Gây tiếng ồn có thể bị xử phạt hàng trăm triệu đồng
Mức xử phạt tối đa cho hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn có thể lên tới 160 triệu đồng kèm các hình thức xử phạt bổ sung.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 45 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường (thay thế cho nghị định 55 năm 2021). Nghị định mới quy định mức xử phạt khá cao với hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn.
Trong đó, mức xử phạt thấp nhất từ 1-5 triệu đồng với hành vi tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 2 dBA đến dưới 5 dBA. Với hành vi này, Chủ tịch UBND xã/phường có thẩm quyền xử phạt.
Mức xử phạt tăng dần với tiềng ồn lớn dần, trong đó gây ô nhiễm tiếng ồn vượt quy chuẩn từ 5 dBA đến dưới 10 dBA bị phạt từ 5-20 triệu đồng. Gây ô nhiễm tiếng ồn vượt quy chuẩn từ 10 dBA đến dưới 15 dBA bị phạt tiền từ 20-40 triệu đồng.
Hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn vượt quy chuẩn từ 15 dBA đến dưới 20 dBA bị phạt từ 40-60 triệu đồng, từ 20-25 dBA phạt 60-80 triệu đồng..
Mức phạt cao nhất là 140-160 triệu đồng với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 40 dBA trở lên.
Để xử phạt các trường hợp gây ô nhiễm tiếng ồn, cơ quan chức năng sẽ thực hiện trưng cầu giám định, đo đạc, phân tích tiếng ồn. Người bị xử phạt có trách nhiệm chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm tiếng ồn theo định mức, đơn giá hiện hành.
Với nguồn gây ô nhiễm tiếng ồn là các cơ sở sản xuất có thể áp dụng thêm hình thức xử phạt bổ sung gồm đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm tiếng ồn của cơ sở từ 3-6 tháng với trường hợp gây ô nhiễm tiếng ồn vượt quy chuẩn từ 10 đến dưới 30 dBA.
Hiện tượng gây ô nhiễm tiếng ồn diễn ra phổ biến trong đời sống nhưng ít trường hợp bị xử phạt. Ảnh: UP.
Nếu gây ô nhiễm tiếng ồn vượt quy chuẩn từ 30 đến trên 40 dBA sẽ bị đình chỉ hoạt động 6 tháng đến 12 tháng. Ngoài ra, còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn đạt quy chuẩn kỹ thuật trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Nghị định 45 có hiệu lực từ 25/8/2022. Từ nay cho đến khi Nghị định có hiệu lực, các hành vi vi phạm hành chính pháp luật về bảo vệ môi trường sẽ áp dụng theo Nghị định 55/2021 NĐ-CP. |
Ngoài quy định xử phạt ô nhiễm tiếng ổn, Nghị định 45 cũng có hàng loạt quy định xử phạt các hành vi gây ô nhiễm môi trường khác. Trong đó nhiều hành vi giảm nhiều lần về mức tiền xử phạt nhưng tăng đối tượng có thẩm quyền xử phạt như hành vi như vứt, thải, bỏ đầu, mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định (phạt tiền 100-150 nghìn đồng), hành vi tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định bị (phạt tiền từ 150-250 nghìn đồng). Với các hành vi này, chiến sỹ công an đang thi hành công vụ có thể xử phạt ngay tại chỗ, thay vì thẩm quyền xử phạt thuộc về Chủ tịch huyện như trước đây.
Hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng, thẩm quyền xử phạt thuộc trưởng trạm hoặc đội trưởng của chiến sỹ công an đang thi hành công vụ. Riêng hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối, biển bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng, thẩm quyền xử phạt thuộc về trưởng công an xã/phường.
Ngoài xử phạt trực tiếp, Nghị định cũng cho phép phạt nguội với các hành vi trên. Thay vì bắt quả tang để xử phạt, hệ thống camera ghi lại hành vi vứt rác, tiểu tiện không đúng nơi quy định được coi là căn cứ để xử phạt.
Lãnh đạo Phòng PC08 TP.HCM đã quán triệt toàn bộ CSGT quyết liệt xử lý các hành vi vi phạm về tiếng ồn trên địa bàn TP.
Nguồn: [Link nguồn]