Giả danh nhà mạng, công an để lừa dân tiền tỷ
Gần đây, nhiều người dân ở Đà Nẵng bị một số đối tượng tự xưng là người của nhà mạng VNPT và Công an TPHCM… tìm cách dọa dẫm, “đổ tội” cho nạn nhân để chiếm đoạt tiền. Hiện đã có gần chục nạn nhân “sập bẫy” với số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Hù dọa qua điện thoại để lấy tiền dân
Trong căn nhà cấp 4 ẩm thấp ở đường Núi Thành (quận Hải Châu, Đà Nẵng), chị Võ Thị Như Nguyệt (SN 1984) mếu máo kể lại việc mình bị các đối tượng lừa lấy số tiền 50 triệu đồng bằng cách “hù dọa” qua điện thoại. Sự việc xảy ra lúc 14h15 ngày 5/11, trong lúc chị Nguyệt ở nhà thì nhận được cuộc điện thoại từ số điện thoại cố định cho biết nhà chị Nguyệt đang nợ tổng đài VNPT số tiền là 8,9 triệu đồng. Cũng từ số điện thoại này, người gọi thông báo rằng muốn nghe lại và kiểm tra thông tin thì bấm phím 0. Chị Nguyệt liền làm theo lời hướng dẫn và cũng nghe lại thông tin mình nợ số tiền của VNPT là 8,9 triệu đồng.
Chị Võ Thị Như Nguyệt kể lại quá trình mình bị lừa mất 50 triệu đồng. Ảnh: Đ.H
Chị Nguyệt kể: “Sau đó có một giọng nữ trong điện thoại nói là nếu có thắc mắc gì thì hỏi tổng đài 081080 và họ tự kết nối để tôi gặp nhân viên tổng đài 081080. Tôi hỏi vì sao lại nợ số tiền nhiều như vậy trong khi từ trước đến giờ tôi chưa từng nợ của VNPT, thì được giọng nữ trong điện thoại nói là vụ việc của tôi sẽ được chuyển qua cho Công an TPHCM. Và người phụ nữ này nói sẽ kết nối đường dây của Công an TPHCM để tôi trình báo rõ sự việc. Tiếp theo tôi được nói chuyện với một người đàn ông. Người đó nói là công an sẽ vào cuộc để tìm giúp tôi và yêu cầu tôi thành thật khai báo số tài khoản và số tiền mặt tôi đang giữ. Sau một lúc, anh ta nói tôi đang nợ trong ngân hàng V..., cũng mang họ và tên trùng khớp với giấy CMND của tôi tại Đà Nẵng. Cuối cuộc đàm thoại, người đàn ông xưng danh “công an” này yêu cầu tôi giữ bí mật không được tiết lộ bất cứ thông tin cuộc điện thoại giữa tôi và anh ta cho gia đình và người thân biết vì nếu tôi tiết lộ, người thân trong gia đình và tôi sẽ gặp nguy hiểm, tài sản của tôi sẽ bị đóng băng. Vì tin công an đang vào cuộc nên tôi nghe theo sự hướng dẫn của người đàn ông bên đầu dây điện thoại. Cuộc điện thoại kết thúc trước 16h cùng ngày”.
Đến sáng 6/11, người đàn ông nói trên lại tiếp tục điện thoại cho chị Nguyệt nói là sẽ gặp ông Phong, Trung tá Công an TPHCM vì ông ấy chuyên về lĩnh vực ngân hàng và đang theo dõi một số cán bộ ngân hàng có dính đến đường dây làm giả CMND trong đó có chị Nguyệt là nạn nhân. Đồng thời, người đàn ông đó yêu cầu chị Nguyệt nộp 20 triệu đồng vào số tài khoản 19028552599... của một ngân hàng ở Cầu Giấy (Hà Nội) đứng tên ông Mai Văn Cường. Chị Nguyệt vì lo lắng và cả tin nên đã mang nộp số tiền trên. Đến chiều cùng ngày, đối tượng yêu cầu chị Nguyệt nộp tiếp 30 triệu đồng với lý do “để thuận tiện trong việc điều tra”. Chị Nguyệt không nghi ngờ gì, lặng lẽ ra ngân hàng nộp tiếp tiền cho bọn chúng mà không biết mình đã bị lừa.
Cũng như chị Nguyệt, chiều 11/11, ông Nguyễn Thanh Tuấn (SN 1952, trú K408 Hoàng Diệu, quận Hải Châu, Đà Nẵng) nhận được điện thoại nói ông đang nợ 8 triệu đồng tiền cước điện thoại. Người gọi điện còn đổ oan cho ông Tuấn có tham gia vào một đường dây tội phạm do Nguyễn Quang Dũng cầm đầu (thực tế là không có - PV). Các đối tượng lừa đảo nói ông Tuấn nợ ngân hàng 280 triệu đồng vì liên quan đến vụ án, nếu muốn giải quyết việc yên ổn thì ông Tuấn phải chuyển 45 triệu đồng vào tài khoản 050042656... của một ngân hàng ở Đồng Nai. Chúng còn yêu cầu ông Tuấn phải giữ bí mật, không được tiết lộ, nếu tiết lộ thì các đối tượng “giang hồ” trong đường dây sẽ “xử” người thân trong gia đình ông Tuấn. Ông Tuấn lo sợ làm theo lời yêu cầu của bọn chúng, đi chuyển số tiền 45 triệu đồng mà không biết mình bị lừa.
“Đây là số tiền vợ chồng tôi tiết kiệm bao nhiêu năm nay để sau này dưỡng già, không ngờ bị chúng nó lừa hết rồi. Vợ tôi bỏ ăn mấy ngày nay vì tiếc tiền. Bây giờ vợ chồng tôi không biết làm sao. Mong cơ quan công an vào cuộc điều tra làm rõ, bắt bọn chúng…”, ông Tuấn nghẹn ngào nói.
Hàng chục nạn nhân mất hàng tỷ đồng
Theo thống kê sơ bộ của Công an quận Hải Châu, TP Đà Nẵng thì từ đầu năm đến nay, với chiêu thức như trên, các đối tượng này đã lừa đảo trót lọt gần 10 trường hợp, với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Đa số các nạn nhân đều nhẹ dạ, cả tin và hiểu biết pháp luật hạn chế nên khi nghe bọn chúng đe dọa thì làm theo mà không báo cho ai biết. Thượng tá Trần Phước Hương, Trưởng phòng tham mưu Công an TP Đà Nẵng cho biết, vụ việc đã được Công an quận Hải Châu chuyển đến Phòng Cảnh sát kinh tế (PC46), Công an TP Đà Nẵng để điều tra làm rõ.
Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, Thượng tá Nguyễn Mạnh Sơn, Phó trưởng phòng PC46 cho biết, sau Hà Nội và TPHCM, các đối tượng có hành vi lừa đảo bằng công nghệ cao đã lan ra các tỉnh, thành miền Trung. Đặc biệt, không chỉ là người Việt Nam mà còn có đối tượng quốc tịch Trung Quốc và Đài Loan hợp tác thành nhóm để chiếm đoạt của các nạn nhân hàng tỷ đồng.
“Có 3 hình thức lừa đảo thuộc dạng công nghệ cao được các đối tượng áp dụng. Thứ nhất, chúng lập trang web mua bán trực tuyến rồi dụ dỗ người nhẹ dạ vào nộp tiền mua sản phẩm, sau không đưa sản phẩm cho người mua mà bỏ trốn, đóng cửa trang web. Thứ hai là có một số trang mạng, website bán hàng tổ chức trúng thưởng xe máy, tặng quà... Nhưng muốn trúng thưởng thì người mua phải nộp phí. Sau khi nộp qua tài khoản ngân hàng thì chúng xóa trang. Thứ ba là các đối tượng giả danh nhân viên của VNPT, Công an, Viện kiểm sát... gọi điện đến nạn nhân hù dọa có dính dáng đến vụ án ma túy, thiếu nợ... để nạn nhân hoảng loạn rồi bọn chúng hướng dẫn nạn nhân gửi tiền vào tài khoản về điều tra xác minh như trường hợp của chị Nguyệt, ông Tuấn kể trên. Nếu không tỉnh táo, nạn nhân sẽ bị mất tiền một cách oan uổng”, Thượng tá Sơn cho biết.
“Người dân cần cảnh giác với loại tội phạm công nghệ cao này để khỏi mất tiền oan. Khi phát hiện các đối tượng này, cần thông báo cho lực lượng công an để phối hợp điều tra, bắt giữ”, Thượng tá Sơn khuyến cáo.
Công an không làm việc qua điện thoại “Quy chế làm việc của cơ quan công an là không làm việc qua điện thoại. Nếu muốn làm việc với người dân phải có giấy mời gửi đến địa phương để mời đối tượng lên làm việc. Ngoài ra việc thu giữ tài sản của cá nhân phải có quyết định của cơ quan có thẩm quyền, không có chuyện bắt người dân gởi vào tài khoản ngân hàng của một cá nhân nào”. Thượng tá Nguyễn Mạnh Sơn, Phó trưởng phòng PC46, Công an TP Đà Nẵng |