"Giá xăng trong nước không thể giảm ngay"
"Mức giá bán lẻ xăng dầu trong nước không phải có thể ngay lập tức tăng ngay hoặc giảm ngay được, mà còn phải phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố như thuế xuất khẩu hay tình trạng của quỹ bình ổn giá."
Đó là khẳng định của Bộ Công Thương đưa ra trong buổi họp báo thường kỳ chiều 30-9.
Theo ông Nguyễn Xuân Chiến - Vụ phó Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương, mức giá bán lẻ xăng dầu trong nước những ngày cuối tháng 9 có thấp hơn những ngày đầu tháng và thấp hơn giá quốc tế. "Tuy nhiên mức giá bán lẻ xăng dầu trong nước không phải có thể ngay lập tức tăng ngay hoặc giảm ngay được, mà còn phải phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố như thuế nhập khẩu, tình trạng của quỹ bình ổn giá để đảm bảo hài hòa giữa lợi ích người tiêu dùng, doanh nghiệp và nhà nước." – Ông Chiến nói.
Cũng theo đại diện Vụ thị trường trong nước, trong dự thảo Nghị định mới về quản lý giá xăng, dầu của Bộ Công Thương chưa có quy định thời điểm cụ thể bắt buộc doanh nghiệp thay đổi giá sau khi Bộ công bố giá cơ sở mới. Cụ thể hiện nay, sau khi Bộ Công Thương công bố giá bình quân 30 ngày mới để tiến hành tăng, giảm giá xăng dầu trong nước, doanh nghiệp vẫn có thể trì hoãn thời điểm để giảm theo, hoặc tăng theo quy định. Ông Nguyễn Xuân Chiến cho biết, việc quy định thời điểm tính giá này sẽ được Bộ Công Thương xem xét, nghiên cứu, nếu thấy cần thiết sẽ được bổ sung vào nghị định mới để trình Chính phủ phê duyệt.
Ngoài ra, những điểm mới trong Nghị định thay thế Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu, ông Chiến cho biết thêm, ngày 18/9/2013, sau khi hoàn tất các thủ tục và có văn bản thẩm định của Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ để xem xét và phê duyệt nghị định này.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang (ngồi giữa) chủ trì họp báo thường kỳ tháng 9/2013.
“Dự thảo có 5 chương và 40 điều. So với dự thảo nghị định trước đó đã có những điểm mới nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Nghị định 84. Thay đổi quan trọng đầu tiên là việc tính giá cơ sở, giảm biên độ cho phép tự quyết giá của Doanh nghiệp là 5% so với Nghị định 84 đang là 7%.", ông Chiến cho hay.
Ngoài ra, dự thảo nghị định mới cũng phân định rõ trách nhiệm về quản lý chất lượng xăng dầu theo hệ thống từ Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đến các doanh nghiệp, đại lý cũng như cửa hàng xăng dầu nhằm đảm bảo chất lượng cũng như tính minh bạch, công khai trong điều hành xăng dầu, tạo tiền đề nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp.
“Dự thảo nghị định mới hoàn toàn không nặng mang tính “xin - cho”, vì việc điều hành giá xăng dầu hiện nay đang được thực hiện nhất quán từng bước theo cơ chế thị trường, mặc dù chưa thể ngay lập tức có một thị trường cạnh tranh hoàn chỉnh. Nhưng việc nhà nước đã không còn sử dụng ngân sách để bù lỗ cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã thể hiện định hướng rõ ràng tới một thị trường xăng dầu trong nước cạnh tranh và minh bạch.", Đại diện Bộ Công Thương khẳng định
Cũng trong buổi họp báo, Bộ công thương công bố kết quả hoạt động thương mại cả nước trong 9 tháng đầu năm. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng ước đạt 96,46 tỷ USD, tăng xấp xỉ 16% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước đạt 32,5 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, theo Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu bình quân trong 9 tháng đầu năm ước đạt 10,7 tỷ USD/tháng là mức cao nhất từ trước đến nay.
Đối với nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường châu Á vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất trong số các thị trường nhập khẩu. Trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm hơn 27,5% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước. Việt Nam vẫn nhập siêu chủ yếu với các nước trong khu vực châu Á.