"Giải mã" công năng của 2 cửa vòm trên Thượng thành Huế vừa phát hiện

Sự kiện: Tin ngắn

Căn cứ các tài liệu nghiên cứu, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế khẳng định 2 cửa vòm trên Thượng thành Huế là các vị trí được thiết kế để đặt các đại pháo.

Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế, ngày 3-7 cho biết qua nghiên cứu các nguồn tư liệu đã có kết quả khẳng định hai cửa vòm trên Thượng thành Huế là các cửa đặt đại pháo nằm ở Đông thành Thủy Quan.

Một trong 2 cửa vòm được thiết kế để đặt đại pháo phòng lộ

Một trong 2 cửa vòm được thiết kế để đặt đại pháo phòng lộ

Qua nghiên cứu sử liệu triều Nguyễn về các thông tin về chức năng phòng thủ, thì Đông thành Thủy Quan có 13 pháo môn ở phía trên (Ngự chế ngự hà bi ký), hoặc có các đại pháo xưởng môn (Đại Nam nhất thống chí). Trong Châu bản triều vua Tự Đức vào năm 1869 có đề cập một số vấn đề thú vị liên quan đến Đông thành Thủy Quan. Theo đó, Bản tấu này biên soạn vào ngày 12 tháng 8 năm Tự Đức thứ 22 (1869) (thuộc quyển Tự Đức 208, tờ số 53). Bản dịch tóm tắt của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1, cho thấy trong các nhiệm vụ được giao, quân lính Phụng Hộ sứ ở Đông thành Thủy Quan có chức năng bắn pháo hiệu để mở áp quan (cửa cống) khi có thuyền Ngự của vua đi qua.

Cùng đó, việc chậm trễ mở cửa cống của binh lính do "cửa cấm là nơi cơ nghiêm", phải bắt thuyền ngự đợi lâu bị trách phạt rất nghiêm, điều đó càng khẳng định vị thế trọng yếu của các đơn vị quân lính đóng binh bảo vệ khu vực Đông thành Thủy Quan.

Điều này trùng khớp với hai đại pháo môn mà linh mục Léopold Michel Cadière gọi tên là cửa Tả và cửa Hữu của Đông thành Thủy Quan, cùng 13 pháo môn (dạng lỗ tròn) trên lan can của cầu Lương Y (tức Đông thành Thủy Quan) tạo thành 15 pháo môn – lá chắn quân sự bảo vệ khu vực này, tạo nên một hệ thống phòng thủ khá chắc chắn cho một phần khu vực Đông Bắc Kinh thành Huế. Đây cũng là tầm nhìn phòng thủ quân sự quan trọng của triều Nguyễn khi xây dựng hệ thống phòng thủ ở Kinh sư.

Một cửa vòm thứ 2 được thiết kế để đặt đại pháo

Một cửa vòm thứ 2 được thiết kế để đặt đại pháo

Đến năm 1933, trong bài Kinh thành Huế, Địa danh học (BAVH, 1933), khi mô tả về các địa danh trên bản đồ Kinh thành Huế, linh mục Léopold Michel Cadière đã chỉ rõ chỉ số 121 trên bản đồ là: "121. – Portes de droite et de gauche du Đông-Thành Thủy-Quan (N0122). Aujourd’hui bouchées" (tạm dịch: 121. cửa Hữu và cửa Tả của Đông Thành Thủy Quan (số 122). Ngày nay đã bít lại).

Trên bản đồ này, cửa Tả và cửa Hữu của Đông thành Thủy Quan chính là 2 Pháo môn nói trên đã được Ardant du Picq khảo tả trong bài "Les Fortifications De La Citadelle De Hue" (Những đồn lũy của Kinh thành Huế) vào năm 1924.

Qua các dẫn liệu trên, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, khẳng định các cửa pháo ở Đông thành Thủy Quan gồm 15 chiếc, trong đó có 13 pháo môn hình tròn ở trên thành cống và 2 pháo môn ở hai bên mặt thành vừa được "phát lộ" mới đây.

Nguồn: [Link nguồn]

Cận cảnh 4 chiếc máy bay chiến đấu ”thần thánh” trong Kinh thành Huế

3 trong 4 chiếc máy bay quân sự ở Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế là do quân, dân ta thu được trong cuộc tổng tấn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Q.Nhật ([Tên nguồn])
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN