Gặp ông già "người rừng" ở Tuyên Quang

Đến xã Thổ Bình (Lâm Bình, Tuyên Quang) tôi nghe người dân kể về những lần đi vào rừng già tìm trâu, họ thường thấy một ông già "ăn lông ở lỗ, tối đâu là nhà, ngã đâu là giường".

Một đồn mười, mười đồn trăm, những lời kể về "người rừng" cứ như trong truyền thuyết, đầy bí ẩn đã lôi cuốn tôi vào một cuộc tìm kiếm có một không hai trong cuộc đời làm báo.

Những người già trong bản Hạ Sơn đã kể cho tôi nghe về gốc tích của "người rừng". Năm nay, "người rừng" khoảng hơn 70 tuổi, là một người con của tộc người Dao đỏ, sinh sống ở mảnh đất này từ bao đời nay. Người dân bản địa gọi "người rừng" là ông Phẩy. Bố mẹ ông Phẩy đã chết từ khi ông còn khá trẻ. Ông Phẩy chỉ có một người em gái đã đi lấy chồng. Cuộc sống nghèo túng của ông Phẩy khiến chẳng cô gái nào đủ dũng cảm làm vợ ông. Không vợ con, những đứa cháu (con người em gái - PV) cũng chẳng ngó ngàng gì đến ông, thậm chí đến tấc đất cắm dùi ông Phẩy cũng chẳng có. Từ thủơ 30, ông Phẩy phải lên rừng tìm nơi trú ngụ.

Gặp ông già "người rừng" ở Tuyên Quang - 1

Mắt ông Phẩy đã lòa vì đói, rét, bệnh tật giữa rừng

Gian nan tìm kiếm "người rừng"

Nhờ một thanh niên khỏe mạnh người bản địa dẫn đường, tôi chuẩn bị đủ đầy tư trang cho một buổi đi rừng. Đoạn đường lên hang đá nơi ông Phẩy sống tuy không quá xa nhưng lại vô cùng khó đi. Chẳng có đường đúng nghĩa mà chỉ là lối mòn người dân bản địa vẫn đi nương. Những viên đá vôi to, có viên lại nhọn hoắt nằm choán ngay lối đi buộc chúng tôi phải trèo qua. Có những đoạn đường dốc thẳng đứng chỉ cần thả tay ra là bị chiếc ba lô sau lưng kéo ngã ngửa. Chúng tôi phải di chuyển liên tục bởi chỉ cần ngơi chân bước, lập tức có vô số những con vắt nhỏ, bám riết vào chân.

Đến khi cái chân của tôi gần như không còn bước nổi nữa thì chiếc hang đá mà ông Phẩy ở hiện ra trước mắt. Trước cửa hang là nơi dùng để đun nấu, vài cây que gá lại thành giá đỡ, tàu lá cọ phủ tạm lên trên, nơi đun nấu ấy tứ bề gió lộng. Có mấy thanh củi đang cháy dở, vương vãi. Tro bếp đã nguội lạnh, có lẽ lâu rồi chủ nhân chẳng nhóm lửa, đun nấu gì. Phía trong hang có dấu tích dòng chảy của mạch nước ngầm nhưng cũng đã cạn khô. Đi sâu hơn vào phía trong, tôi bắt gặp một phiến đá rộng, nằm nép mình vào vách hang. Một manh chiếu cũ, sờn rách được gấp gọn, nhét sâu trong khe đá, đó là "giường" ông Phẩy từng nằm ngủ.

Không thấy ông Phẩy "ở nhà", chúng tôi đoán ông đang đi tìm thức ăn nên chia nhau ra tìm. Chúng tôi hú gọi ông Phẩy, nhưng đáp lại chỉ là tiếng vọng của chính mình từ phía núi đá hắt lại. Trời đã xế chiều, phán đoán rằng ông Phẩy sẽ trở về "nhà" sau một ngày kiếm thức ăn nên chúng tôi nán lại chờ… Trời đã buông bức màn đen kịt xuống núi rừng. Xa xa phía dưới chân núi, những nếp nhà sàn, nhà đất đã lên đèn mà vẫn chưa thấy bóng dáng ông Phẩy đâu nên chúng tôi buộc phải xuống núi.

Sau nhiều ngày hỏi thăm, tôi được biết ông Phẩy đã rời hang đá hôm tôi đến để đến sống ở một nơi khác. Chuyến đi rừng lần hai này xa và vất vả, khó khăn gấp bội. Tôi không còn đếm nổi mình đã leo qua bao nhiêu phiến đá, vượt lên bao nhiêu con dốc nữa mới diện kiến được "người rừng" huyền thoại. Giữa chốn rừng hoang, ông lão già nua, khắc khổ đang đói lả. Thân hình chỉ còn da bọc xương của ông run lên vì đói và rét dưới lớp áp mỏng. Khi tôi gặp, ông đang run rẩy bóc quả bưởi thối để ăn trừ bữa. Tôi vội lấy gói bỏng gạo mang theo chưa kịp ăn lúc đi đường để đưa cho ông. Ông nhận lấy với cái nhìn đầy biết ơn nhưng nhưng vẫn tỏ rõ là người tự trọng, tần ngần chưa ăn. Chỉ khi chúng tôi giục, ông Phẩy mới run run đưa miếng bỏng lên miệng. Ông Phẩy đói và rét đến mức dường như không đủ sức để cắn nhỏ miếng bỏng ra nữa. Người đàn ông bản địa đi cùng chúng tôi vội cầm lấy miếng bỏng, bẻ nhỏ từng miếng rồi đưa ông ăn.

Một lát sau, chừng như cơn đói đã tạm lui, ông Phẩy mới đỡ run rẩy, lôi trong chiếc bao tải rách mang theo ra vài quả bưởi héo, mời chúng tôi bằng tiếng Dao đỏ: "Nhẹn bủi á…" (Ăn bưởi đi). Ông Phẩy không biết tiếng Kinh, chỉ nói bập bẹ được vài lời chào hỏi. Tôi phải nhờ một người đàn ông dân tộc Dao làm phiên dịch. Chừng thấy ông Phẩy đã tỉnh táo hơn sau cơn đói, tôi nhờ người nói tiếng Dao với ông, bảo ông dẫn chúng tôi về nơi ông ấy ở. Bước đi của ông Phẩy vẫn xiêu vẹo, như sắp quỵ xuống.

"Ngôi nhà" của "người rừng" ở ngay gần khe suối, tạm bợ hơn cả "nhà" mà thủơ bé lũ trẻ con chúng tôi hay chơi đồ hàng. Cạnh một gốc cây to đã bị đổ xuống có một tàu lá cọ lợp tạm, chẳng đủ che mưa hay che nắng. Một vài cây củi được chụm lại thành bếp lửa. Ngày cũng như đêm, ông Phẩy chỉ có thể ngồi ôm lấy cái bếp lửa nhỏ, thứ duy nhất giúp ông ấm hơn trong những ngày đông rét buốt giữa rừng chứ không thể ngả lưng dù chỉ chốc lát. Chốn rừng già hoang vu, thú vui của ông Phẩy là ngồi nhìn ngọn lửa leo lét cháy. Mà có khi, không kiếm được lửa, thú vui ấy của ông Phẩy cũng tắt lịm, nguội lạnh.

Gặp ông già "người rừng" ở Tuyên Quang - 2

Ông Phẩy bên ngôi nhà giữa rừng hoang của mình

Cuộc sống đơn độc giữa rừng già

Bên "ngôi nhà" tuềnh toàng giữa chốn thâm sơn cùng cốc, "người rừng" kể về cuộc sống của mình bằng tiếng của tộc người Dao đỏ. Chàng trai bản địa có dịp được trổ tài phiên dịch giúp chúng tôi. Lý giải về việc rời bỏ hang đá nơi lưng chừng núi để đến "nhà mới" mãi trên đỉnh núi Kéo Ca này, ông Phẩy kể rằng, cách đây khoảng hơn một tháng, vì đói quá, thèm miếng thịt có muối, ông đã xuống núi, tìm đến nhà người cháu để xin ăn. Người cháu không cho nên ông đành lẩy bẩy quay trở lại rừng sâu. Lên được đến hang đá thì kiệt sức nên nằm mê man đi. Được người đi rừng cho củ sắn, củ khoai, ông lấy lại chút sức lực, leo qua nhiều con dốc để đến nơi ở mới này chứ ở hang đá cũ không có nước và cũng chẳng thể kiểm ra nổi cái gì để ăn.

Ông Phẩy bảo, giờ già rồi, chẳng còn sức khỏe để săn bắt, đào bới củ rừng nữa nên chỉ còn biết đi nhặt rau rừng, quả rừng để sống qua ngày. Mùa đông cũng như mùa hè, ông Phẩy chỉ có manh áo mỏng ai đó đi rừng đã cho từ lâu lắm rồi. Tối tối, ông Phẩy về hang đá để ngủ, ông nằm co ro trên chiếc chiếu sờn rách nhặt được của người đi rừng vứt lại. Ông Phẩy cứ sống như thế trong suốt quãng đời đã qua. Sống một mình, có nhu cầu giao tiếp cũng chẳng thể nói với ai nên dần dần, những tiếng mẹ đẻ ông cũng quên đi nhiều. Thi thoảng, để tìm người đi rừng nào đó xin ít lửa, ông chỉ dùng tiếng hú gọi. Để duy trì lửa trong nhiều ngày, ông phải đun bếp liên tục. Những ngày mưa, ông phải dầm mình để đứng che cho bếp khỏi tắt, tàu lá cọ duy nhất lợp trên "mái nhà" khi ấy chỉ có nhiệm vụ như thế. Có nhiều hôm, mưa bất chợt, ông Phẩy đi kiếm thức ăn xa chưa kịp "về nhà" để canh nên bếp lửa bị tắt lịm. Ông lại chờ đến khi nào may mắn gặp được người đi rừng mới xin được mồi lửa.

Ông Phẩy kể rằng, có những lúc ông tưởng đã bỏ mạng vì những cơn sốt rét rừng. Mỗi lần như thế, ông Phẩy chỉ biết nằm trong hang, chờ khi hồi tỉnh hơn, tự lê lết đi tìm lá rừng để ăn. Có lần, người trong bản Hạ Sơn đi rừng, phát hiện ra ông Phẩy nằm sốt li bì, đói lả trong hang đá. Họ thương tình chia cho ông nắm cơm ăn lót dạ. Có cái ăn, ông Phẩy dần tỉnh táo lại, rồi tự mò mẫm đi kiếm lá thuốc ở rừng để trị bệnh. Cuộc sống khốn cùng ở rừng buộc cơ thể ông Phẩy tự khắc phải thích nghi như thế. Nhưng khi tuổi đã cao, sức đề kháng yếu hơn, có lần ông Phẩy nằm li bì mấy hôm mà không thể tỉnh lại. Lần ấy, người đi rừng phát hiện ra ông Phẩy, thấy ông thoi thóp nên vội xuống chân núi, thông báo với những đứa cháu của ông Phẩy. Người trai bản tốt bụng đi cùng cháu ông Phẩy đã tiêm cho ông Phẩy một mũi thuốc trợ lực... Cuộc sống ở rừng, không chỉ bệnh tật đe dọa tính mạng của ông Phẩy mà thú dữ cũng rình rập ngày đêm. Khoảng 20-30 năm trước, những loài thú to như hổ, gấu còn nhiều, ở rừng già này một mình giữa đêm tối rất nguy hiểm. Có lần, ông bị một con gấu to "tát" rách mặt khi vô tình giáp mặt nó.

Ngày chúng tôi tìm thấy ông Phẩy, trời mưa lâm thâm, rét buốt. Giữa chốn rừng hoang, chúng tôi khoác lên mình những chiếc dầy dặn, ấm áp mà cái lạnh vẫn tìm được vào da thịt, cắt buốt. Vậy mà, ông Phẩy vẫn chỉ có chiếc áo mỏng tang, cắn răng chịu đựng cái rét cắt da thịt. Thi thoảng trong lúc trò chuyện, đột nhiên ông Phẩy hỏi về ngày tháng. Ông ấy hỏi để lẩm nhẩm tính về thời gian còn lại của mùa đông. Ông Phẩy lo sợ "không biết có qua được mùa đông này không…". Tìm thấy ông Phẩy trong lúc đang đói rét đến kiệt sức như vậy, sau khi biếu ông gói cơm nắm và chút thức ăn mặn đã cho hồi sức chúng tôi quyết định thuyết phục ông xuống núi.

Gặp ông già "người rừng" ở Tuyên Quang - 3

Tết này ông Phẩy đã có nhà, dẫu nhà chỉ có 3 vách bằng tấm ván cũ và một vách che tạm bợ bằng tấm bạt

Kỳ công đưa "người rừng" về với cuộc sống

Khi ông Phẩy đã no bụng, khỏe khoắn và tỉnh táo trở lại, chúng tôi nhờ người hoa tiêu dùng tiếng của người Dao bản địa để vận động ông Phẩy cùng xuống núi. Nói đến chuyện hạ sơn, ông Phẩy im lặng hồi lâu, chừng như đắn đo, suy tính lắm. Phản ứng ấy của ông Phẩy hoàn toàn nằm trong phán đoán của chúng tôi, bởi một ông lão gần như cả cuộc đời sống hoang dã nơi rừng rú sẽ chẳng dễ dàng gì rời xa nơi ấy. Hơn thế, bao lần ông Phẩy xuống núi với ý định tìm chốn nương thân ở nhà người cháu thì bấy nhiêu lần ông bị đánh đuổi, hắt hủi, buộc ông phải trở lại rừng. Bởi vậy nên chúng tôi hiểu, ông Phẩy chẳng dễ dàng gì chấp nhận đi cùng chúng tôi xuống núi

Thấy chúng tôi kiên nhẫn chờ nghe câu trả lời, ông Phẩy nói bằng tiếng Dao: "Xuống đấy không biết ở nhà ai đâu". Chàng trai bản địa nhanh nhảu trấn an ông Phẩy: "Xuống dưới kia họ khắc tìm chỗ cho ở tạm, rồi họ sẽ làm nhà cho ông ở. Không sợ đâu, thằng cháu nó không cho ông ở, họ sẽ tìm chỗ cho ở. Ông cứ xuống đi. Ông ở đây khổ quá đi, rét quá đi…". Những lời ấy của chàng trai vẫn chưa đủ để thuyết phục ông Phẩy, ông tìm lý do khác để từ chối. Ông Phẩy lấy cớ còn nhiều "tài sản" ở rừng nên không thể theo chúng tôi xuống núi. Ông kể ra, nào là còn túi muối, cái chăn, ít gạo chúng tôi vừa cho, còn cả bó lá mon ông vừa tìm được để dành nấu ăn trừ bữa. Được chàng thanh niên bản địa hứa sẽ giúp ông gùi tất cả số "tài sản" ấy xuống núi cùng nhưng ông Phẩy vẫn chưa yên tâm.

Lúc này, ông Phẩy chuyển sang dò hỏi về thân nhân của chàng trai bản địa: "Thế mày là ai?". Chàng hoa tiêu của chúng tôi đã phải giới thiệu rõ ông bà nội ngoại của cậu ta để ông Phẩy tin tưởng. Ông Phẩy nhận ra người quen và đồng ý cùng chúng tôi xuống núi. Trời càng lúc càng về chiều và bóng tối nhanh chóng xâm chiếm toàn không gian. Đoàn chúng tôi hôm ấy đi rừng mà không mang theo bất cứ thiết bị chiếu sáng nào. Dẫu biết phải chạy đua với thời gian để kịp về đến bản dưới chân núi trước khi trời tối hẳn nhưng chúng tôi chẳng thể đi nhanh hơn bởi phải chờ đợi những bước chân trần chuệch choạc của ông Phẩy. Chỉ đi được một vài trăm mét đường rừng, ông Phẩy lại phải dừng lại nghỉ. Mắt ông đã lòa, chân đã run lắm nên cuộc hạ sơn với ông Phẩy là cả sự nỗ lực, cố gắng phi thường.

Sau khoảng 6 giờ đồng hồ đi bộ theo những lối mòn rừng rậm, chúng tôi đã đưa ông Phẩy xuống được đến bản dưới chân núi Kéo Ca. Bóng đêm đen kịt khi ấy đã bao trùm xuống bản nhỏ. Chưa kịp ráo mồ hôi sau chuyến đi rừng mệt nhoài, chúng tôi và một số người dân bản địa lại phải nhanh chóng bắt tay vào việc lo cho ông Phẩy một chốn ăn nghỉ tạm thời, một công việc khó khăn không kém khi vận động "người rừng" xuống núi.

Ở bản người Dao này, người ta có thể cho ông Phẩy gói cơm nắm, củ sắn luộc khi bắt gặp ông đói lả ở trên rừng, có thể cởi phăng chiếc áo đang mặc để giúp ông Phẩy chống chọi với cái rét cắt thịt… nhưng để giúp đỡ "dài hơi" hơn, tất thảy họ đều lắc đầu bởi cuộc sống của họ cũng còn khó khăn. Chúng tôi đi khắp bản, hỏi mượn một khoảng đất trống nhỏ để làm căn lều tạm cho ông Phẩy trú thân trong những ngày chờ đợi chính quyền địa phương lo nơi ăn chốn ở ổn định nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu. Họ bảo, "con ma nhà không thích cho người lạ vào ở đâu…". Cuối cùng, chúng tôi buộc phải chọn bờ suối làm nơi dựng lều tạm. Vừa là để ông Phẩy có nước sử dụng trong sinh hoạt mà hơn nữa thì bờ suối là "nơi công cộng" chẳng động chạm đến "con ma" của nhà nào.

Lều tạm được dựng ngay bên lề con đường liên thôn của xã Thổ Bình. Mọi vật liệu dựng lều cũng đơn giản lắm, vài cây tre làm cọc, một tấm bạt được quây lại. Tất cả do chúng tôi tự nguyện đóng góp. Những vật dụng thiết yếu nhất để cho một người có thể sống cũng được chúng tôi sắm đầy đủ. Gần nửa đêm hôm ấy, ông Phẩy đã có "nhà" với đầy đủ những thứ mà trong gần cả đời người ông chưa khi nào có được: một cái giường bốn chân có chiếu, có màn, cái chăn bông ấm, bếp lửa có kiềng, cái nồi có vung, bộ quần áo để thay, đôi dép để đi… Ông Phẩy chẳng nói nhiều nhưng chúng tôi cảm nhận được niềm vui sướng, hạnh phúc qua đôi mắt lòa ngấn nước của ông.

Căn lều tạm của ông Phẩy nhanh chóng gây xôn xao khắp làng trên, xóm dưới. Trong câu chuyện của những người dân tộc, họ nói về ông Phẩy, nói về cuộc hạ sơn xưa nay chưa từng có ở mảnh đất nghèo này. Nhiều người nghe chuyện chưa đủ, họ tìm đến bờ suối để tận mắt chứng kiến điều lạ lùng. Rồi chẳng ai bảo ai, những người dân bản địa tự nguyện góp gạo, góp củi, góp rau cho ông Phẩy sống qua ngày. Ông Phẩy thấy có nhiều người thăm hỏi thì vui lắm, nhưng ông chẳng giao tiếp được nhiều, chỉ gật gù nói bằng tiếng Dao rằng: "Không lên núi nữa… ở đây có chỗ ở, có cái ăn rồi…". Và ngày ngày, ông Phẩy quanh quẩn bên bếp lửa, hì hụi nấu cơm, nấu rau. Lâu lắm rồi, ông Phẩy mới có đủ cái ăn no bụng, lại là cơm trắng, rau xanh và đôi khi là cả chút thịt, chút cá… nên ông ăn nhiều lắm. Chẳng thế mà chỉ trong vòng ba ngày từ khi xuống núi, ông Phẩy đã khác hẳn, cơ thể già nua, gầy quắt của ông Phẩy bỗng hồng hào có da có thịt.

Những ồn ào xung quanh câu chuyện "bỗng dưng" ông Phẩy xuất hiện ở bản nghèo khiến chính quyền địa phương chẳng thể làm ngơ. Trước cuộc hạ sơn của ông Phẩy, chúng tôi đã có buổi làm việc với lãnh đạo xã Thổ Bình và nhận được câu trả lời: với trường hợp của ông Phẩy, đã xin được kinh phí làm nhà nhưng cụ thể thời gian, địa điểm làm nhà thì còn phải chờ. Thế nhưng, như "có phép màu", ngày thứ 4 kể từ khi ông Phẩy được chúng tôi bố trí sống trong căn lều tạm bên bờ suối, ông Phẩy đã được chính quyền địa phương dựng nhà gỗ ngay trên mảnh đất của một người họ hàng xa với ông Phẩy.

Buổi sáng ngày thứ 4 ấy, như thường lệ, chúng tôi ra bờ suối thăm ông Phẩy thì tá hỏa khi thấy căn lều tạm đã được dỡ bỏ, ông Phẩy không còn ở đó nữa. Tưởng ông Phẩy đã bỏ lên rừng, chúng tôi chia nhau đi tìm thì nhận được thông tin, cán bộ xã đã đưa ông Phẩy đến nơi ở mới, cách đó khoảng 3 - 4 km. Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến "nhà" của ông Phẩy. Căn nhà gỗ nhỏ, mái che bằng tấm lợp xi măng chắc chắn hiện ra. Phía trong ngôi nhà, ông Phẩy vẫn giữ thói quen cũ, ngồi trầm thu lu bên bếp lửa chẳng khi nào tắt. Nhận ra người quen, ông Phẩy vui lắm, mời mọc: "Nhẹn vuôm á" (uống nước đi! - dịch từ tiếng Dao). Lúc này chúng tôi mới có dịp quan sát, nhà của ông Phẩy được làm bằng gỗ đã cũ, nền đất được san vội, vẫn còn nguyên mùi đất mới đào xới.

Và dẫu căn nhà mới có ba vách được ghép bằng những tấm ván gỗ cũ, một vách che tạm bợ bằng tấm bạt căng lều chúng tôi đã sử dụng trước đó thì ông Phẩy cũng đã được sống như một con người thực sự, không còn cảnh ăn rừng ở rú như thú hoang. Chia tay ông Phẩy sau một chuyến công tác dài ngày, chúng tôi trở về với một tâm trạng thật vui khi đã góp phần giúp một con người gần như cả đời người sống cô độc giữa núi rừng tìm về được với cộng đồng. Tết này, ông Phẩy đã có nhà, đã được sống cuộc sống của một con người, sống trong nghĩa tình của đồng bào mình.

Có chết đói cũng không ăn cắp

Người dân bản địa kể rằng, xung quanh nơi ông Phẩy ở là những nương sắn, nương ngô ăm ắp sản vật nhưng tuyệt nhiên họ chưa bao giờ bị mất dù một củ sắn, bắp ngô. Có người đi làm nương, thấy ông Phẩy đáng thương quá, đã bảo ông nương sắn của họ ngay gần đó, nếu đói ông có thể lấy ăn nhưng ông Phẩy vẫn không tơ hào. Ông Phẩy bảo, người ta trồng được củ sắn, cây ngô vất vả lắm, ông thể lấy không của họ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Song Nhi (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN