“Ghi nhóm máu trên thẻ căn cước rất có lợi cho người dân”
“Khi tai nạn xảy ra trên các đường cao tốc, nếu công dân có thông tin về nhóm máu thì lúc đó sẽ xử lý ngay được trong tình huống cấp cứu tai nạn. Xác định nhóm máu ghi trên thẻ căn cước sẽ rất có lợi cho người dân”.
Bên lề kỳ họp sáng 9/6, ĐBQH Nguyễn Đức Chung – Giám đốc Công an TP Hà Nội chia sẻ với PV xoay quanh việc triển khai thực hiện Luật căn cước công dân đang được Quốc hội cho ý kiến.
Được biết, ban đầu ban soạn thảo có đưa thông tin về nhóm máu vào thẻ căn cước, nhưng sau đó nội dung này lại rút ra. Tuy nhiên cá nhân ông và nhiều ĐB khác cho rằng đưa thông tin nhóm máu vào rất cần thiết. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Khi tai nạn xảy ra trên các đường cao tốc, nếu công dân có thông tin về nhóm máu thì lúc đó sẽ xử lý ngay được trong tình huống cấp cứu tai nạn. Còn việc xác định nhóm máu lúc đó thì chịu, không thể làm trên ô tô được. Xác định nhóm máu, ghi trên thẻ căn cước sẽ rất có lợi cho người dân.
Vấn đề này ở các nước người ta đều vận dụng cả rồi. Ngay với các binh sĩ ra chiến trường, khi có vấn đề tai nạn, phải cấp cứu mà có nguồn máu chuẩn bị được ngay thì việc cung cấp thông tin về nhóm máu sẽ là chìa khóa cho hoạt động cấp cứu.
ĐBQH, Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao đổi với PV bên lề kỳ họp Quốc hội ngày 9/6. (Ảnh: Nguyễn Dũng)
Thế nhưng nhiều người dân hiện nay chưa biết nhóm máu của bản thân mình thế nào. Nếu áp dụng quy định này, từng người sẽ phải đi khám, làm xét nghiệm máu để phục vụ cho việc làm thẻ căn cước?
Khi làm thẻ căn cước, mình phải chi phí để xác định nhóm máu cho người dân chứ. Rất nhiều vấn đề trong cuộc sống cần phải làm ngay trong khi chúng ta đang xây dựng hệ thống cấp cứu 115, 105 như vậy. Khi có thông tin về nhóm máu sẽ rất có lợi cho việc xử lý tình huống tai nạn đối với chính mỗi người dân.
Bên Ủy ban Quốc phòng An ninh và Bộ Tư pháp có kiến nghị nên dừng việc cấp CMND mới và chỉ nên cấp mới cho những người đến tuổi. Phương án này theo ông có hợp lý?
Theo quy định, chỉ những người từ 14 tuổi trở lên mới cấp CMND. Còn việc đổi CMND từ 9 số sang 12 số, Chính phủ đã duyệt đề án.
Bản thân chúng tôi cũng đang kiến nghị dừng lại vì hiện đang có Luật căn cước công dân. Nhưng tôi cho rằng không nên dùng từ căn cước thay cho chứng minh.
Vì sao, thưa ông?
Bây giờ cần phải đánh giá xem có bao nhiêu loại giấy tờ, bảng mẫu hiện tại đang dùng trên căn cứ CMND. Giờ chỉ thay đổi lại tên gọi này thôi thì cả đất nước sẽ bị tác động nhiều lắm chứ không ít. Từ CMND đã được dùng quen thuộc với người Việt Nam từ năm 1954 đến nay. Vì vậy nên giữa nguyên tên gọi CMND thay vì đổi sang thành thẻ căn cước công dân.
Bộ Tư pháp cũng có đề nghị Bộ Công an nên tổng kết lại những ưu, nhược điểm của việc triển khai thí điểm cấp CMND 12 số. Sau một thời gian thực hiện thí điểm, ngành công an Hà Nội đã tiến hành tổng kết, đánh giá về việc này chưa, thưa ông?
Hiện đang làm, anh em tới đây sẽ tiến hành sơ kết.
Được biết kinh phí cho việc triển khai dự án triển khai làm Thẻ căn cước công dân chỉ khoảng 400 tỷ đồng. Tuy nhiên nhiều ĐB lại nói việc thực hiện sẽ rất tốn kém. Riêng như triển khai đề án 896 Hà Nội triển khai đã mất khoảng 3.500 tỷ đồng. Vậy thực hư con số này như thế nào thưa ông?
Tôi chỉ biết tới đây khi nhập xong dữ liệu về 10 triệu dân của Hà Nội thì mất hơn 10 tỷ đồng. Còn 3.500 tỷ đồng là để viết phần mềm cho người nhập thông tin, in biểu mẫu để đi kê khai, thuê người nhập, mua máy chủ, thiết lập đường truyền… Nhưng Hà Nội thuê server, đường truyền của Viettel nên rẻ hơn, hiệu quả kinh tế hơn nhiều.
Những vấn đề mà Công an Hà Nội đã đầu tư, nghiên cứu trước đây có được tận dụng và sử dụng khi triển khai làm Thẻ căn cước trong thời gian tới không thưa ông? Các đề án đang triển khai có khớp nối được với đề án làm Thẻ căn cước sau này không?
Hà Nội kế thừa được dữ liệu của khoản 800.000 người đã nhập. Tất cả hệ thống cấp hộ chiếu, CMND 12 số cũng như đăng ký xe... đều được khớp nối với nhau. Việc nối mạng chưa kết nối nhưng vẫn tích hợp được với nhau.
Xin cảm ơn ông!