GĐ Trung tâm Polyvac bác tin nhận được 15.000 liều vắc-xin 5 trong 1
Ngày 15.12, ông Nguyễn Đăng Hiền - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất vaccine và Sinh phẩm Y tế (Polyvac), nơi có Phòng tiêm chủng dịch vụ Polyvac cho biết, phòng tiêm chủng chưa hề nhận được 15.000 liều vắc-xin 5 trong 1 Pentaxim như trang web tiemchungpolyvac.com đã đưa ngày 14.12.
Tin thất thiệt
Ông Hiền cho biết, hiện ông chưa rõ vì sao có thông tin thất thiệt như vậy đăng trên trang web của Trung tâm Polyvac nhưng chiều 14.12, sau khi phát hiện ra, Trung tâm đã chỉ đạo gỡ tin.
Đường link thông tin về vắc-xin Pentaxim đã bị gỡ trên trang tiemchungpolyvac.com
Ông Hiền cho biết, Phòng tiêm chủng Polyvac chỉ là đơn vị tổ chức tiêm, chứ không trực tiếp nhập Pentaxim. Hiện Trung tâm cũng đang chờ sự phân phối của các cơ quan nhập khẩu vắc-xin do Bộ Y tế cấp phép.
Ông Hiền cho biết, cũng như nhiều Trung tâm tiêm chủng dịch vụ khác, Phòng tiêm chủng Polyvac cũng đã “đói” vắc xin 5 trong 1 Pentaxim của Pháp (phòng bạch hầu, ho gà vô bào, uốn ván,bại liệt,Hib) và và vắc- xin 6 trong 1 Infanrix Hexa của Bỉ (phòng bạch hầu, ho gà vô bào, uốn ván, viêm gan B, bại liệt và Hib) của Bỉ đã lâu. Thi thoảng Trung tâm mới được phân bổ nhỏ giọt một số liều rất ít.
Về giá cả, ông Hiền cho biết, giá có thể điều chỉnh tùy từng thời điểm, tùy theo giá mà nhà nhập khẩu công bố.
Theo ông Hiền, tình hình 2 vắc – xin dịch vụ nói trên đều rất khan hiếm, có thể kéo dài đến hết năm 2016. Do đó, các bậc phụ huynh đừng chờ vắc-xin dịch vụ mà nên cho con đi tiêm vắc-xin mở rộng đúng độ tuổi. Như vậy, con mới không bị các bệnh nguy hiểm và tỷ lệ ngừa bệnh mới cao. “Hiện trên thị trường cũng có các mũi vắc – xin 3 trong 1 hoặc mũi lẻ phòng các bệnh tương tự nên các bậc cha mẹ cũng có thể cho con tiêm các mũi này. Tuy nhiên, về việc theo dõi các phản ứng sau tiêm cũng phải cẩn thận như tiêm bất cứ loại vắc-xin nào”.
Tiếp tục khan hiếm
Cha mẹ đừng chờ vắc-xin khiến con mất cơ hội phòng bệnh.
Vắc – xin dịch vụ 5 trong 1 và 6 trong 1 trở thành mặt hàng “có tiền không mua được” trong 2 năm qua tại Việt Nam. Nguyên nhân do nhiều người sợ thành phần toàn tế bào gây phản ứng mạnh sau tiêm của vắc-xin dịch vụ Quinvaxem nên đổ xô cho con đi tiêm dịch vụ.
Tuy nhiên nhiều bậc cha mẹ đã đăng ký tại các điểm dịch vụ cả năm mà vẫn chưa đến lượt. Trên mạng Internet còn truyền nhau nhiều nguồn tin có thể tự mua vaccine với giá 20-30 triệu đồng/mũi rồi mời bác sĩ về tiêm. Các vắc-xin này là hàng xách tay. Có người còn cho con bay sang Singapore để tiêm.
PGS-TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định, Bộ Y tế tuyệt đối cấm việc buôn bán vắc-xin ngoài thị trường. Đồng thời khuyến cáo người dân không nên tự mua, tự tiêm vắc-xin “xách tay”. “Vắc - xin không đảm bảo chất lượng, không được bảo quản đúng quy trình, đúng nhiệt độ rất dễ xảy ra phản ứng nguy hiểm cho cơ thể. Những vắc-xin “xách tay” không chắc chắn có được kiểm định về chất lượng hay không, người tiêm cũng không có kỹ thuật, không đủ các phương tiện cấp cứu nếu xảy ra phản ứng” - TS Phu phân tích.
TS Phu cũng đặc biệt cho biết, từ nay đến năm 2016, Việt Nam sẽ khó nhập về các vaccine dịch vụ của Pháp, Bỉ. Nguyên nhân là do các nước sản xuất vắc-xin chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng lớn, từ cách đây 2-3 năm, do đó không dư ra để bán theo nhu cầu đột biến của Việt Nam.
“Bỏ tiêm chủng khiến dịch sởi năm 2014 bùng phát cướp đi sinh mạng của hơn 100 đứa trẻ là bài học đau xót. Do đó, cha mẹ tuyệt đối không nên chờ vắc-xin dịch vụ khi không thể biết lúc nào có. Vắc-xin Quinvaxem 5 trong 1 đã được Tổ chức Y tế thế giới công nhận là an toàn và các phản ứng sau tiêm chủng tại Việt Nam thấp hơn so với phản ứng cho phép của WHO và nhà sản xuất” - TS Phu cho biết.
Trước đó, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, trong năm 2016, Công ty GlaxoSmithKline Pte.Ltd. (GSK) tại Việt Nam sẽ cung ứng cho thị trường Việt Nam khoảng 49.000 liều vaccine “6 trong 1” Infanrix Hexa. Số vắc-xin này là quá ít so với danh sách phụ huynh chờ hàng năm chưa đến lượt tiêm cho con ở các trung tâm tiêm chủng dịch vụ. |