Gấu nuôi hết thời, bị bỏ đói đến chết
Từ cuối năm 2013 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có 104 cá thể gấu bị bỏ đói đến chết. Trước tình trạng trên, ngày 30.1, Bộ NNPTNT đã có công văn gửi tỉnh Quảng Ninh đề nghị tỉnh này chuyển ngay toàn bộ gấu nuôi về trung tâm cứu hộ.
Đói đến mất răng, trụi lông
Theo số liệu thống kê, từ năm 2006 ở Quảng Ninh, các chủ nuôi gấu rộ lên phong trào nuôi nhốt và vận chuyển trái phép gấu từ các tỉnh khác về làm tăng đột biến số lượng gấu nuôi nhốt trên địa bàn tỉnh. Vào giai đoạn cao điểm nhất tại Quảng Ninh có đến 365 cá thể gấu. Lúc ấy, nguồn thu từ việc lôi kéo khách du lịch đến tham quan và bán mật chích hút trái phép từ đàn gấu nuôi cho khách là động lực chính để các hộ dân vỗ về, chăm sóc đàn gấu nuôi nhốt. Nay khách du lịch bị cấm đến thăm trại gấu, mật gấu cũng không thịnh hành và không có giá cao ngất ngưởng như xưa nữa nên đàn gấu bị bỏ đói, đang chết dần chết mòn.
Gấu của chủ trại Nguyễn Trọng Bờ ở phường Đại Yên, thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) đã bị mất răng, trụi lông. Ảnh: AnimalsAsia
Cũng theo điều tra của Bộ NNPTNT, số lượng gấu đã giảm đi gần một nửa trong vòng 1 năm và đang có xu hướng giảm mạnh hơn trong những tháng qua. Nếu cuối năm 2013, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh chỉ còn lại 152 con gấu, đến tháng 11.2014 chỉ còn 82 con (70 con tiếp tục chết do suy dinh dưỡng và bệnh tật). Còn theo số liệu báo cáo mới nhất của Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ninh, trên địa bàn tỉnh chỉ còn 48 cá thể gấu của 18 chủ nuôi.
Cùng với đó, những đánh giá và con số đáng báo động được đưa ra trong báo cáo đánh giá sức khoẻ gấu khu vực TP.Hạ Long, thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) của Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia) cho thấy, toàn bộ số gấu tại 3 trại nuôi gấu qua kiểm tra đều trong tình trạng suy dinh dưỡng ở cấp độ nặng. Gấu bị bỏ đói, mất chi, mất răng, trụi lông, trên mình đầy vết thương, thậm chí chết hàng loạt. Cũng theo thông tin của tổ chức này, từ tháng 11.2014 tới nay đã có 12 con gấu nuôi ở TP.Hạ Long bị chết, trong đó có 4 gấu chết tại trại của ông Nguyễn Trọng Bờ (phường Đại Yên), 8 con chết ở trại của ông Phùng Văn Hải (phường Hà Khẩu) vào ngày 8 và 15.1.2015.
Chuyển ngay gấu về Tam Đảo
Trong Công văn số 1181 ngày 30.1 do Bộ NNPTNT gửi UBND tỉnh Quảng Ninh, Bộ đã đưa ra đề nghị tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam vận động các hộ đang nuôi gấu tại TP.Hạ Long và trên địa bàn toàn tỉnh chuyển giao toàn bộ cá thể gấu trên địa bàn về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam tại Vườn quốc gia Tam Đảo để cứu hộ, nuôi dưỡng; đồng thời tiếp tục giám sát xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý bảo tồn gấu (nếu có); Trung tâm Cứu hộ Gấu Tam Đảo cử cán bộ phối hợp với Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ninh trong tiếp nhận, quản lý, nuôi gấu sau tiếp nhận theo quy định hiện hành và tôn chỉ mục đích bảo tồn.
Hiện nay, Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam đã tiếp nhận 109 cá thể gấu và năng lực của trung tâm này có thể tiếp nhận từ 50-70 cá thể nữa. Ông Trần Thế Liên - Vụ trưởng Vụ Bảo tồn thiên nhiên, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) cho biết: “Giải quyết ngay đối với 25 cá thể ở 3 trang trại tại TP.Hạ Long và thị xã Quảng Yên đang trong tình trạng suy dinh dưỡng, bỏ đói, giao cho Trung tâm Cứu hộ gấu hỗ trợ, cứu chữa kịp thời; mặt khác đề nghị xử lý nghiêm những chủ trang trại để tình trạng bỏ đói, bỏ khát dẫn đến chết một số cá thể trong thời gian vừa qua”.
Có thể tịch thu nếu gấu bị bỏ đói Ông Đỗ Quang Tùng- Giám đốc Cơ quan Cites tại Việt Nam cho biết: Các quy định của Việt Nam đều nêu rõ, các cá nhân, tổ chức nuôi và chăm sóc động vật phải đảm bảo một số điều kiện nhất định về vệ sinh môi trường, an toàn, chăm sóc. Trong trường hợp các chủ nuôi gấu không đảm bảo các điều kiện nuôi nhốt ấy thì có thể tịch thu. |