Thử tàu Cát Linh-Hà Đông: An toàn, dân kêu không bị làm phiền

Sự kiện: Tin nóng

Hầu hết các thông số đều khá chính xác, các tàu cập ga cách nhau đúng 10 phút như kế hoạch vận hành.

Thử tàu Cát Linh-Hà Đông: An toàn, dân kêu không bị làm phiền - 1

Bên trong tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Trực tiếp đi trên nhiều chuyến tàu của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) trong những ngày đầu vận hành thử (từ ngày 20/9), PV Báo Giao thông được các kỹ sư của Ban QLDA Đường sắt cho xem cụ thể biểu đồ thời gian chạy tàu để kiểm chứng có ăn khớp với thực tế hay không, đoàn tàu có ảnh hưởng tới đời sống người dân hai bên tuyến như thế nào?

Người dân sống cạnh đường tàu nói gì?

Quan sát cho thấy, phần lớn tuyến đường sắt trên cao nằm giữa các tuyến phố nên cách nhà dân, trụ sở các đơn vị hai bên đường hàng chục mét. Thế nhưng tại vị trí khúc cong qua phố Giáp Nhất (quận Thanh Xuân), với khoảng 30 ngôi nhà cao tầng, có nhà chỉ cách đường sắt 3-4m. Trao đổi với PV, bà Lê Thị Tuyết, ngõ 5 phố Giáp Nhất cho biết, các đoàn tàu chạy qua rất nhanh, chỉ vài giây là lướt qua và khá êm so với tiếng động của đường sắt thông thường.

“Mỗi khi tàu đi qua chỉ nghe tiếng rì rì, xẹt xẹt nhỏ và loáng cái tàu đã đi qua là hết, nhà không bị rung lắc. Tàu chạy không gây tiếng động bằng ô tô, còi xe vọng lên. Không biết sau thế nào, giờ không ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của bà con”, bà Tuyết nói.

Hàng xóm của bà Tuyết cũng cho biết, các đoàn tàu không gây xáo trộn cuộc sống của người dân và còn có cảm giác khu phố văn minh, hiện đại hơn.

Ông Vũ Hồng Phương, Phó giám đốc phụ trách Ban QLDA Đường sắt cho biết, hệ thống công nghệ của dự án gồm 12 chuyên ngành thiết bị và đoàn tàu (thông tin, tín hiệu, điện năng, thu soát vé tự động, thang máy, điều hòa, cảnh báo cháy tự động…) và đã tập kết tại dự án 96%, hoàn thành lắp đặt 88%.

“Kinh nghiệm của thế giới là vận hành thử 3-6 tháng. Kế hoạch vận hành thử thực hiện từ đơn giản đến phức tạp, nhằm căn chỉnh, khớp nối đồng bộ toàn hệ thống. Sau hơn một tuần triển khai kế hoạch không có vấn đề gì gây ảnh hưởng đến công tác vận hành thử”, ông Phương cho biết.

Theo ông Nguyễn Ân, chuyên gia về kỹ thuật đường sắt, quá trình chạy thử của tàu đường sắt đô thị phải đảm bảo theo kilomet lăn bánh chạy thử để phục vụ đánh giá hệ thống. Các tàu sẽ được chạy thử ở chế độ có tải trọng, sức chở cho phép và thử tính năng hãm khẩn cấp của đoàn tàu. Khi hệ thống vận hành thử ở biểu đồ giãn cách 2 phút/ chuyến tàu sẽ thể hiện sự “kịch tính” nhất của hệ thống, chứng minh tính năng và độ tin cậy của hệ thống.

Hầu hết thông số khớp nối đều đảm bảo

Ghi nhận của PV, hầu hết các thông số đều khá chính xác. Cụ thể, các tàu cập ga cách nhau đúng 10 phút như kế hoạch vận hành. Trong 2 giờ vận hành, có 4 lần các đôi tàu ngược chiều gặp nhau tại đoạn qua ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi theo đúng biểu đồ. Bên trong các tàu đang chạy, hệ thống điện chiếu sáng, điều hòa, cửa ra vào hoạt động ổn định, đèn chỉ dẫn vị trí ga và hướng di chuyển đúng thực tế. Các đoàn tàu di chuyển khá êm cả trên đoạn đường thẳng và vào khúc cua, có người đặt thử chai nước lên thành cửa sổ đoàn tàu nhưng không bị đổ. Ngồi trong tàu cũng không nghe thấy tiếng ồn từ bên ngoài. Tuy nhiên, mỗi khi tàu dừng tại nhà ga, phương tiện có sự giật mạnh, nhẹ khác nhau.

Theo kỹ sư Ban QLDA đường sắt, đầu tiên hệ thống được vận hành thử với thời gian giãn cách 10 phút/chuyến, di chuyển ở các vận tốc trung bình 30-35km/h nhưng có đoạn tăng lên 65km/h. Trong thời gian đầu, chế độ lái tàu là thủ công, bán tự động nên tàu phanh dừng, tăng tốc “mượt” hay không phụ thuộc nhiều vào thao tác của lái tàu.

“Sau khi hoàn thành giai đoạn chạy thử bán tự động, sẽ được vận hành thử ở chế độ lái tàu tự động. Hệ thống vận hành, điều khiển đoàn tàu sẽ dựa trên biểu đồ được máy tính xây dựng sẵn để tự động giảm tốc trước khi tàu vào ga và tự động dừng lại. Ở chế độ này khi dừng, đỗ, khởi hành không bị giật”, một kỹ sư chia sẻ và cho biết, về thời gian, quá trình vận hành thử sẽ tăng dần số đoàn tàu lên, để các tàu cách nhau 5-6 phút, rồi 2-3 phút/chuyến theo đúng thiết kế.

Còn tại các nhà ga, quan sát của PV, các thang máy cuốn tự động nhận tín hiệu và chạy khi có người chuẩn bị lên thang; trên màn hình điện tử thể hiện các thông tin về thời gian, tên ga (bằng song ngữ Việt - Anh) và loa phát thanh tự động, nhắc hành khách cẩn thận, chú ý; hệ thống điện chiếu sáng đầy đủ.

Hệ thống máy bán vé tự động, máy soát vé đang được lắp đặt và dự kiến được vận hành thử trong thời gian cuối. Tại depot, hệ thống điều hành chạy tàu trung tâm được kích hoạt để phục vụ toàn bộ hệ thống điều hành chạy tàu, theo dõi hoạt động các tàu trên chính tuyến.

Chạy thử tàu kết hợp kiểm tra trình độ người vận hành

Theo Ban QLDA Đường sắt, hiện có 370 người của tổng thầu tham gia vận hành thử hệ thống. Sau khi hệ thống thiết bị hoạt động ổn định mới đưa đội ngũ nhân sự vào kết hợp đào tạo và vận hành thử để tiếp nhận chuyển giao công nghệ, quy trình vận hành dự án ở tất cả các khâu, từ điều hành, lái tàu đến sửa chữa, bảo dưỡng, bán vé...

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13,1km, đi trên cao và có 12 nhà ga, được thiết kế với sức chở trung bình 960 hành khách/đoàn tàu, trung bình 5-6 phút/chuyến, mở cửa từ 5-23h hàng ngày. Dự kiến sẽ đi vào hoạt động trước Tết Nguyên đán 2019. Giá vé có sự trợ giá của Nhà nước, với mức đề xuất cao hơn vé xe buýt khoảng hơn 40%.

Ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Metro Hà Nội cho biết, dự án thiết kế bộ máy gồm 681 người khai thác vận hành dự án, trong đó 561 người phải qua đào tạo chuyên môn và 30 người không cần đào tạo (các nghề phổ thông như kế toán, lái xe công trình).

“Trong số 561 người cần đào tạo, có 201 người đã được đào tạo thực hành tại Trung Quốc. Đây là số lượng tương ứng với 1 ca làm việc, còn lại số người tương ứng với 2 ca sẽ được đào tạo thực hành trực tiếp tại dự án trong quá trình vận hành thử. Thời gian đào tạo trong quá trình vận hành thử phụ thuộc vào tiến độ vận hành thử và theo bố trí của Ban QLDA, tổng thầu”, ông Trường cho biết.

Theo ông Trường, đơn vị cũng đã hoàn thiện, trình UBND TP Hà Nội quy trình vận hành, bảo trì, sữa chữa đường sắt đô thị (dự kiến 110 mục) tuyến Cát Linh - Hà Đông.

“Quá trình vận hành thử dự án không chỉ vận hành thử hệ thống thiết bị, khai thác vận tải mà còn vận hành thử bộ máy, con người, các quy trình, quy định. Khi vận hành thử, có gì không phù hợp sẽ được điều chỉnh kịp thời”, ông Trường cho biết thêm.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, nhân viên đã qua đào tạo thực hành làm việc tại vị trí điều hành chạy tàu tại Trung Quốc cho biết đã được thông báo sắp tới sẽ đào tạo thực hành thêm tại dự án, được chuyên gia đào tạo “một kèm một” trong giai đoạn vận hành thử.

Lãnh đạo Bộ GTVT nói gì sau khi trải nghiệm tàu Cát Linh- Hà Đông?

Đoàn tàu Cát Linh- Hà Đông chạy từ ga Yên Nghĩa đến ga Cát Linh với tốc độ trung bình 40km/h, thời gian mất hơn 20 phút.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Xiêm ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN