Giá xăng giảm đúng kỳ họp QH: Có phải trùng hợp?

Sự kiện: Giá xăng

Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (ĐBQH Thái Bình) cho rằng, chúng ta có cái khác các nước là còn tính độc quyền trong chỉ đạo xăng dầu.

Sáng 12/10, trao đổi với Infonet bên lề Quốc hội về việc giá xăng giảm trùng hợp lần thứ 3 với các kỳ họp Quốc hội gần đây, ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (ĐBQH Thái Bình) cho rằng, chúng ta có cái khác các nước là còn tính độc quyền trong chỉ đạo xăng dầu.

Thưa ông, ngày 11/11, giá xăng đã giảm 250 đồng/lít, đây là lần thứ 3 liên tiếp giá xăng giảm đúng kỳ họp Quốc hội. Ông bình luận như thế nào về sự trùng hợp này?

Tôi thấy việc đó không dính với nhau nhiều. Vì tăng giảm giá xăng dầu còn phục thuộc vào thị trường, vào cung-cầu. Cung-cầu có xảy ra, cần phải tăng, cần phải giảm theo lộ trình và theo hướng mình đã phổ biến. Đến lúc nào đó, thấy cần giảm, hoặc cần tăng thì họ làm bình thường.

Có những kỳ Quốc hội không họp nhưng họ vẫn tăng, giảm. Vì điều hành phải có cái gì đó rất dài, rất công khai, minh bạch và rất thường xuyên. Chứ động tác này mà che giấu thì không có hiệu lực gì nhiều. Chúng ta phải xem tăng, giảm có vô lối gì không, nó có xa rời với thị trường cung-cầu không hoặc xa rời với tư tưởng chỉ đạo là bao nhiêu ngày?

Ông bình luận như thế nào về cách tính giá xăng dầu hiện nay?

Nó có một độ chênh, thường điều chỉnh sau diễn biến. Nhưng tôi có một nhận xét là vẫn chưa có cái khẩn trương, chưa sát với yêu cầu, kể cả thời điểm. Một vài chỗ, hoặc mức độ có khi cần tăng nhiều thì lại tăng ít. Có khi giảm nhiều, thì lại giảm ít. Có khi đáng nhẽ làm sớm hơn thì làm lại không kịp thời. Trong điều hành vừa qua cũng có những cái ấy nên gây ra hiệu ứng khiến người ta thấy không đồng tình và nghi ngờ khi nói với cách làm.  

Giá xăng giảm đúng kỳ họp QH: Có phải trùng hợp? - 1

Ông Cao Sỹ Kiêm là ĐBQH Thái Bình. (Ảnh: Xuân Hải)

Ông thấy giá xăng của Việt Nam đã sát với thị trường chưa?

Giá xăng thì chưa. Vì của chúng ta không phải là cung-cầu hoàn toàn. Nó còn có chính sách, còn có chiếu cố đến các đối tượng, hoặc những yêu cầu của từng thời kỳ mà chúng ta lại có cái rất không đúng như các nước là còn có tính độc quyền trong chỉ đạo xăng dầu. Cho nên, điều hành không phải là do cung-cầu. Hình thành thế nào thì chúng ta chấp nhận. Nhưng do độc quyền đã đành, lại còn do chính sách của chúng ta phải chiếu cố vùng này, vùng kia, chiếu cố lĩnh vực này, lĩnh vực kia. Có khi đúng, nhưng lại đảm bảo yếu tố chống lạm phát, không được tăng, giảm vào một lúc thì nhiều yếu tố chi phối.

Vậy làm thế nào để giá xăng sát với giá thị trường?

Theo tôi có hai vấn đề. Thứ nhất là tính độc quyền trong xăng dầu phải giảm và cho cạnh tranh bình thường. Thứ hai là cách tính để cho hợp với thông lệ quốc tế, thì phải sát dần. Hai cái đấy giải quyết được thì thị trường cũng bình thường, nhưng chúng ta chưa làm được.

Tôi cho rằng, xăng dầu chúng ta có yếu tố là chính sách. Mình cứ cộng dồn để nhiều thời kỳ, không điều chỉnh đến khi nó không thể chịu được nữa rồi mới điều chỉnh. Điều chỉnh đến lúc thấy hốt hoảng thì điều chỉnh dồn một lúc khiến sốc. Đáng lẽ phải làm ngay, thì mình lại để lùi một thời gian. Khi người dân nhìn thấy cách làm như vậy cảm thấy có cái gì không lành mạnh.

Không chỉ giá xăng mà Thủ tướng đã nhiều lần chỉ đạo giá bán than, điện phải sát với thị trường. Nhưng thực tế các cơ quan chức năng vẫn không thực hiện. Phải chăng nói không đi đôi với làm?

Tôi đã từng nói, khi mình nói xong mà không làm như thế là người ta nghi ngờ ngay. Còn không làm được thì phải giải thích, công khai, minh bạch. Nếu có lỗi thì phải nhận thì minh bạch hơn. Chứ nếu như người dân nhìn quan sát thấy giữa cái nói và làm khác đi, nói không tăng mà lại tăng ngay, hay nói không dồn dập mà dồn dập thật thì người dân có ý kiến. Khi không lý giải nổi thì người dân nghi ngờ là chắc chắn.

Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết phát triển kinh tế-xã hội năm 2014, trong đó có yêu cầu là giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục  phải sát với thị trường. Vậy theo ông, Quốc hội cần phải giám sát việc thực hiện như thế nào?

Giám sát là sau quá trình thực hiện nhưng phải làm thế nào cho những chính sách được cụ thể hóa, có địa chỉ, có mức độ, lộ trình.  Sau đó căn cứ vào đó để mà giám sát thì mới chắc ăn, và hiệu lực giám sát mới có. Chứ còn giải pháp chung của Quốc hội, và Chính phủ mang tính định hướng nhiều hơn, muốn ra cụ thể thì phải cụ thể hóa chính sách, lượng hóa ra. Ví dụ: Ai làm? Mức độ bao nhiêu? Làm phối hợp như thế nào?

Trên cơ sở đó Quốc hội, đại biểu Quốc hội, cử tri, doanh nghiệp mới giám sát được. Làm sai thì người ta có ý kiến ngay. Cái đấy mới là cái có khả năng thực thi cao. Vừa qua chúng ta có cái yếu là cụ thể hóa là thường thường chậm, không đồng bộ, hoặc ra rồi nhưng đôi khi chập chờn nên người ta không biết thế nào mà lần. Đấy là một cái yếu.

Chúng ta nói nhiều đến không để độc quyền nhưng chúng ta chưa xử lý được độc quyền, thưa ông?

Khi đã có độc quyền, công nhận độc quyền thì không thể xử lý được. Ví dụ trong xăng dầu chỉ để 2, 3 anh thôi. Mà 1 anh lại chơi tới 70-80% thì nó có quyền đặt ra giá của nó. Có quyền đặt ra chi phí rồi cộng lên mà ta không kiểm soát nổi. Chứ còn nếu có 5 anh thì tôi chọn anh thấp nhất, đẩy anh cao ra. Còn nếu giải quyết được mô hình cạnh tranh thì nó xóa được tất cả. Nếu mô hình tổ chức để một anh chiếm tới 80% thị phần thì nó cộng chi phí các thứ, không có anh đối chứng, không thể nào phát hiện được.

Xin cám ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Hải (Infonet.vn)
Giá xăng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN