Gặp người duy nhất được đặt tên đường khi còn sống
Hà Nội và nhiều tỉnh thành có những con đường mang tên La Văn Cầu, người anh hùng chặt tay gãy, ôm bộc phá...
Anh hùng LLVT La Văn Cầu nói chuyện với thế hệ trẻ Sư đoàn 316 - Ảnh: Việt Long
Trong một trận đánh quân Pháp, khi bị thương ở tay, ông đã nhờ đồng đội chặt đứt cánh tay mình để khỏi “vướng víu” và chiến đấu tiếp. Sau trận chiến, ông được phong Anh hùng, được gặp Bác Hồ 2 lần. Đến nay, ông cũng là người đầu tiên và duy nhất được đặt tên đường khi vẫn đang còn sống. Ông là Đại tá, Anh hùng La Văn Cầu.
“Chặt tay để tiếp tục chiến đấu - Có là gì đâu!”
Gặp Đại tá La Văn Cầu trong một căn nhà nhỏ ấm cúng trên phố Tây Sơn, Hà Nội, giọng nói hào sảng và đôi mắt tinh anh của người anh hùng thuở nào vẫn như hiện hữu. Dù đã 85 tuổi nhưng khi kể về những trận đánh lịch sử đã từng tham gia, ông dường như chưa quên bất cứ chi tiết nào, dù là nhỏ nhất.
Đại tá La Văn Cầu sinh năm 1932 tại huyện Trùng Khánh, Cao Bằng. Khi ông 3 tuổi, bố ông bị thực dân Pháp bắt đi làm phu xây dựng. Mẹ ông kể, khi đi, bố ông vẫn là người đàn ông cao to, khỏe mạnh. Tuy nhiên, 3 tháng sau khi đi phu về, bố ông chỉ còn da bọc xương và mất vì bệnh tật ngay sau đó. Vài năm sau, mẹ ông đi bước nữa với người đàn ông khác. Ông kể, bố dượng rất yêu thương ông nhưng cũng không lâu sau thì bố dượng qua đời. Khi đó, ông được đổi tên thành Lã Văn Cầu theo họ bố dượng, nhưng khi làm đơn xin đi bộ đội, người ta nhầm tên ông thành La Văn Cầu và ông mang tên đó cho đến nay.
"Tôi thấy tôi là người may mắn, đáng lẽ “cỏ mọc xanh um” bao nhiêu lần rồi nhưng đều thoát. Năm 80 tuổi tôi bị đau tim, phải mổ tim. Năm 81 tuổi, mổ cắt u dạ dày. Một năm sau bị tắc ruột nên lại phải mổ cắt đoạn ruột bị tắc. Rồi cánh tay bị thương vẫn đau nhức khi trái gió trở trời, nhưng với tôi, tất cả đều vượt qua được." Đại tá, Anh hùng LLVT |
Tham gia nhập ngũ khi vừa tròn 16 tuổi, Đại tá La Văn Cầu nói, mục tiêu duy nhất của ông khi đó là để “trả thù nhà, đền nợ nước”. Bởi ông là một trong những nạn nhân chịu rất nhiều mất mát, đau khổ dưới ách đô hộ, phong kiến của thực dân Pháp.
Kể lại trận đánh đồn Đông Khê lịch sử, ông cho hay, trước trận đánh đó, đích thân Bác Hồ đã gửi thư nói đây là trận đánh quan trọng, phải đánh cho kỳ thắng, không được thua. Vì trận này mà thắng mới có thể tiến hành mở màn cho chiến dịch biên giới được. Vì vậy, tất cả mọi người đều bước vào trận chiến với tâm thế “chỉ được thắng, không được thua”.
66 năm đã trôi qua, nhưng ông vẫn nhớ như in thời khắc chiến đấu anh hùng ấy.
“Ngày 16/9/1950, chúng tôi bước vào trận chiến đánh đồn Đông Khê. Tổ bộc phá của chúng tôi gồm 5 người do tôi làm tổ trưởng là đơn vị bộc phá đầu tiên. Khi cả tổ đang hăng hái xông lên, phía bên kia địch không ngừng nã đạn. Tiến lên được một quãng, hai anh trong tổ trúng đạn bị thương nặng, không thể chiến đấu được. Ba người còn lại hăng hái xông lên. Cách lô cốt địch khoảng 15 thước, hai đồng đội bị địch bắn trúng và hy sinh. Rồi trước làn mưa đạn của địch, tôi cũng bị bắn trúng cánh tay và má phải, ngất đi trong mấy phút.
Tôi tưởng đã chết, nhưng khi tỉnh lại thì thấy một bên mình đã tê đi, sờ đến cánh tay phải thì lủng lẳng. Tôi quay xuống, nửa đường thì gặp anh tiểu đội trưởng tiểu đội xung kích đang tiến lên nên tôi bảo anh chặt hộ cánh tay cho tôi. Anh ngạc nhiên và bảo tôi quay xuống cho y tá băng bó nhưng tôi nhất định yêu cầu anh chặt tay cho tôi để tôi làm xong nhiệm vụ. Anh tiểu đội trưởng hiểu rồi lấy mác chặt cái tay bị thương đã gãy, sau đó xé áo băng vết thương lại”.
Thế rồi, ông tiếp tục chạy theo con đường cũ. Bằng mọi nỗ lực còn lại, ông đút được quả bộc phá nặng 12kg vào lỗ châu mai rồi giật nụ xòe, chạy ra xa lô cốt độ mươi mười lăm thước. Quả bộc phá nổ rất to khiến ông bị sức ép lớn ngất đi. Vài phút sau, mở mắt ra, ông thấy lô cốt đã tan tành, chỉ còn một đống gạch trắng xóa. Lúc đó, ông thấy mãn nguyện, nghĩ bụng đã trả thù được cho đồng đội.
“Khi đi chiến đấu, có ai nghĩ mình sẽ trở thành anh hùng đâu, vậy nên trong thời khắc chiến đấu vì Tổ quốc, việc phải quyết định chặt đi tay phải, tôi cũng coi “có là gì đâu”, ông bồi hồi nhớ lại.
Đại tá, Anh hùng LLVT La Văn Cầu
Cuộc gặp gỡ khó quên với Bác Hồ
Khi tổng kết chiến dịch Biên giới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã biểu dương chiến sỹ trẻ La Văn Cầu và gọi ông là “một trong những lá cờ đầu trong phong trào giết giặc lập công”. Sau đó, anh hùng La Văn Cầu vinh dự được Bác Hồ mời lên Chiến khu Việt Bắc để gặp Người.
Khi đó là tháng 5/1951, ông cùng một đồng chí công vụ đi bộ từ TX Lạng Sơn lên ATK thuộc huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang để gặp Bác Hồ. Hai người đi bộ ròng rã suốt 2 ngày thì đến.
“Một buổi chiều đến ATK, tôi không bao giờ quên được hình ảnh của Bác Hồ khi ấy - một ông cụ mặc áo nâu ngồi trên chõng tre cạnh cây đa cổ thụ. Trước khi đi, chỉ huy trung đoàn giao nhiệm vụ cho tôi thay mặt cán bộ, chiến sĩ chúc sức khỏe Bác, nhưng được gặp Bác, tôi xúc động quá, chưa kịp nói gì thì Bác đã ân cần thăm hỏi:
- Cháu Cầu từ Lạng Sơn về đây, đường sá xa xôi, năm trước cháu lại bị thương nặng, mất máu nhiều, chắc là mệt. Giờ cháu đi nghỉ, tối ăn cơm cùng Bác.
Tối hôm đó, tôi được dùng bữa tối cùng Bác Hồ và các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt... Tôi nhớ, trước khi ăn Bác vui vẻ giới thiệu:
- Thực đơn hôm nay có thịt gà do Bác tự nuôi, rau Bác tự trồng, mắm muối thì nhờ các cô chú cấp dưỡng mua. Cháu Cầu ăn tự nhiên, không ăn hết khẩu phần là lãng phí đấy!
Sau đó Bác hỏi tôi:
- Cháu Cầu hôm nay ăn cơm với Bác và các đồng chí Trung ương có ngon không?
Dù chưa nói thạo tiếng Kinh, nhưng tôi nghĩ nhanh rồi trả lời:
- Thưa Bác, cháu ăn cơm ở đơn vị cũng ngon, nhưng hôm nay được ăn cơm cùng Bác và các đồng chí Trung ương, cháu thấy ngon hơn ạ!
Bác hướng sang đồng chí Trường Chinh và khen:
- Cháu Cầu trông hiền thế kia mà trả lời “chính trị” đáo để!
Sau bữa cơm tối hôm đó, tôi báo cáo thành tích với Bác Hồ và các đồng chí Trung ương. Khi biết mẹ tôi chỉ có một con trai duy nhất nhưng vẫn động viên con đi chiến đấu, Người nói rất xúc động: “Nhiều bà mẹ có đông con, đã động viên các con lần lượt đi đánh giặc. Bà mẹ Lục Thị Quý, thân sinh của cháu Cầu, chỉ có một con trai duy nhất, cũng động viên con đi chiến đấu, không ngại gian khổ, hy sinh. Vậy thì cuộc trường kỳ kháng chiến của chúng ta nhất định thắng lợi!”.
Đầu năm 1955, Chính phủ và Bác Hồ mời các gia đình tiêu biểu có công với cách mạng về gặp mặt tại thủ đô Hà Nội. Anh hùng La Văn Cầu và mẹ cùng được về gặp Bác, được ăn cơm cùng Bác và các đồng chí Trung ương. Khi gặp nhau tại Sân bay Gia Lâm, hai mẹ con ôm chầm lấy nhau nước mắt tuôn rơi trong niềm vui và bất ngờ.
Một con đường mang tên Anh hùng La Văn Cầu ở TP Nha Trang
“Cảm thấy chưa xứng đáng được đặt tên đường”
Vào thời điểm công tác tại Tổng cục Chính trị, ông kể trong một buổi sáng đi bộ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, khi ấy là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã hỏi ông về việc UBND TP Hà Nội có ý kiến đề nghị với Tổng cục Chính trị lấy tên Anh hùng La Văn Cầu đặt tên cho một con đường hoặc một ngôi trường ở Thủ đô.
Khi ấy, ông cũng có nhiều băn khoăn. Nhưng sau một hồi suy nghĩ, ông mạnh dạn trả lời: “Báo cáo anh, trước hết qua Tổng cục Chính trị cho em gửi lời cảm ơn nhân dân Thủ đô Hà Nội đã muốn chọn tên em đặt cho con đường, ngôi trường. Nhưng em nghĩ nên lấy tên của những đồng chí đã khuất thì hay hơn. Em còn sống và em cảm thấy mình chưa xứng đáng với tấm lòng đó của bà con. Hơn nữa, nếu có điều gì không phải với bà con thì em rất áy náy”.
Tuy nhiên, sau đó không lâu, ở Hỏi ông nghĩ sao khi ông không đồng ý nhưng vẫn có con đường được đặt bằng tên của mình, Anh hùng La Văn Cầu chỉ nói: “Nói thực ra cũng có vinh dự đấy, nhưng lập trường kiên định của tôi thì vẫn không thay đổi. Tôi cho rằng không nên lấy tên tôi đặt tên đường, vì tôi thấy mình chưa xứng đáng.
Hiện nay, tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh và TP Nam Định, tỉnh Nam Định vẫn đang có những con đường mang tên La Văn Cầu.
Bi quan chỉ thoáng qua, không bao giờ mất phương hướng
Khi chiến đấu với cánh tay phải bị mất, ông không hề nghĩ đến đau đớn của bản thân. Nhưng khi trận chiến kết thúc, nhìn lại cánh tay bị cụt, ông nói cũng không tránh khỏi hụt hẫng, vì ông luôn quan niệm rằng “Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay”. Tay phải là tay làm ăn, ông lại là người nông dân nên mất tay phải cũng không tránh khỏi choáng váng, cũng băn khoăn làm sao để làm kiếm sống, làm sao tìm được người bạn đời cùng xây dựng gia đình.
“Thế nhưng, tất cả những bi quan ấy chỉ là thoáng qua thôi, chứ không làm tôi mất phương hướng. Tôi xác định sẽ biến tay trái trở thành tay phải. Sau 3 tháng luyện tập, tay trái có thể thuận như tay phải, kể cả việc khó như bắn súng tay trái tôi cũng làm tốt được”, ông vui vẻ kể.
Về chuyện xây dựng gia đình, ông nói gặp người bạn đời tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ I vào năm 1952. Khi ấy, bà cũng là Chiến sĩ Thi đua toàn quốc khi mới 16 tuổi, nhưng tình cảm đó chỉ là tình quân dân bình thường. Sau đó nhờ đồng đội vun đắp, ông bà trở thành bạn đời và tổ chức đám cưới năm 1958. Đến nay, ông bà đã có 4 người con đều đã trưởng thành. Ngày 1/8/1996, ông về hưu và sống bên con cháu với thú vui là sưu tầm những bức ảnh sinh động của Việt Nam và thế giới, chăm sóc cây cảnh và chăm sóc chú chó đã gắn bó với gia đình suốt 16 năm nay.