Giải mã đám mây ngũ sắc trên bầu trời TP HCM
Đám mây ngũ sắc xuất hiện trên bầu trời TP HCM trong chiều 12-5 được đánh giá là đẹp và kích thước lớn trong suốt hàng chục năm qua
Chiều 12-5, bầu trời khu vực TP HCM xuất hiện mây ngũ sắc lúc khoảng 16 giờ. Người dân tại các quận Gò Vấp, Bình Thạnh, quận 5, quận 4 có thể quan sát được hiện tượng này.
Mây ngũ sắc xuất hiện trên bầu trời TP HCM. Ảnh: Kiến Quí
Qua quan sát, đám mây xuất hiện với nhiều màu sắc khác nhau. Hiện tượng này nhanh chóng thu hút sự chú ý của người dân. Đa số đều tỏ ra thích thú trước vẻ đẹp của những đám mây. Nhiều người còn cảm thấy thú vị khi đám mây xuất hiện ngay trong Ngày của mẹ.
Tại khu vực quận Gò Vấp, hiện tượng mây ngũ sắc kéo dài khoảng 20 phút. Ảnh: Kiến Quí
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thiên văn TP HCM, cho biết mây ngũ sắc không phải là hiện tượng hiếm gặp. Tuy nhiên, đám mây ngũ sắc xuất hiện trên bầu trời TP HCM chiều nay có màu sắc đẹp, kích thước lớn hơn rất nhiều so với những lần xuất hiện trước. Do đó mà người dân TP HCM dễ dàng quan sát được đám mây này.
Mây ngũ sắc quan sát tại khu vực quận 3. Ảnh: Quốc Thắng
"Với kinh nghiệm hàng chục năm quan sát các hiện tượng thiên văn, tôi đánh giá đám mấy ngũ sắc chiều nay là đám mây đẹp và rộng nhất trong số những đám mây ngũ sắc đã từng xuất hiện tại TP HCM" - anh Tuấn nói.
Đám mây ngũ sắc xuất hiện khá to. Ảnh: Lan Chi
Theo anh Tuấn, nguyên nhân chính hình thành nên những đám mây ngũ sắc là do 2 hiện tượng vật lý nhiễu xạ và giao thoa của ánh sáng xuyên qua các hạt nước trên đám mây. Thường sẽ xuất hiện ở bề mặt mỏng của đám mây - rìa của những đám mây to.
Hiện tượng này hay xuất hiện vào mùa mưa. Thời gian xuất hiện và kéo dài khoảng vài chục phút. Đầu tiên là hình thành, sau đó sẽ loang rộng ra và màu sẽ dần nhạt đi cho đến khi hoàn toàn kết thúc.
Đám mây ngũ sắc quan sát được từ khu vực quận 10. Ảnh: Bảo Quốc
Ảnh: Thanh Long
Một tảng đá có thể 'nở hoa' với rất nhiều màu sắc khác nhau ở Quảng Nam đang gây xôn xao cộng đồng mạng. Người cho rằng đá nở hoa báo hiệu hạn hán, có người lại cho rằng nó là 'lộc trời'...
Nguồn: [Link nguồn]