Gặp người đàn ông chế tạo tàu ngầm xuất ngoại

Đối với mỗi quốc gia, việc chế tạo ra những vũ khí, khí tài quân sự tinh vi để bảo vệ chủ quyền luôn là mục tiêu hàng đầu. Muốn làm được điều này, đòi hỏi các nước phải có một nền khoa học, công nghệ phát triển. Thế nhưng tại Việt Nam, có một kỹ sư bằng sự say mê nghiên cứu đã tìm tòi, chế tạo thành công chiếc tàu ngầm mini sắp xuất sang Malaysia.

Ước mơ sản xuất tàu ngầm

Trong căn nhà xưởng toàn máy móc, trang thiết bị, nhìn ông Phan Bội Trân với dáng vẻ nhanh nhẹn, hoạt bát, chẳng mấy ai nghĩ rằng người đàn ông này đã ngoài 60 tuổi.

Ông Trân cho biết, ông vốn là Việt kiều Pháp, về Việt Nam được hơn chục năm nay. Ông nội của ông là anh em ruột với cụ Phan Bội Châu, làm quan trong triều Nguyễn, được triều đình cử vào cai quản vùng đất mà bây giờ là thị xã Dĩ An (Bình Dương). Từ đó, con cháu họ Phan cũng theo vào và lập thành một dòng họ khá lớn ở khu vực này.

Cha của ông cũng từng tham gia cách mạng trước năm 1945 và bị thực dân Pháp bắt giam. Sau những đòn tra tấn dã man, cha ông được thả ra trong tình trạng thân tàn ma dại.

Gặp người đàn ông chế tạo tàu ngầm xuất ngoại - 1

Ông Phan Bội Trân bên chiếc tàu ngầm Yết Kiêu 1.

Là sinh viên ngành hóa tại trường ĐH Marseille của Pháp, ông Trân được đào tạo chuyên sâu về vật liệu composit, đặc biệt là những loại composit ứng dụng cho các thiết bị trong tàu ngầm, máy bay trực thăng…. Sau khi học xong, ông xin vào làm việc tại hãng chuyên chế tạo tàu ngầm Comex. “Đây là khoảng thời gian vô cùng quý giá, bởi lúc này tôi đã có cơ hội để tiếp cận và nghiên cứu sâu hơn về kỹ thuật chế tạo tàu ngầm. Những điều này so với kiến thức được dạy trong nhà trường quả là một trời một vực, khác xa nhau nhiều lắm. Sau một thời gian làm ở hãng, tôi còn được công ty cử sang Lybia để giúp nước này sản xuất tàu ngầm phục vụ cho quân sự, nhờ đó mà tôi có cơ hội tìm hiểu nhiều bí mật về công nghệ.”, ông Trân chia sẻ.

Dù đi xa đã lâu, nhưng nỗi nhớ quê hương, niềm tự hào về những trang sử hào hùng của dân tộc luôn cháy bỏng trong con người ông. Đến năm 1996, ông Trân quay trở về Việt Nam tìm kiếm thị trường, thành lập công ty và mở phân xưởng chuyên nghiên cứu về composit. Đây cũng là lúc ý tưởng về việc chế tạo một chiếc tàu ngầm "made in Việt Nam" của ông ra đời.

Ông Trân tâm sự: “Lúc đó, tôi nghĩ rằng, Việt Nam là một nước nhỏ, có thể đối mặt với chiến tranh bất cứ lúc nào nên việc trang bị thêm nhiều vũ khí quân sự là vô cùng cần thiết. Qua tìm hiểu, tôi thấy rằng chúng ta hoàn toàn có đủ điều kiện để tự chế tạo một chiếc tàu ngầm cho riêng mình với chi phí thấp hơn nhiều so với mua của nước ngoài. Nước ta chưa có ai nghĩ đến chuyện này thì mình phải là người đi trước, mở đầu cho những ai cùng chí hướng để tiếp bước theo sau, dù có thất bại cũng chẳng hề gì”. Thế nhưng, do công việc bộn bề, phải gần 3 năm sau, ông Trân mới có thể chính thức bắt tay vào nghiên cứu, chế tạo vỏ tàu cũng như những trang thiết bị bên trong”.

Gặp người đàn ông chế tạo tàu ngầm xuất ngoại - 2

Tàu ngầm Yết Kiêu 1 được đặt tại nhà xưởng của ông Phan Bội Trân.

Chiếc tàu ngầm đầu tiên

Năm 2010, chiếc tàu ngầm mini đầu tiên được xuất xưởng và thử nghiệm thành công với tên gọi “Yết Kiêu 1”. Chiếc tàu dài 3,2m, rộng 0,8m và nặng hơn 1 tấn. Nhờ vỏ tàu làm bằng composit nên độ bền cao, gọn nhẹ, có thể lặn sâu 70m trong 30 phút liên tục và chạy nổi trong 4 giờ. Ông Trân cho biết, “Yết Kiêu 1” sử dụng động cơ điện ba pha, có thể đạt tốc độ tối đa trên 15 hải lý/giờ và có máy cung cấp không khí cho người lái khi lặn. Tàu còn trang bị ống kính tiềm vọng, hệ thống bánh lái trước, sau và ngang... như một tàu ngầm thực thụ.

“Khi thử nghiệm, do điều kiện không cho phép nên tôi mới chỉ có thể cho tàu lặn ở độ sâu khoảng 2m. Nếu muốn lặn sâu và đi xa hơn, có thể lắp thêm động cơ diesel hay gắn thêm bình nhiên liệu bên ngoài vỏ tàu, nhưng như thế thì cần phải có một con tàu lớn hơn nữa”, ông Trân nói thêm.

Gặp người đàn ông chế tạo tàu ngầm xuất ngoại - 3

Dụng cụ gia công linh kiện của ông Phan Bội Trân. Chỉ với những chiếc máy như thế này, chiếc tàu ngầm “made in Việt Nam” đã được ra đời.

Chia sẻ về nguyên nhân sử dụng chất liệu composit, ông Trân cho biết: “Với khung vỏ thép, quá trình làm khuôn đúc hết sức phức tạp, tốn kém cả về thời gian lẫn tiền bạc. Trong khi đó, chất liệu composit vốn đã rất quen thuộc trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo tàu thuyền hiện nay. Việc chế tạo tàu bằng composit dễ dàng hơn nhiều, quá trình tạo khuôn và đúc chỉ mất khoảng 2 ngày, tiết kiệm thời gian mà giá thành cũng thấp hơn”.

Theo ông Trân, tàu ngầm Yết Kiêu 1 thời điểm đó có hơn 90% linh kiện được tìm mua hoặc chế tạo trong nước, chỉ mỗi động cơ là phải mua từ nước ngoài. “Thế nhưng, đến thời điểm này, tôi có thể tự tin nói rằng, nếu sản xuất ra con tàu ngầm tiếp theo, nó sẽ mang thương hiệu made in Việt Nam 100% với tất cả nguyên liệu, linh kiện hoàn toàn có thể sản xuất từ trong nước. Giá thành mỗi chiếc cũng chỉ dao động từ khoảng 4.000 đến 15.000 USD. Tùy ý muốn, có thể sử dụng nó vào mục đích dân sự hay quân sự cũng đều được hết”.

Đưa tay sửa cặp kính, ông Trân khẽ cười: “Nói chuyện với chú thì đơn giản thế đấy, nhưng quả thực thời điểm đó, để đưa được chiếc tàu ngầm ra thử nghiệm, chứng minh là nó có thể chạy được, bản thân tôi cũng phải chạy vạy ngược xuôi, nhờ người này người kia giúp đỡ dữ lắm. Nhưng ở đời là thế, thành công đâu thể nào đến với những người dễ buông xuôi”.  

________________________

Sau gần một năm nghiên cứu, chế tạo, chiếc tàu ngầm “made in Việt Nam” đầu tiên đã được sản xuất và thử nghiệm thành công trước sự thán phục của rất nhiều người.

Đón đọc kỳ 2: Xem tàu ngầm Yết Kiêu 1 bơi trong bể thử nghiệm vào 19h ngày 1/8.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thiện An ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN