Gặp người hùng của "hội vây cọp" xa xưa
Ở Tiên Phước (Quảng Nam) có một lão nông được coi như người hùng, và cũng là nhân chứng hiếm hoi còn lại của hội vây cọp. Đó là cụ Đoàn Hứa. Ở tuổi 92, nhưng khi chúng tôi hỏi về hội vây cọp, cụ Hứa bừng bừng khí thế.
Theo các bậc cao niên, Tiên Phước khi xưa đường đi đèo dốc hiểm trở, cây cối rậm rạp, dân cư thưa thớt nên thú hoang, thú dữ rất nhiều. Cọp đêm đêm xuống làng bắt heo, trâu, bò ăn thịt là chuyện thường. Cũng có người đi đêm ngang đèo Cây Gạo bị cọp vồ. Nên người dân dù không oán ghét gì chúa sơn lâm, cũng phải săn cọp để giữ bình yên cho thôn xóm. Đó cũng là căn nguyên ra đời 'Hội vây cọp'.
Sống lại ký ức oai hùng
“Vòng vo tam quốc”, cuối cùng được người dân địa phương “mách miệng”, chúng tôi cũng tìm được nhà của cụ Hứa ở làng An Sơn, xã Tiên Cảnh. Tại đây, một ngôi nhà mới được xây dựng trên nền đất cũ làm chúng tôi hơi... thất vọng. Thế nhưng, thật bất ngờ khi chúng tôi được cụ Hứa đưa lên gác của chính ngôi nhà mới này. Trên đó, một gian nhà gỗ với tủ thờ, phản gỗ mít và bàn ghế xưa như vẫn còn nguyên “trích đoạn” của ngôi nhà cổ gần trăm năm trước. Đặc biệt hơn nữa, cụ Hứa hào hứng đem ra một chiếc túi to đựng những dụng cụ săn cọp như lưới, tù và, giáo mác... để giới thiệu.
Những cây giáo săn cọp sắc nhọn được cụ Hứa và người con trai lưu giữ. Ảnh: Quang Viên
Đôi mắt vẫn còn nét tinh anh của cụ già sống gần trọn thế kỷ thoáng chút xa xăm như cái nhìn thăm thẳm suốt cả đời mình. Nhưng rồi, kể lại chuyện vây cọp cụ Hứa vừa hào hứng vừa bồi hồi xúc động: “Thuở xưa 'ông ba mươi' vùng ni nhiều lắm. Cọp thường về bắt trâu, bò, heo. Có khi nó còn vồ người nữa. Vì rứa mà dân làng phải lập hội săn cọp. Trong cuộc đời tui tham gia vây bắt được nhiều con cọp. Lần cuối cùng là vào năm 1952, ở xã Tiên Thọ. Đó cũng là hội vây cọp lớn nhất trong đời tui. Lần nớ đoàn vây cọp cả huyện bắt tới 5 con cọp”.
Khi có người đến tìm hiểu hội vây cọp, cụ Hứa lại đem lưới vây cọp ra giới thiệu. Ảnh: Quang Viên
Theo lời kể của cụ Hứa, khi thấy cọp xuất hiện, người được thông báo đầu tiên là lý trưởng. Ngay lập tức lý trưởng báo cáo chánh tổng để ông này đến khu vực có cọp lập kế hoạch vây bắt. Trong khi đó, lý trưởng có nhiệm vụ huy động trai tráng khỏe mạnh ở các làng tham gia vây cọp.
“Tui và các thanh niên khỏe nhất được điều lên núi chặt cây, phát quang, dựng rào, giăng lưới quanh địa điểm có cọp. Khi đêm xuống, mọi người đốt lửa để dọa cọp không cho chúng di chuyển xa. Vòng vây sẽ khép dần và nhiều thòng lọng được đặt phía trong hàng rào. Chờ rất lâu, có khi cả tuần cho con cọp yếu dần vì đói thì mới đến đoạn bắt nó”, cụ Hứa cho biết. Tôi hỏi, đối diện với loài thú hung dữ, ăn thịt và rất khỏe này có sợ không, thì cụ Hứa nói nhẹ tênh: “Sợ chi. Đã tham gia vây cọp thì phải gan lì và nhanh trí. Cái ni là thể hiện tinh thần thượng võ, thi thố tài năng nữa đó”.
Cụ Hứa hào hứng khi kể lại một thời vây cọp. Ảnh: Quang Viên
Cuộc vây cọp không thể nào quên
Không nhớ rõ năm, nhưng cụ Hứa nhớ nhất là lần vây con cọp mò vào làng ăn con bò nhà ông Ngô. Tin cọp vào tận làng săn bò lan nhanh hơn gió thổi. Sau khi dò la được chắc chắn Hang Dơi là nơi “ngài” lui về thường xuyên, không khí náo nhiệt lan ra khỏi vùng An Sơn, Lộc Yên. “Dân làng không ai bảo ai, tùy sức mình mà chuẩn bị. Trai tráng khỏe mạnh của các làng tự động đến các chủ thợ săn để gánh lưới, mài giáo mác… Số khác lo sắm mỗi người một tấm gai (còn gọi là tấm khịa) để chuẩn bị đi săn con cọp ni”, cụ Hứa bồi hồi nhớ lại.
Ngày đầu tiên, chàng thanh niên Đoàn Hứa dẫn đầu đám trai tráng trong thôn nhằm thẳng hướng Hang Dơi, rồi áng chừng còn cách chỗ con cọp ở không xa thì bắt đầu phát đường băng theo hình vòng cung khép kín, giăng lưới lớp ngoài, tấm khịa lớp trong. Cánh rừng càng náo nhiệt tiếng người, chúa tể sơn lâm càng im tiếng. Vốn đa nghi, cọp lui mình sâu thêm vào nơi trú ngụ. Tối hôm đó, làng cũng đóng chặt cửa nhưng không nghe hôm sau có con heo, con chó nào bị bắt đi.
Sang ngày thứ ba thì khịa đã đan kín cả một vùng. Người làng An Sơn, Lộc Yên, người Xóm Bàu, người vùng Thạnh Bình tinh thần hăng hái. Phu nhân các chức sắc như ông thông, ông phán, quan huyện cũng tò mò đến xem. Đến ngày thứ chín vòng vây đã thu hẹp dần trong tiếng chiêng trống, tiếng chó sủa huyên náo. Sức mạnh của chúa sơn lâm chắc cũng nhiều phần giảm sút, nhưng đói quá, 'ông ba mươi' cũng có thể càng trở nên nguy hiểm. Những chàng trai khỏe mạnh cầm giáo, mác, sào tre dài vót nhọn tiến sau đội cầm rựa phát cây rừng, cây cỏ gai góc… thu hẹp vòng vây.
Những con chó săn sủa vang khi đánh mùi cọp. Nghe tiếng chó sủa bất thường, người ta có thể phát hiện nơi ông hùm đang trú ngụ. Vòng lưới và tấm gai thu hẹp dần giữ cọp lại cho dân làng đến xem. Đùng một phát, cọp tung người phóng mình qua vòng lưới và mắc vào thòng lọng đã được canh sẵn. Thế là người ta dùng giáo mác xông vào trong tiếng gầm của cọp, xen lẫn hò reo của người làm kinh động cả một góc rừng.
“Con cọp ni nặng đến 4 người khiêng. Mấy chàng trai khỏe nhất thay phiên nhau mới khiêng nổi. Đó là Tư Tân, Tư Hoàng, Năm Xinh, ông Chỉnh, ông Được. Cả mấy làng cùng xúm lại làm mâm cúng thần núi rừng cầu bình yên rồi chia thịt về ăn”, cụ Hứa kể rành rọt.
Phần mộ của Ông triệu hổ. Ảnh: Quang Viên
Sau năm 1954, hầu như cọp lui hết vào rừng sâu chứ không còn ở các vùng núi gần khu vực dân cư sinh sống nữa. Theo thời gian cọp cũng vắng bóng dần. Hơn nữa, khi các loài thú hoang dã cần phải được bảo vệ, người đi săn thú rừng được coi là vi phạm pháp luật thì chuyện săn cọp chỉ còn là dĩ vãng. Dù là một trong những tay săn cọp lừng danh, nhưng bây giờ ông Hứa nói bằng tất cả nỗi niềm: “Phải chi ngày xưa có cách nào đó bảo vệ gia súc và người dân hay hơn để không bị 'ông ba mươi' tấn công thì chừ loài thú quý ni còn nhiều lắm. Chừ lâu lâu nghe ai đó săn được con thỏ, con cheo trong rừng thôi là tui cũng không ưng rồi”.
An Sơn và Lộc Yên là hai làng có truyền thống đi săn, nhưng Tú An lại là nơi yên nghỉ của Ông triệu hổ (người gọi hổ về). Một huyền thoại được người dân ở đậy truyền tụng lại rằng: Ở thế kỷ XVIII, ông là một thầy pháp có sức mạnh vô song. Ông chuyên đánh nhau với hổ và thường giành phần thắng. Lần cuối cùng trong đời, ông triệu một con hổ rất to. Người và hổ quần nhau suốt 6 ngày đêm bất phân thắng bại. Đến ngày thứ 7, Ông triệu hổ lăn ra chết, con hổ không thèm ăn thịt địch thủ mà lững thững ra suối uống nước và lạ thay nó cũng tự lăn ra chết. Từ đó, dân làng Tú An, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước chôn cất Ông triệu hổ ở chân một quả đồi và cạnh đó họ xây miếu thờ ông như Thành hoàng. Chúng tôi đến viếng mộ ông và chỉ nhận được thông tin rất mơ hồ, nhưng người dân nơi này luôn biết ơn Ông triệu hổ, vì ông là người góp phần giữ bình yên cho làng. Các cụ ở Tiên Phước còn cho biết, trong lễ hội vây cọp ngày xưa, trước khi xuất quân, nhiều người đến viếng Ông triệu hổ để có thêm sức mạnh chiến thắng hổ dữ. |
Nguồn: [Link nguồn]
Các chuyên gia đã bước đầu nhận định về dấu chân nghi là hổ xuất hiện ở khu vực rừng thuộc huyện Mộc Châu (Sơn La).