Gia cảnh khốn khó của gia đình toàn người lùn ở Hưng Yên
Dáng người quá lùn, nhỏ thó lại yếu ớt nên cả gia đình 3 người lùn không làm được việc gì nặng nhọc, cũng chẳng mấy ai thuê làm vì sợ không được việc.
Gia đình người lùn chị Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Thành Công và Nguyễn Văn Lâm (từ trái qua phải).
Đến thôn Nội Lễ (xã An Viên, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên) hỏi thăm nhà chị Bình thì ai cũng biết, bởi đó là gia đình người lùn “độc nhất vô nhị” ở địa phương.
Hiện tại, gia đình có 3 thành viên với chiều cao đều rất khiêm tốn. Chị Nguyễn Thị Bình (SN 1963) và con trai Nguyễn Thành Công (SN 2001) cao chưa đầy 0,8 mét. Anh Nguyễn Văn Lâm (SN 1986) – em trai cùng cha khác mẹ của chị Bình cao chừng hơn một mét.
Không làm được việc gì vì quá lùn
Đường vào nhà chị Bình quanh co, con ngõ nhỏ đến mức xe máy của tôi không đi vừa. Ngôi nhà ngói 3 gian tồi tàn, bên trong nhà chẳng có thứ gì đáng giá.
Ngồi trên chiếc ghế nhựa màu xanh, chân không chạm đất, chị Bình chia sẻ với chúng tôi về thân phận mình: “Các đời trước của chị, mọi người đều phát triển bình thường. Tuy nhiên, do bố chị ngày trước có tham gia kháng chiến chống Pháp và bị nhiễm chất độc màu da cam nên từ đời chị bị ảnh hưởng”.
Mái nhà thủng lỗ chỗ, nước mưa tràn vào nhà mỗi khi trời mưa khiến 3 mẹ con, chị em phải ngủ đất.
Lúc mới sinh ra, chị Bình cũng phát triển bình thường như những đứa trẻ khác. Nhưng càng về sau, khi các bạn cùng trang lứa cứ lớn lên còn chị Bình gần như không phát triển thì chị mới biết mình có bệnh.
Mẹ chị Bình mất sớm nên bố đi bước nữa. Cũng vì hoàn cảnh gia đình và thân hình quá nhỏ bé nên chị Bình không được đi học. Ngày còn trẻ, chị đi bế trẻ thuê, tiền công một ngày được trả một bơ gạo nhưng cũng không được lâu.
Từ khi có thêm Lâm, gia đình càng khó khăn hơn. Do ảnh hưởng từ người cha nên anh Lâm người cũng bé tí, không làm được việc gì. Năm 1994, khi cả bố và mẹ đều đã mất, cuộc sống của chị Bình – anh Lâm thêm phần thiếu thốn, cơ cực.
Gia đình có hơn 3 sào ruộng nhưng chị Bình cho biết: “Ruộng ở đây là đồng trũng, bùn lầy. Người lùn như chị em tôi lội xuống ruộng thì bùn ngập tận quá đầu gối, không thể làm được ruộng”.
Cuối năm 1994, do không có tiền, thiếu ăn triền miền nên 2 chị em Bình-Lâm phải đi ăn xin kiếm sống. “Hai chị em dắt nhau đi quanh làng, quanh xã và các huyện trong tỉnh Hưng Yên xin người ta. Ai cho gì thì ăn nấy để sống qua ngày”, anh Lâm chia sẻ.
Đến năm 2000, chị Bình có bầu, sau đó hạ sinh ra Nguyễn Thành Công. Sinh con xong, 2 chị em không đi ăn xin nữa mà trở về nhà. Từ đó đến nay, chị Bình đi nhặt vỏ chai, vỏ lọ bán đồng nát mỗi ngày được vài ngàn đồng. Anh Lâm thỉnh thoảng ai thuê đi cắt cỏ cho cá, dọn vườn thì đi làm còn không ở nhà.
Ước mơ đơn sơ của 3 người lùn
Do di truyền từ mẹ nên thân hình của Công cũng thấp bé. Hơn nữa, do gia đình hoàn cảnh nên em đi học muộn hơn các bạn cùng trang lứa. Năm nay lên 16 tuổi nhưng Công mới học lớp 8.
“Nhiều khi đi học các bạn trong lớp cũng trêu đùa, nói những điều không hay về gia đình nhưng em mặc kệ. Với hình dáng này, sẽ khó để em làm một công việc nặng nhọc vì thế em mong sau này sẽ tìm được công việc gì đó ở bàn giấy để làm”, Công chia sẻ về mơ ước của mình.
Nghe con nói, thương con, chị Bình cũng chỉ biết nuốt nước mắt vào trong. “Nhiều khi nghĩ mình làm khổ con vì đã sinh nó ra ở trên đời này nhưng số trời đã sắp đặt rồi thì đành chịu”, chị Bình ngậm ngùi.
Không chỉ mắc bệnh lùn, chị Bình còn thường xuyên đau ốm. Chiếc chân bên trái cũng hay đau buốt mỗi khi trở trời do còn đính 10 chiếc đinh vít trong xương sau một lần tai nạn.
Vết sẹo ở đùi trái của chị Bình vẫn đau buốt mỗi khi trở trời do còn 10 chiếc đinh vít bên trong.
Chị Bình kể: “Khoảng hơn 15 năm trước, con bị đi ngoài nên tôi bế con đi mua thuốc. Ra đến đầu ngõ thì bị một xe máy tông vào gãy đùi phải đi bệnh viện bó bột và nằm nhà gần 3 tháng không đi lại được. Cũng may là các bác sĩ thương hoàn cảnh gia đình nên không lấy tiền viện phí, thuốc men. Bây giờ, 10 cái đinh vẫn ở trong chân, đã quá hạn rút đinh nhưng vì không có tiền nên tôi cứ để mặc nó”.
Hiện gia đình chị Bình được chính quyền trợ cấp theo diện người tàn tật 380.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, số tiền đó là quá ít ỏi cho 3 miệng ăn, tiền học hành của Công và những lần đau ốm của chị Bình.
Khi được hỏi về ước mơ, chị nhìn ngay lên mái nhà: “Tôi chẳng dám ước mơ gì cao sang, chỉ ước có tiền để sửa lại cái mái nhà cho đỡ dột. Mấy hôm trước mưa dột xuống giường, 3 chị em, mẹ con phải nằm dưới đất ngủ và lấy thau hứng nước cả đêm”.
“Hạnh phúc thì tôi không dám mơ tưởng ở tuổi này nữa, chỉ mong có việc làm, có đủ cơm ăn, áo mặc và con cái được học hành tử tế”, chị Bình nói thêm.
Đối với anh Lâm, chàng trai mới ngoài 30 tuổi, lẽ ra đang ở cái tuổi sung nhất, đẹp nhất của đời trai thì anh lại chỉ biết suốt ngày quanh quẩn ở nhà vì không có ai thuê đi làm. Đường tình duyên cũng chưa một lần chớm nở.
“Nhiều lúc cũng muốn có người để yêu thương, chăm sóc nhưng nhìn mình thế này, gia đình lại chẳng có gì nên cũng không dám ngỏ lời yêu ai, tủi thân, sợ người ta chê cười và sợ làm khổ người khác”, anh Lâm bùi ngùi.
Có những đại gia sẵn sàng trả giá cao gấp đôi để được sở hữu cây gỗ thiêng này, thế nhưng vẫn bị ông Hùng từ...