Giải cứu cá nhà táng "khủng" bị thương dạt vào biển Quy Nhơn
Sáng 22/2, tại khu vực biển Xuân Diệu, TP Quy Nhơn (Bình Định) xuất hiện một con cá lớn trên mình đầy thương tích dạt vào bờ .
Là một trong những người phát hiện cá đầu tiên, ông Phạm Văn Hạnh, nhà ở khu vực 2, phường Xuân Diệu kể, vào lúc 6h sáng, người dân đi tắm biển thấy một con cá lớn dài khoảng 2,5 m, nặng từ 2 đến 2,5 tạ đang bơi gần bờ. "Khoảng 1 giờ sau thì cá tấp vào bờ. Thấy cá bị thương xây xát rất nặng ở phần đầu và phần bụng, bà con đã cùng nhau hỗ trợ đưa cá ra vùng nước sâu, nhưng một lúc sau cá lại bơi vào bờ", ông Hạnh kể thêm.
Cá nhà táng bị xây sát nhiều khi dạt vào bờ.
Đội cứu hộ đang ổn định và chăm sóc sức khỏe cho cá.
Nhận được tin vào từ người dân, ngay lập tức Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP Quy Nhơn, lãnh đạo Chi cục Thủy sản và Phòng Kinh tế thành phố đã có mặt kịp thời để cứu hộ cá trở về biển.
Ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thủy sản Bình Định cho biết đây là cá nhà táng nhỏ Kogia breviceps thuộc họ cá voi. Do cá đang bị thương, vào bờ cá sẽ bị mất lượng dần oxy, bị đuối sức và chết. Loài này khi cơ thể mệt mỏi và bơi vào bờ, thì định hướng của nó lúc nào cũng vào bờ, vì vậy Chi cục đã liên hệ với ngư dân hỗ trợ thuyền cùng Đội cứu hộ của thành phố nhanh chóng đưa cá ra vùng biển sâu, càng xa, càng sâu càng tốt, tại vị trí Phao số 0 để cá phục hồi sức khỏe và định hướng bơi ra ngoài khơi trở lại.
Ngư dân Nguyễn Văn Mạo, thành viên Ban cung phụng lăng ông Nam Hải cho biết mọi năm gặp trường hợp cá Ông dạt vào bờ và chết thì ngư dân đem qua bên Hải Giang và Bãi Cơm Trần Hưng Đạo để táng; sau hai đến ba năm thì lấy cốt đem về lăng ông Nam Hải để thờ cúng. Hiện lăng Nam Hải trước tòa án thành phố có 140 cốt cá Ông.
Ngư dân hỗ trợ thuyền kéo phao cá ra khu vực nước sâu ở Phao số 0.
Ông Vũ Long, chuyên gia Trung tâm bảo tồn động vật và loài nguy cấp (CBES) cho biết thú biển là các động vật có vú sống và lấy 98% lượng thức ăn môi trường đại dương, bao gồm cá heo, cá voi, cá nược, cá cúi ( dugong)... Một khi chúng bị dạt vào bờ có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân bị va chạm hoặc bị mắc cạn và bãi đá rồi bị sóng đánh trầy xước hoặc bị bệnh do nuốt hoặc ăn phải rác thải nhựa...
"Khi gặp thú biển bị mắc cạn cần huy động sự trợ giúp, thành lập nhóm phản ứng nhanh, phân chia nhiệm vụ, theo dõi các tình trạng, ổn định chăm sóc và di chuyển, tìm nơi thả thích hợp để thả về tự nhiên. Lưu ý không để nước, cát rớt vào lỗ thở trên đỉnh đầu vì lỗ thở này dẫn thẳng với phổi; không đứng trước mặt con vật; không nắm vây bên và vây đuôi để kéo vì có thể làm gãy xương gây tàn phế", ông Long chia sẻ kinh nghiệm.
Thông tin từ UBND xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) chiều 13/2 cho biết, ngư dân địa phương này vừa tổ chức nghi lễ an táng cá voi dạt vào bãi biển Hòn Gầm.
Nguồn: [Link nguồn]