Gia Lai: Mất tiền tỷ vì ký gửi cà phê
Trong những ngày qua, hàng chục nông dân ở huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai), vùng chuyên canh cà phê lớn nhất khu vực Bắc Tây Nguyên, đang đứng trước nỗi lo bị mất trắng hàng tỷ đồng từ việc ký gửi cà phê cho đại lý thu mua cà phê K.N ở tổ 7, thị trấn Ia Kha (huyện Ia Grai).
Nhiều người dân ký gửi cà phê ở đây đến tìm chủ cơ sở K.N để đòi lấy tiền cà phê đã ký gửi tại kho, nhưng bà T.T.K (chủ cơ sở thu mua cà phê) đã vắng mặt. Bà Trần Thị Liên, người dân ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha (huyện Ia Grai) cho hay: “Gia đình tôi ký gửi 6 tấn cà phê nhân cho đại lý K.N từ cuối năm 2013, để rồi bây giờ bị chiếm dụng 150 triệu đồng. Công sức làm việc cả năm rất vất vả, cực nhọc, giờ đánh đổi bằng những buổi chờ chực để đòi nợ”.
Theo tìm hiểu, đại lý K.N chuyên thu mua nông sản được khoảng 10 năm nay tại thị trấn la Kha (huyện Ia Grai). Những năm đầu, cơ sở còn làm ăn khá uy tín. Nhưng về sau, cụ thể là ở niên vụ 2012 – 2013, cơ sở này bắt đầu có dấu hiệu chiếm dụng vốn bằng hình thức vay tiền, nhận ký gửi cà phê của nông dân mà lại không trả cả vốn lẫn lãi.
Trao đổi với phóng viên, Thiếu tá Nguyễn Phi Hùng, Phó Trưởng Công an huyện Ia Grai cho biết, từ tháng 1/2014, bà T.T.K xin giấy tạm vắng mặt tại địa phương để đi TPHCM chữa bệnh và đến nay không thấy về lại. Tính đến ngày 21/5/2014, Công an huyện Ia Grai đã tiếp nhận đơn kêu cứu của nhiều người dân có quan hệ làm ăn, ký gửi cà phê với bà T.T.K, chủ cơ sở thu mua cà phê K.N với số tiền khoảng 2 tỷ đồng. Hiện cơ quan Công an đang tiến hành điều tra làm rõ theo quy định pháp luật.
Những người trồng cà phê ở thị trấn Ia Kha (Ia Grai, Gia Lai) vất vả “một nắng, hai sương”, để rồi giờ đây bị chiếm dụng vốn
Đây là vụ thứ 2 kể từ đầu năm 2014 đến nay, trên địa bàn huyện Ia Grai xảy ra vỡ nợ với tổng số tiền gần 20 tỷ đồng. Với thủ đoạn khá quen thuộc đó là lợi dụng sự tin tưởng, có phần dễ dãi của người dân và đánh vào tâm lý không thể bảo quản, trông coi nông sản sau khi thu hoạch, các cơ sở thu mua nông sản đã kêu gọi nông dân ký gởi cà phê, hồ tiêu và sẵn sàng giúp cắt giá, bán với giá cao ở bất kỳ thời điểm nào. Nhưng sau một thời gian, nhiều cơ sở đã không còn uy tín như trước và thậm chí có thái độ chối bỏ trách nhiệm trả nợ.
Tình trạng vỡ nợ kiểu này thường xảy ra ở khu vực Tây Nguyên, từ việc ký gửi cà phê tự phát của người dân ở các địa phương với các cá nhân. Trong khi đó Chính phủ đã có chủ trương giải quyết vốn mua tạm trữ cà phê để tránh tình trạng tư thương lừa đảo, ép giá nông dân. Tuy nhiên, hiệu quả và thực tế nguồn vốn đó đang chảy vào đâu vẫn còn là một bất cập hiện nay ở Tây Nguyên.