"Giải mã" đám mây hình đĩa bay trên núi Bà Đen

Sự kiện: Tin nóng

Đám mây "hình đĩa bay" trên núi Bà Đen xuất hiện rõ lúc 6h sáng 24/11.

Sáng sớm nay (ngày 24/11), một đám mây có hình thù lạ mắt đã xuất hiện trên núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh) khiến nhiều người thích thú chụp lại, chia sẻ trên mạng xã hội. Theo các hình ảnh, clip đang lan truyền, đám mây trắng xóa dạng hình nón hay chiếc đĩa bay bao quanh đỉnh núi tạo nên một khung cảnh kỳ vĩ, đẹp mắt.

Video thực tế đám mây trên núi Bà Đen sáng 24/11.

Đám mây "hình đĩa bay" có báo hiệu điều gì bất thường?

Trao đổi với PV về hiện tượng trên, ông Lê Đình Quyết - Phó Trưởng phòng dự báo (Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Nam Bộ) đánh giá, đây thực sự là hình ảnh độc lạ, hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên, theo ông, những ai sống ở gần núi này hoặc một số núi khác chắc hẳn đã đôi lần bắt gặp mây xuất hiện trên đỉnh núi, với những hình dạng độc đáo.

Nhìn ảnh đám mây sáng 24/11 trên núi Bà Đen, ông nhận định: Đặc điểm bức ảnh này là mây chỉ gọn phủ lên phần đỉnh và bầu trời lúc này đang quang mây.

Nhiều người ví von đám mây như đĩa bay hay UFO.

Nhiều người ví von đám mây như đĩa bay hay UFO.

Qua đó, ông cho rằng, rất có thể trước đó đám mây có bề rộng rộng hơn, hình dạng khác hơn. Càng về sau 6h sáng, Mặt trời chiếu sáng, năng lượng bức xạ Mặt trời tăng, nhiệt độ không khí bắt đầu tăng thì những đám mây ngoài rìa tan thành những mây khác rồi được đẩy ra xa hoặc lên tầng cao tạo thành mây tầng giữa. Dần dần, những biến đổi tự nhiên vô tình tạo thành hình dạng như chiếc nón đội lên đỉnh núi.

"Không khí có xu hướng chuyển động đi lên (dòng thăng) nhưng yếu, cũng tạo ra các phần tử hạt mây có hướng chuyển động đi lên. Nó tạo nên các lớp trong cùng khối mây trông như những chiếc nón xếp chồng lên nhau như hình, rồi tan dần khi nhiệt độ không khí tăng lên", ông Quyết nói.

Được biết, hiện giới khoa học đã phân loại ra 10 loại mây, 14 dạng mây, 9 tính mây, 6 dạng mây phụ và 3 mây phụ. Theo tính mây hay dạng mây, nhìn mây như một thấu kính như vậy thì có thể gọi là "mây thấu kính", còn trong định nghĩa quy chuẩn của ngành khí tượng thì không có định nghĩa này. Đám mây trên núi Bà Đen giống "mây phụ Pileus (pil)" theo tên gọi khoa học.

Phó Trưởng phòng dự báo (Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Nam Bộ) dự báo, chúng ta có thể sẽ còn gặp lại hiện tượng này - nhất là vào tháng 11, vì khoảng thời gian này có những ngày có nhiệt độ không khí thấp, có mưa, độ ẩm không khí cao. Nhưng về hình dạng thì ông cho rằng, khó lặp lại giống hệt như đám mây trên đỉnh núi Bà Đen sáng 24/11.

Về câu hỏi liệu đám mây hình thù kỳ lạ như vậy có báo hiệu cho điều gì sắp xảy ra trong tự nhiên hay không?, ông Lê Đình Quyết khẳng định: "Đây chỉ là hình dạng của một đám mây. Đó là sự xuất hiện theo điều kiện khí tượng bình thường, chỉ có hình thức đám mây trông đặc biệt mà thôi".

Điều kiện hình thành đám mây "hình đĩa bay" trên núi Bà Đen

Phân tích về nguyên lý hình thành đám mây này, ông Lê Đình Quyết cho biết, những đám mây tầng thấp (mây tích) có cấu trúc khối, lơ lửng với độ cao chân mây khoảng 700 - 1.000m. Do cầu trúc không bền vững, dưới tác động của gió và chuyển động bên trong khối mây nên nó luôn “động” và cấu trúc thay đổi tạo ra hình dạng đa dạng. Nhìn từ dưới lên có thể như bắp cải, hình đe hay các hình dạng khác tùy theo cách liên tưởng của người xem.

Ông cho biết thêm, những đám mây tầng thấp thường hình thành ở các ngọn núi. Chúng hình thành nhanh và tan cũng nhanh, nên mới có những tên gọi như đỉnh Phù Vân ở Yên Tử với ý nghĩa mây nổi lên nhanh rồi tan nhanh.

Riêng những núi đứng độc lập (xung quanh là địa hình thấp, bằng phẳng) ở độ cao từ 700 - 1.000m như núi Bà Đen càng dễ hình thành mây trên đỉnh núi. Tuy nhiên, đa phần những đám mây địa hình này không tồn tại lâu.

Từ chiều tối 23/11, mây đã sớm bao trùm cả đỉnh núi Bà Đen và vùng lân cận. Lúc đó, trên bầu trời cũng có rất nhiều mây.

Từ chiều tối 23/11, mây đã sớm bao trùm cả đỉnh núi Bà Đen và vùng lân cận. Lúc đó, trên bầu trời cũng có rất nhiều mây.

Đến khoảng 6h sáng 24/11, nhiều người nhìn thấy đám mây có hình dạng thú vị.

Đến khoảng 6h sáng 24/11, nhiều người nhìn thấy đám mây có hình dạng thú vị.

"Mây được hình thành trong điều kiện khí tượng nhiệt độ không khí thấp, độ ẩm không khí cao và có các hạt nhân ngưng kết (sol khí). Độ ẩm không khí càng cao, nhiệt độ không khí càng thấp, mật độ hạt nhân ngưng kết càng nhiều thì trạng thái khí quyền càng nhanh đạt tới bão hòa hơi nước, mây dễ hình thành", ông Quyết giải thích.

Theo ông, trong điều kiện bình thường ở khí quyển tầng thấp (tầng đối lưu), càng lên cao nhiệt độ càng giảm nên có sự chênh lệch nhiệt độ giữa chân núi với đỉnh núi - tức là trên đỉnh núi nhiệt độ thấp hơn.

Núi Bà Đen với độ cao 986m thì nhiệt độ tại đỉnh núi thấp hơn dưới chân núi khoảng 6 - 7 độ C. Nhiệt độ lúc 7h sáng 24/11 tại thành phố Tây Ninh là 24 độ C, độ ẩm không khí 94% thì trên đỉnh núi Bà Đen khoảng 17 độ C. Trong vài ngày qua, đêm qua và sáng sớm nay, nhiều nơi ở nam bộ có mưa, độ ẩm không khí cao 95 - 97% là điều kiện tốt để hình thành mây.

Xôn xao ”đám mây hình đĩa bay” trên núi Bà Đen

Một hiện tượng thiên nhiên kỳ thú đã xuất hiện trên đỉnh núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh) vào sáng 24/11.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN