Gặp người đột nhập sân golf Tân Sơn Nhất
Để có hình ảnh sân golf "chiếm đất" sân bay Tân Sơn Nhất, 1 công dân đã tìm mọi cách đột nhập, bất chấp nguy hiểm.
Đó là ông Lê Văn Sang, 75 tuổi, một cựu chiến binh, ngụ phường 13, quận Tân Bình, TP HCM. Chuyện ông Sang kể dưới đây sẽ khiến không ít người và cơ quan chức năng phải suy ngẫm.
Ngặt nghèo "trinh thám" sân golf
Ông Lê Văn Sang cho biết mình sinh sống cạnh sân bay Tân Sơn Nhất từ sau năm 1975 đến nay nên phần nào hiểu được hiện trạng sân bay qua các cột mốc thời gian. Ấy vậy mà cách đây 7 năm, cơ quan chức năng đồng ý cho xây dựng sân golf trong sân bay đã khiến ông không khỏi băn khoăn rồi kiên quyết phản đối.
Ông Lê Văn Sang chia sẻ những tấm hình do mình chụp bên trong sân golf
Theo đó, 7 năm qua, ông Sang tìm mọi cách gặp các cán bộ lãnh đạo để trình bày nguyện vọng "bứng" sân golf đi nơi khác. Tính đến nay, ông Sang có hơn 3.200 lá đơn, phiếu gửi đến các cơ quan chức năng. "Nhiều người thấy tôi có hành động chẳng giống ai nên lên tiếng chê trách. Còn có người nghi ngờ có ai đứng sau tài trợ tiền bạc để tôi tố giác sân golf" - ông Sang phân trần và cho biết mỗi tháng tốn từ 1,5-1,7 triệu đồng dành cho việc đi lại thu thập chứng cứ, photo giấy tờ, chụp hình sân golf lấn chiếm sân bay. Số tiền này do ông nhịn ăn sáng mà ra.
Tuần trước, sau khi nhận thư mời tham gia tiếp xúc cử tri, ông đã thức trắng suốt 3 ngày xem lại tài liệu để phát biểu. Nhưng thấy bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ chứng cứ, ông nhanh chóng qua nhà ông Đào Khắc Khởi (80 tuổi, bộ đội về hưu) để bàn phương án đột nhập sân golf lấy thêm chứng cứ. Cả hai đã vạch ra nhiều hướng, nhiều cách làm sao đột nhập thành công vào bên trong sân golf và cuối cùng chọn phương án giả làm xe ôm để vào bên trong chụp hình. Ông Sang gầy nên vào vai người chở, còn ông Khởi to, khỏe hơn vào vai khách đi từ sân bay ghé sân golf để chơi. Thế nhưng, khi đến nơi thì kế hoạch này thất bại vì không thể vào được bởi barie chắn ngang đường mà bản thân ông Khởi không có gì để chứng minh mình là khách của sân golf.
Quyết không bỏ cuộc, ông Sang và ông Khởi lên kế hoạch đứng canh barie mở cho xe hơi vào thì sẽ lao theo. Đúng như dự tính, khi thấy một chiếc xe hơi bóng lộn trờ tới, ông Sang và ông Khởi liền cúi người và chạy bên hông xe để lọt vào sân golf. Khi thấy các căn biệt thự, nhà hàng "sang chảnh" trong khuôn viên sân golf cũng là lúc ông Khởi móc chiếc máy ảnh mini ra bấm lia lịa để làm bằng chứng cho sự xa xỉ. Lọt vào trong được 5 phút thì cả ông Sang và ông Khởi đã bị bảo vệ lao ra chặn lại chỉ mặt và đuổi ra ngoài. "Để tránh bị xóa ảnh, ông Khởi giả nhét lại máy ảnh trong túi quần và sau đó lấy ra xin chụp ảnh nhưng bị từ chối. May thật" - ông Sang kể.
Cũng liên quan đến kế hoạch đột nhập sân golf để tìm bằng chứng, trước đó không lâu, ông Sang tự làm giấy tờ để xin việc dọn cỏ, quét dọn ở trong sân golf. Thế nhưng, người tuyển dụng đã lắc đầu trả hồ sơ. Đặc biệt, hồi đầu năm 2017, ông Sang đã liều mình đột nhập sân golf bằng cách trèo cây, leo rào lúc rạng sáng để chụp những bức hình đổ đất làm đồi, xây biệt thự.
Sợ chết rồi mà sân golf chưa bị… bứng!
"Cuộc đời tôi tham gia nhiều chiến trường nên rất có kinh nghiệm trinh sát. Mọi hình ảnh, mọi công trình ở sân golf đã được tôi ghi lại kể từ lúc chúng vừa khởi công cho đến nay. Hiện tôi đã vẽ được bản đồ hiển thị quy mô sân golf và hàng chục quán nhậu bao quanh sân bay" - ông Sang bức xúc và chia sẻ thêm điều áp lực lớn nhất không phải là việc bị người lạ đe dọa mà chính là việc sân golf chưa được giải tỏa thì ông đã trút hơi thở cuối cùng.
Điều khiến vị cựu chiến binh đau lòng nhất chuyện sân golf lấy đất sân bay đã đành thì nay nhiều công trình của quân đội cũng lấn luôn hành lang an toàn sân bay. Nói xong, ông Sang kêu chúng tôi lên xe máy chở đi vòng xung quanh để chứng minh lời nói của mình là xác đáng. Quả thật, xung quanh sân bay là sự bao bọc của nhiều doanh trại quân đội, bên trong các doanh trại quân đội lại là các sân tennis, quán cà phê, quán bia… Mặc dù ở đây có nhiều bản hiệu treo: "Vô phận sự cấm vào", "Cấm tụ tập đông người" nhưng người lạ ra vào như đi chợ.
Theo ông Sang, càng tìm hiểu nhiều về sân golf, công trình quân đội khiến ông càng thêm nhói lòng và mệt mỏi. "Đấu tranh cho sân bay tôi chẳng được gì nhưng phải làm. Làm tới cùng, làm cho đến khi nào chết mới thôi bởi đó là trách nhiệm của công dân" - ông Sang bày tỏ.
Xúc động những dòng "tâm thư"! Tân Bình, ngày 21-6-2017! Với cái nóng trưa hè oi bức, đường Tân Sơn, quận Gò Vấp, TP HCM như chảy nhựa nhưng khi đọc báo biết thông tin dừng các công trình xây dựng bên trong sân golf Tân Sơn Nhất, tôi và nhiều cán bộ hưu trí mừng rơi nước mắt, nóng tan đi, mát dịu trong lòng kéo đến. Chúng tôi 7 năm ròng cầu cứu sân bay và hôm nay, chúng tôi rất mong Thủ tướng từ lời nói của mình chuyển thành hành động và Quốc hội hãy chấp thuận đóng cửa sân golf để mở rộng sân bay. Nếu làm được điều này, nhân dân cả nước ủng hộ vô cùng!"… Đó là một đoạn trong "tâm thư" ông Sang gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM. |
Trong kháng chiến chống Mỹ, ông Lê Văn Sang tham gia trận đánh Mậu Thân 1968 tại chiến trường "Đường 9 Nam Lào". Sau giải phóng 1975, ông Sang tiếp tục chống Pol Pot sau đó được về hưu với quân hàm trung tá. |
Theo tài liệu mà nhóm tìm kiếm thu thập, bên trong sân bay Tân Sơn Nhất còn có một ngôi mộ tập thể của bộ đội.