của người dân địa phương, lúc này nhiều người đã lăm lăm cuốc xẻng chực xông vào nhằm chôn sống đứa trẻ... Chỉ ít tiếng đồng hồ sau khi sinh hạ thai nhi đã tử vong.

Từ sau cái chết của đứa bé cùng với sự liên hệ về cái chết của ông thợ xây lò nung vôi, đã làm cả họ hàng hoang mang lo lắng. Các chi trong họ tộc Lê Văn trên địa bàn này càng lo hơn khi họ cứ gắn kết các sự việc không may xảy ra rồi sau đó nói với nhau, thậm chí là những việc rất đời thường như vợ chồng mâu thuẫn, anh chị em trong dòng tộc cãi cọ...

Giải mã lời đồn thổi về ngôi đền báo oán - 2

Ông Lê Văn Truyền đang kể lại nỗi kinh hoàng của dòng họ. Ảnh H.G.

Ông Lê Văn Truyền đã lật từng trang giấy ghi về những người có cái chết lạ của dòng họ mình rồi kể lại chi tiết của từng cái chết lạ trước sự chứng kiến của nhiều người địa phương có mặt tại đây. "Sau cái chết của đứa bé một thời gian thì cô con dâu nhà ông Lức mang thai cháu thứ 3 không hiểu vì lý do chi mà cả hai mẹ con đều bị chết, lúc đó là vào khoảng những năm 1976- 1977. Chỉ ít năm sau đó, anh Nhẫn (con trai duy nhất trong số 7 người con nhà ông Lức) cũng bị bệnh, được đưa lên bệnh viện tỉnh điều trị rồi qua đời", ông Truyền ngậm ngùi kể lại!".

Phần ông Lê Văn Lức (người đã thuê người về phá đền làm lò gạch nung vôi) sau những cái chết của gia đình người con trai duy nhất, chỉ ít năm sau, trong lúc đang đi chợ thì bị ngã, được người nhà đưa về nhà được vài ngày sau thì cũng qua đời.

Chỉ là chuyện trùng hợp

Mang những mẫu chuyện kỳ lạ trên của bà con thôn Phú Hào lên gặp ông Phạm Như Hoàn (chủ tịch UBND xã Thọ Phú), ông cho biết: Đền thờ Quận công Lê Thỳ Hiến đã được công nhận di tích cấp Quốc Gia năm 1994, ngày xưa ở đây rậm rạp và nhiều cây cối lắm, trong đền cũng có rất nhiều tượng được làm bằng đá mà người dân thường gọi là ông Phỗng. Tuy nhiên về sau thì các ông Phỗng bị trộm mất, chỉ còn lại có 2 pho tượng nhưng đã bị đánh gãy mất phần đầu... chúng tôi cũng nghe tin, ngày trước nhiều người trong họ Lê Văn có đập đá trong ngôi đền để nung vôi, nhưng vôi toàn bị sống sượng và thường thì không sử dụng được.

Ông Hoàn cũng cho biết thêm: "Việc vợ anh Nhẫn (con trai ông Lức) sinh ra người con bị dị dạng là có thật. Khi nghe tin vì đẻ ra người bị dị dạng phía chính quyền địa phương lúc đó đã đến yêu cầu gia đình và phía trạm cần chăm sóc và ủ ấm cho thai nhi, tuy nhiên không kịp. Còn về những cái chết như người dân nói ra cũng chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên thôi ! Vì những người chết đều mắc phải những căn bệnh như: tai biến mạch máu não, bệnh ung thư ác tính hay như ông em thứ 3 trong họ Lê Văn ở đây chết lúc 43 tuổi là do uống nhiều rượu mà lại đi phun thuốc sâu nên bị nhiễm độc...".

Sau những vụ sự cố xảy ra một cách trùng hợp của dòng họ Lê Văn, người dân ở đây cũng đã bàn tán về việc nhiều vị lãnh đạo, thậm chí là cấp cao là người địa phương bị dính vào vòng suy kiệt và lao lý. Nhưng trên thực tế thì họ đều có dính dáng đến các tội phạm hoặc những việc làm sai với đường lối chủ trương mà bị cách chức hoặc bệnh tật mà mất đi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Giáp (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN