Gia đình 37 năm đổi nước lấy cơm
Với người dân phố cổ Hội An, hình ảnh một ông lão già nua, một bà cụ lưng khòm cùng anh con trai nửa tỉnh nửa điên với 3 đôi quang gánh ngày ngày dắt díu nhau hành nghề phu nước đổi cơm đã không còn lạ lẫm. Cái nghề mà cả gia đình họ đã bén duyên, rồi như một cái nghiệp gắn chặt suốt 37 năm qua.
Nhọc nhằn phu nước
Trong khí trời se se lạnh, cơn mưa chiều nặng hạt trút xối xả ngập lênh láng những cung đường dẫn vào phố Hội, chúng tôi lặn lội tìm đến địa chỉ của gia đình ông Nguyễn Đường và bà Nguyễn Thị Mỹ (tổ 8, phường Minh An, TP. Hội An, Quảng Nam). Căn nhà nhỏ thấp tệch, nằm lọt thỏm nơi cuối con hẻm quanh co khiến chúng tôi lòng vòng hàng giờ đồng hồ mới lần ra.
Khung cảnh vắng hoe bóng người, cửa nẻo mở toang hoang, đánh tiếng gọi mãi mới thấy từ đằng xa xa, một cụ ông chân tay lập cập gánh trên vai đôi thùng nước. Thấy có khách lạ, ông chậm rãi nâng hai thùng nước đong đầy vào lu nước đặt nơi xó bếp, đưa tay quệt vội những giọt mồ hôi nhễ nhại còn vương đầy nơi trán, cất tiếng chào: "Mấy chú thông cảm, từ sáng đến giờ tôi đi gánh nước bỏ cho nhà người ta giờ mới về. Mấy hôm nay trời trở lạnh nên cả 3 người cùng "xuất quân" gánh cho lẹ. Tôi gánh đôi nước về đong gạo thổi cơm trước, bà Mỹ và thằng Quốc đang chờ lấy tiền nước của người ta rồi về sau".
Vội vội vàng vàng thu dọn lại đống đồ chơi của anh con trai nửa tỉnh nửa điên bày biện tràn lan nơi nền nhà, ông mời chúng tôi ngồi bệt dưới nền nhà rồi say sưa kể về cái duyên, cái nghiệp đến với nghề gánh nước thuê mà cho đến nay ngót nghét đã hơn 37 năm.
Mặc dù năm nay đã bước sang tuổi 83 nhưng ông Đường vẫn tiếp tục hành nghề gánh nước thuê ở giếng cổ...
"Ngày trước giải phóng tôi theo nghiệp tổ tiên làm nghề đánh bắt cá trên sông, có khi trời quang mây tạnh thì vươn khơi ra biển. Sau đó gia đình tản cư vào Nam lập nghiệp, được một thời gian tôi lập gia đình rồi cùng vợ quay về Hội An, cất căn chòi nhỏ và định cư cho đến hôm nay", giọng nói run run, ông Đường hồi tưởng.
Vợ ông Đường - bà Nguyễn Thị Mỹ đã cùng ông suốt mấy chục năm bươn chải mưu sinh bằng nghề gánh nước thuê ở giếng cổ. Khi chúng tôi hỏi cái nghề "đổi nước lấy cơm" có đủ sống không? Ông Đường trầm ngâm, đưa mắt nhìn về nơi xa xăm rồi giọng của một bà lão từ ngoài ngõ dắt theo sau một người đàn ông có vẻ như người mắc bệnh tâm thần, thấy vậy chúng tôi cũng đoán được đó là bà Mỹ và anh Quốc - người vợ và đứa con trai bị tâm thần của ông Đường. Vừa lom khom đặt bó rau mang từ ngoài chợ về, bà vừa cất lời: "No đủ gì cái nghề thức khuya dậy sớm này hả cháu, có cái ăn cầm cự sống qua ngày họa may đã vui lắm rồi. Ngày trước người gánh nước ở giếng cổ đông lắm nhưng đổi lại khách hàng đặt mua nước cũng nhiều nên những người gánh nước mưu sinh như tụi tôi không đến nỗi đói kém. Tôi và ổng ngày gánh cũng hơn chục đôi nước, đủ trang trải cuộc sống, lo cho thằng Quốc chạy chữa thuốc men tứ xứ. Còn bây giờ nhà nào nhà nấy dùng giếng máy cả rồi, ít người mua nữa nên mỗi ngày bán chừng 2 - 3 đôi cho mấy khách quen lâu năm nấu Cao Lầu, Mỳ Quảng".
Nghe bà Mỹ ngán ngẩm về cái nghiệp của gia đình mình, chúng tôi mới thắc mắc hỏi: "Mỗi ngày gánh 2 - 3 đôi nước sao cả 3 người trong gia đình mình hết thẩy đều thức dậy sớm đi gánh chi cho khổ vậy hả ông bà?", nghe xong bà Mỹ chẹp miệng giải thích: "Quen rồi cháu à. Cứ hễ gà cất tiếng gáy là cả 3 người lụi hụi xách thùng ra giếng gánh nước. Dù có gánh 1 hay 2 đôi đi chăng nữa thì cả nhà sáng nào cũng ra giếng. Nói không ngoa nó như thể thành cái tục của gia đình này rồi".
Giếng cổ Bá Lễ là nơi ông đã hành nghề suốt 37 năm qua
Gánh đến khi nào không còn nước ở giếng cổ
Nghe ông Đường bà Mỹ kể lại thì trước đây giếng cổ ở Hội An rất nhiều, phân bố rải rác ở hầu khắp các phường, xã vì thế người làm nghề gánh nước thuê không khó để tìm "đất" mưu sinh. Tuy nhiên, giờ đây nước có thể dùng được, đảm bảo vệ sinh và giữ được vị ngon ngọt, trong mát vốn có của giếng cổ duy chỉ có giếng Bá Lễ. "Kì lạ là những món đặc sản của Quảng Nam, đặc biệt là Cao Lầu muốn nước lèo ngon thì chỉ có nấu bằng nước giếng cổ chứ dùng nước máy sẽ không ngon bằng. Cũng nhờ thế mà những người làm nghề này mới còn trụ nổi chứ không họ đã bỏ nghề từ lâu rồi", ông Đường cho biết.
Cũng vì người dân bây giờ đã chuyển sang dùng giếng máy nên mỗi ngày thu nhập từ nghề gánh nước của gia đình ông Đường theo đó cũng eo hẹp dần đi. Bữa nào khách hàng đặt nước nhiều phục vụ nấu tiệc thì đặt 5 - 7 đôi nước, còn không thường ngày cũng chỉ đôi ba gánh, mỗi đôi như thế ông cóp nhặt được 5 nghìn đồng. Tính ra thu nhập của cả gia đình trông nhờ vào cái nghề theo họ mấy chục năm qua cũng chỉ vài ba chục ngàn, tằn tiện lắm mới chật vật sống qua ngày nơi phố Hội ngày một phồn hoa này.
Dù giờ đây giếng cổ không còn được như xưa nhưng với gia đình ông Đường bà Mỹ thì cái nghiệp làm phu gánh nước thuê sẽ mãi theo họ đến hết cuộc đời. Và người dân phố Hội vẫn sẽ còn bắt gặp hình ảnh của một gia đình già ngày ngày gánh trên vai đôi quang gánh trải bộ trên khắp các nẻo đường trong phố cổ nối dài cuộc hành trình phu nước nhọc nhằn.