Giải cứu cá thể sơn dương quý hiếm dính bẫy trong rừng sâu
Trong quá trình tuần tra rừng, lực lượng chức năng phát hiện và giải cứu thành công cá thể sơn dương quý hiếm trước khi thả về tự nhiên.
Ngày 12/10, ông Nguyễn Thành Dũng – Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương (Nghệ An) cho biết, đơn vị vừa phát hiện và giải cứu một cá thể sơn dương quý hiếm dính bẫy rồi thả về tự nhiên.
Cá thể sơn dương đực dính bẫy dây của người dân
Trước đó, ngày 11/10, trạm quản lý bảo vệ rừng Tam Hợp thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương tổ chức tuần tra kiểm tra rừng theo kế hoạch tại khoảnh 10 thuộc tiểu khu 697. Khi đi qua khu vực bụi rậm, tổ tuần tra phát hiện một cá thể sơn dương đực, chân trái phía trước bị dính bẫy dây (loài bẫy thường được sử dụng để săn bắt động vật hoang dã).
Sau khi tháo bẫy, lực lượng nhận thấy con sơn dương đã bị trầy xước ở phần chân do dây bẫy siết chặt. Để đảm bảo con vật không bị nhiễm trùng, các thành viên trong đội đã nhanh chóng sử dụng cồn y tế để sát trùng vết thương. Việc sát trùng được thực hiện kỹ lưỡng nhằm giảm nguy cơ nhiễm khuẩn cho con vật trong môi trường rừng hoang dã. Sau đó, cá thể sơn dương được thả trở lại môi trường tự nhiên.
Lực lượng chức năng tiến hành giải cứu cá thể sơn dương để thả về tự nhiên
Được biết, sơn dương có tên khoa học Naemorhedus milneedwardsii hay còn gọi đơn giản là dê rừng. Sơn dương là loài động vật thuộc họ trâu bò, thuộc bộ ngón chẵn, phân bố đặc hữu ở vùng Đông Nam Á, chủ yếu là bán đảo Đông Dương, ở các quốc gia như Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan.
Sơn dương thuộc nhóm IB theo Nghị định 06 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Nguồn: [Link nguồn]
Sau khi bí mật đặt các bẫy ảnh trong rừng sâu, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt (huyện Quế Phong, Nghệ An) đã phát hiện nhiều loài động vật hoang dã,...