Gạt lời đồn ác ý, cô gái dành tuổi xuân nuôi hai trẻ bị bỏ rơi
Dù chưa một lần mang nặng đẻ đau nhưng chị Nguyễn Thị Trúc đã hi sinh cả tuổi thanh xuân của mình để chăm sóc, nuôi dạy những đứa trẻ không may bị người thân bỏ rơi…
Chị Trúc chăm sóc vườn lan của mình với hy vọng có thể bán được nhiều giò lan để nuôi các con khôn lớn. Ảnh: Đức Huy
Làm mẹ ở tuổi 17
Trong khoảng sân nhỏ với vô số loại lan được treo trên giàn, chị Nguyễn Thị Trúc (30 tuổi, trú tổ 1, phường Trần Hưng Đạo, TP Kon Tum) đang cặm cụi chăm sóc một cách tỉ mẫn. Lâu lâu lại có tiếng trẻ nhỏ í ới gọi mẹ. Sau đó, hai đứa trẻ (một cháu 6 tuổi, một cháu 12 tuổi) tay xách xơ dừa, tay bưng chậu đựng lan chạy lon ton ra chỗ chị Trúc đứng. Hai đứa trẻ tíu tít giành nhau khoe: "Con mang chậu cho mẹ này. Con cũng mang xơ dừa cho mẹ trồng lan cho tốt này…".
Chị Trúc kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời đầy sóng gió của mình. Chị sinh ra trong một gia đình có 10 anh chị em. Mặc dù nhà đông con nhưng mẹ của chị Trúc thường xuyên ốm yếu, không thể làm việc nhiều. Do đó, bố Trúc một mình gồng gánh kinh tế gia đình. Tuy vậy, bố của chị Trúc làm đủ mọi nghề nhưng vẫn không đủ nuôi 12 miệng ăn.
Đến khi lớn hơn một chút, thấy sức khỏe bố đã yếu nên chị Trúc và những anh chị em khác đã phải nghỉ học đi làm thuê để phụ giúp gia đình. Bước sang tuổi 14, vì hoàn cảnh gia đình túng thiếu, chị Trúc cũng đành phải gác việc học hành để đi bán hàng thuê cho người quen. Chẳng may trong một lần tai nạn đã khiến hai ngón tay của chị Trúc bị hư phải cắt bỏ. Từ đó, sức khỏe yếu nên chị nghỉ chỗ làm cũ rồi lấy vé số đi bán dạo khắp vùng. Cứ thế ngày này qua tháng khác, mọi nẻo đường ở TP Kon Tum đều có dấu chân chị.
Năm 17 tuổi, trên đường đi bán vé số về, chị gặp một đám đông tụ tập nên ghé vào xem thì thấy một đứa trẻ sơ sinh đang nằm co ro trong lớp chăn mỏng. Nhìn thấy đứa trẻ với gương mặt ngây thơ nằm bơ vơ, co quắp giữa trời, Trúc tiến lại gần rồi ôm lấy đứa trẻ mà không nghĩ ngợi gì. Lúc ấy, giọt nước mắt của cô gái 17 tuổi chẳng biết lăn dài trên má từ lúc nào. Phút chốc, suy nghĩ sẽ mang đứa trẻ về nuôi thôi thúc trong lòng cô.
"Nhìn đứa bé tôi thấy thương vô cùng. Tôi thương đứa trẻ ấy, thương bố tôi vì trước đây bố cũng bị người thân bỏ rơi. Tôi hiểu được cảm giác cần người thân, cần được quan tâm như thế nào. Giàu nghèo, thiếu thốn không quan trọng, quan trọng là tình cảm gia đình. Sau đó, do điều kiện còn khó khăn nên tôi đã gửi tạm đứa bé vào chùa", chị Trúc nhớ lại.
Mỗi khi đi bán vé số về, chị Trúc lại tạt qua chùa thăm cháu bé. Tuy nhiên, khi bắt gặp ánh mắt của đứa trẻ, chị không kìm được lòng nên đã lên chùa xin cháu về nuôi. "Khi đón con về, tôi chỉ nghĩ phải nuôi dưỡng, chăm sóc để con cảm nhận được tình thương gia đình, dù khó khăn mấy tôi cũng phải cố gắng. Thế nhưng, thấy tôi nuôi đứa bé còn đỏ hỏn, người dân lại bàn tán. Có người đồn tôi đi bán vé số nên bị kẻ xấu hãm hiếp dẫn đến chửa hoang", chị Trúc tâm sự.
Thương con hơn chính bản thân mình
Mới 17 tuổi đã phải chịu đựng lời ra tiếng vào, chị Trúc đành gửi con cho mẹ chăm rồi vào TPHCM tìm việc. Thành phố đông đúc, xô bồ khiến chị Trúc bị ngợp bởi nhịp sống vội vã nơi đây. Mỗi lần nhớ con, chị lại gọi điện về cho mẹ để nghe tiếng con nói. Nhớ hơi mẹ nên đứa trẻ cứ khóc nấc lên trong điện thoại khiến bao nhiêu lần chị phải cúp máy giữa chừng. Chị tự nhủ với bản thân cố gắng làm thật chăm chỉ, kiếm ít vốn để về quê nhà làm ăn và gần con.
Đến năm 2013, khi nghe anh trai gọi vào nói gặp một đứa trẻ bị bỏ rơi ở Gia Lai, chị Trúc lại đứng ngồi không yên. Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, chị quyết định trở về tìm đứa trẻ nhận nuôi. Do đứa trẻ chỉ nặng hơn 1kg nên chị phải chăm sóc đặc biệt hơn. Nhiều đêm con ốm, khóc thét, chị phải ôm con trên tay cả đêm. Mặc dù đôi tay mỏi nhừ, đôi mắt nặng trĩu nhưng chưa một lần nào chị than mệt hay vất vả. Ngược lại chị thấy những giây phút đó thật thiêng liêng, hạnh phúc.
"Sau bao nhiêu năm trôi qua, hai con của tôi đã lớn, đã biết phụ mẹ làm việc nhà nhưng lời đồn thổi vẫn chưa nguôi. Tôi thì không sao, nhưng tội các con. Chúng chỉ là những đứa trẻ mới lớn nhưng phải chịu đàm tiếu, bạn bè trêu trọc. Tôi chỉ biết dành hết tình thương cho con để bù đắp lại những thiệt thòi mà các con phải gánh chịu", chị Trúc buồn bã.
Sau khi từ TPHCM về nhà, chị Trúc lại lăn lộn với đủ mọi việc. Tiết kiệm được ít vốn, chị vay mượn thêm người thân, bạn bè để mở một vườn lan, buôn bán kiếm tiền lo cho các con. Chị chia sẻ: "Tôi rất thích lan bởi sức sống phi thường của chúng. Tôi hay dạy con phải mạnh mẽ, nghị lực không được bỏ cuộc dù bất cứ hoàn cảnh nào như những đóa lan rừng. May mắn, các con ngoan ngoãn, nghe lời mẹ nên tôi rất hạnh phúc. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng chỉ cần có hai con bên cạnh thì với tôi mọi việc đều có thể thực hiện được. Tôi thương các con hơn chính bản thân mình".
Bà Đặng Thị Tâm, Chủ tịch UBND phường Trần Hưng Đạo (TP Kon Tum) cho hay, mặc dù hoàn cảnh khó khăn nhưng chị Trúc luôn có tấm lòng nhân ái, thương những đứa trẻ mồ côi. Theo bà Tâm, việc làm của chị Trúc rất đáng được biểu dương và là tấm gương người tốt việc tốt của địa phương. Chính quyền cũng thường xuyên quan tâm, hỗ trợ, động viên gia đình. |
Tình thương bao la của người phụ nữ này khiến nhiều người động lòng trắc ẩn.